Teen và chuyện xem bói rút quẻ đầu năm

Đầu năm mới, cả người lớn và teen thường hay đi lễ chùa, xin thẻ, xem bói… để biết năm mới của mình sẽ như thế nào. Nhưng cũng có những khi xem bói lại gây nhiều phiền phức đấy.

Đi lễ chùa và xin quẻ - một phong tục ý nghĩa

 

Trong những ngày đầu năm, rất nhiều người thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin quẻ (xin thẻ). Xin thẻ (miền Nam gọi là xin xăm) là một hình thức tin vào các quẻ thẻ có ghi lời sấm báo trước điềm lành hay dữ trong năm.

 

Người xin thẻ dâng lễ rồi chọn lấy một quẻ thẻ bằng tre viết chữ Hán, trên quẻ thẻ thường ghi một câu văn ngắn gọn rút từ điển tích Trung Hoa cổ. Căn cứ câu văn ấy, người xin thẻ có thể luận ra "tiền định" cuộc đời mình trong năm đó.

 
Teen và chuyện xem bói rút quẻ đầu năm  - 1
Đi lễ chùa đầu năm là phong tục đẹp của người Việt.
 

Nếu không thông thạo Hán Văn, có thể thuê thầy đồ luận giải giúp. Ngày nay, người ta thường bỏ thẻ tre và thay vào đó bằng những tờ giấy in chữ quốc ngữ với lời giải được soạn sẵn.

 

Sáng mùng 1 Tết, rất nhiều người đã đổ đến các đình chùa để đi lễ, rút thẻ cầu may. Ngoài vàng, hương, lá số tử vi và các quẻ thẻ cũng rất đắt hàng, chỉ từ 5-10K là bạn có thể rút một “thẻ” – tờ giấy A4 gập tư.

 

Một số đình, chùa thì sau khi lễ xong, các sư thầy sẽ cho bạn bốc một thẻ hoàn toàn miễn phí. Các quẻ thẻ phần lớn là nói những điều tốt, chỉ nhắc nhở một vài điều nên cẩn thận trong năm sau, như “Cẩn thận tiền bạc, phòng tránh tai nạn”… Người đọc thẻ xong sẽ thêm tinh thần lạc quan vui vẻ trong những ngày đầu năm mới, biết được những gì nên làm.

 

Đây là một truyền thống lâu đời của dân tộc ta, thể hiện niềm tin và mong muốn được may mắn thành đạt. Vì thế, việc đi chùa cầu may mắn và xin quẻ đầu năm là hoàn toàn nên làm nhé. Tết này teen thử lên chùa xin thẻ xem sao.

 
Teen và chuyện xem bói rút quẻ đầu năm  - 2
Xin thẻ thường được các bạn trẻ thực hiện để đoán năm tới mình thế nào.
 

Xem bói  - dở khóc dở cười

 

Song song với việc xin quẻ thì cũng có rất nhiều người đi xem bói, với lí do “quẻ thẻ trên chùa nói chung chung quá, phải đi xem bói nghe người ta nói trực tiếp mới tin được”. Tin được hay không thì không biết, nhưng đã có lắm chuyện bi hài do đi xem bói đầu năm.

 

Minh Sơn (18t) khổ sở kể lại: “Mẹ mình mê tín lắm, năm ngoái mẹ đi xem bói từ hôm 29 Tết cơ, rồi về nhà cuống lên bắt mình phải nằm ở nhà một tuần Tết, không được đi đâu cả để tránh nạn.

 

Cuối cùng, nạn đâu không thấy, bao nhiêu bài tập, project làm nhóm, đòi hỏi phải đi họp hay đi thực tế trong Tết của mình đều đổ bể cả. Rồi chỗ mình làm part time cũng đã đuổi mình sau mấy hôm mùng 7 mùng 8 đông khách mà không thấy đi làm. Đầu năm đã xui, khổ ơi là khổ”.

 

Mẹ của T. Nhung (16t) đi xem bói về, hốt hoảng nói Tết này Nhung sẽ không tránh khỏi bệnh tật ốm đau. Hai mẹ con cuống lên đi mua thuốc đầy nhà, ngày ngày cứ ngồi lo không biết… bao giờ sẽ ốm. Ăn Tết không yên, rồi cả mẹ và Nhung đều lăn ra ốm vì lo nghĩ quá nhiều.

 
Teen và chuyện xem bói rút quẻ đầu năm  - 3
Đừng quá tin vào những chuyện bói toán để rồi vận lo lắng vào người, teen nhé!
 

Không chỉ phụ huynh mà một số bạn gái cũng hay tụ tập đi xem bói. Nghe phán xong, các bạn lại về nghĩ ngợi mất mấy ngày. Cẩm Nhung (18t) than thở: “Năm ngoái tớ cùng mấy đứa bạn gái đi xem bói ở Mã Mây, bà thầy bói phán với một đứa trong nhóm rằng tình duyên của nó có vấn đề, sẽ gặp lận đận trắc trở.

 

Báo hại nó về suy nghĩ tối ngày, ăn uống không yên, gọi điện cho tớ liên tục hỏi… tình yêu của nó có vấn đề gì thật không, trong khi tất cả mọi người đều thấy nó và bạn trai rất ổn. Cuối cùng thì ra Tết, nó và bạn trai bỏ nhau, chỉ vì bà thầy bói”.

 

Theo các nhà xã hội học, dân gian đã có câu "Bói ra ma, quét nhà ra rác" nhằm khẳng định chuyện bói toán là chưa hề có căn cứ khoa học, nên phân biệt giữa văn hóa và mê tín. Việc lên chùa thắp nhang cầu nguyện là truyền thống văn hóa lành mạnh, cần được giữ gìn. Còn xem bói đầu năm để rước họa lo lắng vào thân là hoàn toàn không nên đâu, teen ạ.

 

Theo PLXH