Teen nghiện “lô đề”

“Lô đề” vốn là hình thức “giải trí” kém lành mạnh của người lớn. Nhưng teen bây gìơ cũng “thạo” chúng chẳng kém gì ai. Lô đề giăng tua tủa trong đời sống của teen. Ở nhà, thậm chí ở cổng trường cũng có những chủ đề vào cuộc.

Con đường dẫn đến “lô, đề”

 

Đầu tiên là ở những người trong gia đình.

 

Không biết ở các nơi khác như thế nào chứ ở khu phố tôi ở, cứ 10 nhà thì có 8 nhà có người chơi “lô đề”, một khu dân cư có khoảng 20 hộ nhưng có đến 4 người ghi đề. Hầu hết các hội “lô, đề” đều tụ tập ở các quán nước, dễ tìm mà lại đông đúc.

Hàng ngày, cứ đến chiều, đặc biệt là lúc gần đến giờ quay số, các con đề tha nhau mà ngồi “chỉ đường, vẽ voi”, “xem lịch đoán số” (cứ thấy các con đề nhìn cuốn lịch rồi nhẩm nhẩm tính tính), “mơ thế này là số gì”, “hôm nay có ai chết?” (để xem năm sinh hoặc tuổi của người ấy)... Ngay cả nhà bác tổ trưởng dân phố cũng hăng hái “chơi lô, thả đề”!

 

Nằm trong vòng quay ấy, nhiều teen đã trở thành những tay nghiện lô đề một cách rất tự nhiên. Có teen “được” bố mẹ sai đi đánh nhiều mà thành quen. Lô đề có muôn hình vạn trạng mà Gà (mới học lớp 7) đều nắm rõ như lòng bàn tay. Thỉnh thoảng, Gà còn tham gia vài câu, “bố mẹ nên đánh con này”, ai ngờ tối về thật, thế là Gà được tôn làm “thần đề”!

 

Tiếp đó là xã hội.

 

Nhiều teen hay lê la quán xá, thấy người ta “đánh đấm” thì cũng tò mò, thế là tự dẫn xác vào hang cọp. Một số khác thì bị ảnh hưởng của bạn bè, thấy bạn đánh thì bắt chước hoặc bị bạn bè lôi kéo “góp vốn chung, vốn chia đôi”. Đến lớp, suốt ngày thấy tụi bạn rì rầm rầm rì như “buôn bạc giả”, ra quán nước cũng lại thành thầy bói, phán tướng hết cả, thế là bị nhiễm một cách rất tự nhiên.

 

H.Chi kể về con đường đến với lô đề của mình như sau: “Một dạo thằng bạn hỏi vay mình ít tiền. Hỏi làm gì, nó bảo chơi lô. Không ngờ nó trúng, thế là mình được ăn phần trăm. Thấy bỏ ra tí tiền mà thu về kha khá. Vậy là mình bắt đầu nhờ thằng bạn hướng dẫn và...tự chơi”.

 

Hậu quả lô đề

 

Học sinh không có nhiều tiền, thường chỉ thích chơi lô (dễ trúng hơn). Đối với các con lô thuộc hàng “tép riu”, cùng lắm một ngày chỉ đánh 1, 2 điểm (1 điểm là 23 nghìn). Còn những con lô chuyên nghiệp (nhà khấm khá một tí hoặc sớm đi vào con đường lô đề, nay đã vào dạng thâm niên) thì có khi họ còn đánh lên đến “trăm” điểm, thậm chí là “nghìn” điểm. Hỏi lấy đâu ra số tiền lớn như thế, H.Anh nói: “Chủ yếu là uy tín. Có khi không đủ tiền chồng nhưng vẫn đánh được. Chỉ cần phone qua điện thoại một cái là okie!” Về tuổi đời H.Anh còn rất nhỏ, nhưng trong giới lô đề, cậu cực kì có tiếng và được các con lô mới tập tành hâm mộ.

 

Mới đánh thì một hai điểm chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng lâu dần, máu cờ bạc đã ngấm sâu vào máu, nhiều teen đã nhúng chàm nặng mà không thể rút ra được.Trúng được vài lần nhỏ giọt đâm ra nghĩ “kiếm tiền bằng lô đề dễ quá!”, thế là đâm đầu vào đánh, càng ngày càng tăng tiến về mức độ và cường độ. Đã trúng thì muốn đánh tiếp để không cản “vận son”, trượt thì cay cú, muốn gỡ lại khoản tiền bị mất, lại chơi tiếp. Thế là đã lún sâu càng sâu.

 

Nhiều teen vì trót quá vung tay đánh với số tiền lớn, lại thua nên nợ tiền chủ lô, thế là nghĩ ra mọi cách để có tiền, vô tình biến thành đạo chích hay chôm chỉa của cha mẹ. Trường hợp T.Ngoc là một ví dụ. Dính vào lô đề từ năm học lớp 9, nhỏ nhưng “gan” lớn. Một lần kết con lô 48 quá, mà không kiếm đâu ra tiền để “thả”. T.Ngọc liền nghĩ ra cái két sắt của bố, một lần T.Ngọc vô tình thấy nơi bố cậu cất chìa. Thế là đánh liều, lấy sơ sơ ở két 2 triệu đồng, đánh gần trăm điểm. Vừa toát mồ hôi hột vừa xem kết quả. 48 “tịt”. Bố mẹ phát hiện ra, T.Ngọc bị một trận lằn mông và từ đó không bao giờ được nằm ngoài quyền kiểm soát của bố mẹ.

 

Người lớn nói sao?

 

Biết T.Trung thường xuyên chơi đề, bố cậu chỉ cười xoà: “Ừ thì đánh một vài nghìn thế cũng vui”. Mẹ M.Hùng thì quá bận chuyện làm ăn nên cũng chẳng cần quan tâm cậu con trai làm gì. Mỗi tháng đều cung cấp cho con trai tiền chi tiêu, ăn uống là hết trách nhiệm.

 

Có bậc phụ huynh mặc dù con cái nhiều lần mắc lỗi nhưng không những không nghiêm khắc giáo dục mà còn hết lần này đến lần khác gánh nợ thay cho con. Vì biết cha mẹ có của nả nên teen chẳng lo lắng gì, nếu có “sự cố” thì đã có “ông bô bà bô” gánh. Như T.Cường, một năm vì lô đề mà đi liền một lúc cái xe máy, một cái điện thoại, cả một cái laptop. Các vật dụng có giá trị cứ cầm chưa ráo tay đã lại ra đi không lời từ biệt.

 

Về phía giáo viên và nhà trường, các thầy cô cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện teen chơi lô đề thế nào. Vì đó là hoạt động ngoài giờ học của học sinh, không nằm trong tầm tay với của nhà trường.

 

Tuy nhiên các teen cũng không nên đổ lỗi hết cho người lớn. Với những tệ nạn xấu, nếu là một teen thông minh, bạn sẽ biết cách làm thế nào để anti nó khỏi cuộc sống của mình. Không phải teen nào cũng máu me lô đề. Hoặc là họ không thèm để mắt đến, hoặc là có biết nhưng không bao giờ dính vào. Còn nếu bạn đã trót “nhúng chàm”, hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.

 

Theo Mực Tím