Teen với trào lưu tung clip xấu lên mạng

Thời gian gần đây, việc quay clip, ghi âm rồi đưa lên mạng diễn ra liên tục khiến dư luận bàn tán xôn xao và người trong cuộc cũng khổ trăm bề.

Bỏ qua những vụ tung lên mạng với động cơ lên án tiêu cực, cái xấu (vụ clip bảo mẫu Trần Thị Phụng (Bình Dương), clip ghi lại cảnh CSGT bị tài xế taxi hất lên nắp capô...), bài viết này đề cập thực trạng muốn “chơi nổi” hoặc hạ uy tín, danh dự người khác bằng việc lén quay clip, ghi âm những hành động bạo lực, những lời nói không hay rồi tung lên mạng của một bộ phận bạn trẻ.

 

Trung tuần tháng 11/2010, dư luận phẫn nộ khi xem đoạn clip các nữ sinh lớp 8 Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5, TP HCM) đánh đập dã man một nữ sinh cùng lớp. Đoạn clip dài hơn 5 phút được quay ở một góc lớp trong giờ ra chơi.

 

Ba nữ sinh dồn nạn nhân xuống cuối lớp, dùng lời lẽ đe dọa bắt nạn nhân phải cởi áo, rồi vừa chửi mắng thô tục vừa đánh, đá, mặc nạn nhân khóc lóc van xin. Đoạn clip này quay ngày 3/11 nhưng đến ngày 19/11, Ban Giám hiệu của trường mới biết do được phụ huynh cung cấp.

 

Theo lời khai của các nữ sinh, chỉ vì “nhìn thấy ghét” nên đánh bạn cho bõ tức.

 

Trước đó, ngày 23/10, cư dân mạng đã “mổ xẻ” việc một nữ sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị 5 cô gái làm nhục giữa đường.

 

Trong clip là cảnh nạn nhân bị các cô gái ăn mặc sành điệu đánh đấm và dùng kéo cắt tóc, xé áo trong tiếng reo hò của một số nam sinh. Bức xúc, một người đi đường lên tiếng thì một thanh niên lạnh lùng nói: “Bác cứ kệ chúng nó”.

 

Trên đây là hai vụ điển hình gần đây nhất trong rất nhiều vụ tương tự như thế. Những vụ việc ầm ĩ này, hình thức cao nhất các trường áp dụng là đình chỉ việc học một năm đối với các nữ sinh đánh bạn và tung clip lên mạng.

 

Ghi âm những lời nói khó nghe

 

Những ngày cuối tháng 9/2010, dư luận xôn xao khi trên mạng xuất hiện đoạn ghi âm lén dài đến 18 phút của một nhóm học sinh chuyên lý Trường THPT chuyên Trần Phú (TP Hải Phòng). Nạn nhân của vụ việc này chính là cô giáo dạy tiếng Anh của họ.

 

Bức xúc bởi thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm của học sinh, cô giáo đã có lời nói, thái độ ứng xử không phù hợp với môi trường sư phạm và tư thế của nhà giáo. Clip này đã gây những bàn cãi trái ngược nhau về cách hành xử của cô giáo lẫn học trò và cũng gây ra cú sốc tâm lý không nhỏ cho những người trong cuộc.

 

Mới đây, sau phần công bố kết quả Vietnam Idol, trên một số diễn đàn, blog xuất hiện một đoạn ghi âm những lời nói “không đẹp” dài 15 phút của một thí sinh về một bài báo và ban giám khảo (thí sinh đã dừng cuộc chơi tại đêm gala 5).

 

“Thủ phạm” sau đó đã thừa nhận do quá bức xúc về những lời lẽ không hay của thí sinh kia nên ghi âm lại để chia sẻ cùng những thí sinh khác. Và cũng vì “quá bức xúc”, “thủ phạm” đã chuyển đoạn ghi âm cho một blogger để rồi khi nhận thức được vấn đề đang diễn ra theo chiều hướng xấu, muốn gỡ đoạn ghi âm xuống cũng không còn kịp.

 

Thiếu kỹ năng sống?

 

Theo Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Thanh Nga, việc quay phim, chụp hình người khác nhằm phát tán rộng rãi trên mạng đang là trào lưu đáng báo động trong giới trẻ. Đã là mốt thời thượng thì nội dung càng “độc” càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và vì thế càng tạo điều kiện để thể hiện cái tôi.

 

Trong khi đó, bạn trẻ thiếu quá nhiều kỹ năng sống căn bản để tự bảo vệ mình trước những trào lưu lệch chuẩn, để mặc cho các cảm xúc tiêu cực kiểm soát hành vi và thái độ của mình, khiến họ trở nên nhẫn tâm hơn nỗi đau của người khác. Đây không chỉ là lỗ hổng về giáo dục nhân cách mà còn là sự thiếu hụt kiến thức trên nhiều phương diện, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật.

 

Đối với người tung clip, hành động này thể hiện sự vị kỷ, hiếu thắng nhất thời, mục đích làm đối phương bị sụp đổ về mặt tinh thần nên chấp nhận cả cách ứng xử mang tính ác nghiệt, không màng suy xét đến hậu quả lâu dài.

 

Đối với nạn nhân, họ phải chịu những cú sốc nặng nề, căng thẳng về mặt tâm lý vì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người thân của họ.Áp lực này có thể khiến họ trầm cảm, rối loạn tâm thần và cảm xúc dẫn đến nguy cơ tự tử khi vượt quá mức chịu đựng.

 

Còn đối với các bạn trẻ xem clip, nếu thiếu kỹ năng “sàng lọc” trong quá trình tiếp nhận thông tin sẽ dần hình thành sự vô cảm.

 

Theo Người Lao Động