Teen Hà Nội “bí” chỗ chơi

(Dân trí) - Nhiều người than thở rằng đi đường toàn thấy mấy cô cậu choai choai “lượn lờ”, “đánh bóng mặt đường” đến chóng cả mặt. Giới trẻ cũng phải công nhận rằng, sở dĩ họ ra đường nhiều như vậy vì cũng chẳng biết đi đâu, khi cà phê mãi cũng chán, xem phim mãi cũng nhàm…

Chơi - Đi đâu?

 

Tưởng tượng bạn làm việc và học học hành vất vả, bạn cần một nơi để xả hết stress, rồi sau đó lại lao đầu vào bận rộn, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều là đắm chìm vào một đống hỗn độn, để rồi không biết đâu là đường ra.

 

Nhu cầu thì rõ mồn một là thế, nhưng thực tế thì không có mấy chốn vui chơi giải trí lành mạnh nào đáp ứng được.

 

Nếu bây giờ bạn hỏi một bạn trẻ là dạo này hay đi chơi ở đâu. Câu trả lời hầu như chỉ xoay quanh “ngồi quán (hoặc karaoke, club) - xem phim - lượn phố (cùng lắm thì có thêm cái bến Hàn Quốc)”. Bắt đầu một cuộc đi chơi cho đến khi kết thúc, hành trình ngày nào cũng chỉ quanh quẩn như thế.

 

Cà phê thì đã trở thành một thói quen thường ngày, nhưng ngồi nhiều cũng chán. Thanh - một 8x đời cuối than vãn: “Ngồi cà phê thì cũng “ok”, nhưng mà lần nào đi chơi cũng chỉ loanh quanh hết quán này đến quán nọ, ăn thì cũng ra quán, bạn bè tán dóc cũng lôi nhau ra quán, đến ngủ trưa cũng tìm đến quán vắng vẻ mà ngủ. Ngồi quán nhiều hơn ngồi nhà rồi”. 

 

Chán quán, giới trẻ rủ nhau đi xem phim, nhưng không hẳn lúc nào cũng có phim hay để xem, và không phải lúc nào “ngân sách” cũng dư dả để chi trả cho một buổi đi xem phim. Như ở Megastar chẳng hạn, không tính vào các ngày được giảm giá, thì 2 vé xem phim cộng với 1 popcorn đôi đã tiêu tốn của bạn gần 150.000 đồng rồi. 

 

Vậy, còn gì vừa rẻ tiền vừa được di chuyển ngắm cảnh vừa hoạt động hơn là lượn phố. Có lẽ rất nhiều bạn trẻ đã có suy nghĩ đó, nên chuyện không phải thứ 7 hay Chủ nhật mà dân tình vẫn “lượn” ầm ầm đã là chuyện “thường ngày ở huyện”. Lắm lúc ra đường, quay phải quay trái toàn những gương mặt non choẹt của teen nhà mình. Ngửi khói xe đến tức cả ngực. 

 

Lớn hơn teen một chút thì chọn các Club, Bar làm địa điểm lui tới. Thế nhưng những người này lại gặp phải không ít cảnh trớ trêu hơn bởi thị phi của những người đứng tuổi. “Báo chí đưa nhiều các vụ “thác loạn” trong Pub, Club quá nên bây giờ em mà xin đi Club là bố em mắng em ngay, vì thế mỗi lần đi em đều nói dối là đi hát Karaoke” - một bạn trẻ thành thật tâm sự.

 

Vậy thế nào là đi chơi lành mạnh, thế nào là giải trí có văn hoá đây? Đã qua rồi cái thời đi chơi công viên vườn hoa (mà ngay cả chỗ đó, vào buổi tối thì chỉ có đỏ mặt vì đủ tư thế của các đôi), và càng xa cái thời người ta không ra ngoài đường sau 9h tối. Thực sự, để có một chỗ vui chơi giải trí thật sự thì Hà Nội vẫn chưa có hoặc có cũng quá ít.

 

Ngày nào cũng lên… Vincom!

 

Đó là tình hình chung không chỉ riêng teen mà cả những bạn trẻ “già” hơn. Bởi thực tế những chỗ để teen Hà Nội được vui chơi lành mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Ai cũng biết, bây giờ Vincom trở thành điểm tập trung của rất nhiều người đến vui chơi, mua sắm, xem phim, cà phê, ăn uống... đặc biệt là giới trẻ. Sự có mặt của toà cao ốc này thậm chí còn biến khu vực xung quanh trở thành trung tâm “đắt giá”. 

 

Lí giải cho sự thành công này có thể vì Hà Nội quá thiếu chỗ chơi. Giới trẻ hầu như chẳng biết đi đâu cả, có những nhóm bạn ngày nào cũng lên Vincom, không xem phim cũng chẳng mua sắm hay cà phê - cà pháo gì cả, đơn giản vì họ chẳng còn chỗ nào để đi nữa.

 

Trên thế giới, mô hình những Mall (khu vui chơi mua sắm kết hợp dịch vụ) - gồm cả một dãy phố đi bộ với những cửa hàng quán xá tập trung đã trở nên rất quen thuộc và tạo thành “văn hoá” vui chơi. Người ta có thể vui chơi, ăn uống, mua sắm, nghỉ ngơi, thư giãn ở những Mall này cả ngày không biết chán. 

 

Mô hình này có lẽ là cái đang thiếu ở Việt Nam. Khi mức sống càng được nâng cao, người dân - nhất là giới trẻ càng có nhiều những nhu cầu vui chơi giải trí. Đó là một nhu cầu hoàn toàn hợp lý và lành mạnh. 

 

Trong tương lai, chắc chắn những mô hình như kiểu Mall và nhiều mô hình vui chơi khác sẽ được xây dựng ở Việt Nam. 

 

Còn hiện tại, tạm thời teen đành phải chấp nhận kiểu đi chơi “ăn một đầu thành phố” “chơi một đầu thành phố” và tiếp tục đưa ra những câu hỏi hàng ngày “Đi đâu đây?”

 

Thanh Thúy