Teen “mù tịt” chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết

Tết đến, teen cũng phải giúp bố mẹ đi chợ, nấu cỗ, bày mâm cơm. Thế nhưng độ hiểu biết của một số teen về cách làm mâm cơm cỗ Tết thì còn đáng báo động lắm…

“Mâm ngũ quả” thì phải có… 5 quả ạ?

 

Đó là câu hỏi rất ngây thơ của Hồng Trang - một bạn gái 16 tuổi giúp mẹ đi chợ mua hoa quả về bày. Bạn cũng không biết là phải mua những quả gì, nên… cứ quả nào thích ăn thì mua về thôi. Cuối cùng thì cả chục thứ quả Trang mua về, mẹ bạn đều lắc đầu nói không dùng được.

 

Teen “mù tịt” chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết - 1
Mâm ngũ quả miền Bắc

 

Teen nhớ nhé, mâm ngũ quả có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Theo quan niệm của người xưa, chọn 5 thứ quả là ngũ hành ứng với mệnh của con người, và chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

 

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: chuối, ớt, bưởi, quất, lê (đều có 5 màu sắc khác nhau), trong đó quả chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc sum vầy. Ngoài ra có thể thay thế bằng cam, quýt, hồng xiêm, hồng đỏ.

 

Còn mâm ngũ quả của người miền Nam gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với ngụ ý “cầu sung vừa đủ xài.”

 

Teen “mù tịt” chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết - 2
"Cầu – sung – vừa – đủ - xài" là đây!

 

Mâm lễ cúng Giao thừa

 

Khác với Hồng Trang mù tịt về mâm ngũ quả, Thu Thủy (17t) thì có quan sát mẹ làm mâm cơm cúng giao thừa, và biết rằng việc làm lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới là nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Nhưng một lần đến chơi nhà bác, nghe bác nói “Năm nay sẽ làm cỗ chay”, Thủy mới đớ người ra: hóa ra cỗ cúng giao thừa cũng có hai loại đấy!

 

Mâm lễ cúng giao thừa bao gồm các món ăn ngày Tết được chế biến tinh khiết, trang nghiêm. Đối với cỗ mặn thì phải có thịt gà, bánh chưng, xôi gấc/ xôi đỗ xanh, giò – chả và các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Còn cỗ ngọt (cỗ chay) thì không có thịt, mà chỉ có hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết, rượu bia và các loại đồ uống khác thôi nhé.

 

Teen “mù tịt” chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết - 3
Mâm cỗ giao thừa.

 

Đồ ăn ngày Tết – cần chuẩn bị những gì?

 

Ngày Tết là lúc mọi người mua rất nhiều đồ ăn, thành ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, Tết đến là mọi người ăn uống cho no đủ, và đồ ăn ngày Tết cũng thường có nhiều món hơn bữa ăn ngày thường. Vậy để đi chợ chuẩn bị đồ ăn, đặc biệt là cho 3 ngày Tân niên, teen phải ghi nhớ những món gì đây?

 

Teen “mù tịt” chuyện đi chợ bày mâm cỗ Tết - 4

Các món ăn ngày Tết thường được làm cầu kì hơn bình thường.

 

Đầu tiên là cỗ Tết. Trong dịp Tết người Việt thường tổ chức ăn uống lớn, gọi là ăn cỗ. Các món cỗ thường gồm: canh măng, bóng bì, chân giò nấm hương, miến nấu lòng gà, nem rán, xôi gấc, xôi đỗ, thịt gà, thịt đông, các món xào, giò lụa, giò mỡ, nộm, dưa hành muối… Nhiều quá phải không, nhưng thế mới gọi là “ăn Tết” chứ!

 

Các loại bánh truyền thống thì gồm có: bánh chưng, bánh dày, bánh tét. Mứt tết thì có rất nhiều loại: mứt gừng, mứt bí, mứt táo, mứt dừa, mứt quất, mứt sầu riêng, mứt mít, mứt khoai, mứt hạt sen, mứt chà-là, mứt lạc, mứt me... Kẹo bánh thì cũng rất đa dạng: kẹo bột, kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo dừa, kẹo cau, kẹo cu-đơ, bánh chè lam...

 

Ngoài ra, Tết còn có hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ rang... Trái cây thì rất phong phú, nhưng đặc biệt không thể thiếu dưa hấu đỏ mang lại may mắn. Teen Hà Nội có thể mua mứt tết và bánh kẹo tết tại chợ Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Buồm.

 

Theo PLXH