Teen giữa vòng vây ảo thuật

Du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng trò vui Street Magic (Ảo thuật đường phố) thời gian gần đây mới phổ biến rộng rãi.

Và nó đang trở thành niềm đam mê của một bộ phận teen. Đáp ứng kịp thời nhu cầu “tầm sư học... ảo thuật” của teen, rất nhiều lớp học ảo thuật đã được mở ra theo kiểu “đào tạo cấp tốc”. Tuy nhiên, cung cách “đào tạo” kiểu chụp giựt, chợ trời của nhiều “thầy” đã khiến nhiều teen mất tiền oan uổng.

Teen giữa vòng vây ảo thuật  - 1
Học ảo thuật ở quán cà phê.
 
Teen giữa vòng vây ảo thuật  - 2
“Thầy” ảo thuật tiếp thị trên phố.
 
Teen giữa vòng vây ảo thuật  - 3
Teen mình hãy xác định ảo thuật là một trò chơi thôi nhá!

Loạn thầy ảo thuật

Dạo một vòng quanh trên web, không khó để tìm ra những lớp học ảo thuật với những cái tít được “giật” sáng choang và gọi mời: “Bạn muốn tỏa sáng như David Copperfield”, “Lớp học ảo thuật cấp tốc”...

Lúc mới bắt đầu làm quen với ảo thuật, teen sẽ được hướng dẫn những “ngón” đơn giản như làm biến mất đồng xu, khăn đẻ trứng. Giá trung bình của những trò đơn giản này là 100 - 200 ngàn đồng. “Chỉ 30 phút là bạn có thể thực hiện được, đơn giản mà tiện lợi, có thể diễn ở bất kì đâu”. Đánh trúng tâm lí muốn “thành tài” cấp tốc của teen, với những quảng cáo hấp dẫn kèm theo mức học phí ở mức “chấp nhận được”, teen sẵn sàng chi tiền để theo học. Và kịch bản “thả con săn sắt bắt con cá rô” bắt đầu từ đây.

“Lần đó tớ đăng kí theo học một khóa ảo thuật đơn giản với giá 100 ngàn đồng cho 5 trò diễn. Học chưa tới đâu thì thầy đã quảng cáo tá lả về các loại đĩa dạy ảo thuật rồi đạo cụ diễn này nọ. May mà lần đó tớ mang ít tiền, đứa bạn tớ mới nghe ham quá dốc túi mấy trăm ngàn để mua nào là đồng xu ma thuật giá lên đến 60 ngàn đồng, một bộ bài gần 400 ngàn đồng và món “độc” là một chiếc khăn mùi xoa có giá 229 ngàn đồng ngay tắp lự. Về đọ giá trên mạng mới biết mua hớ gấp đôi”, Đ. Anh (lớp 10 trường M.Đ) kể.

“Chiêu” thường gặp nhất của những lớp học ảo thuật “ảo” là tung lên vài clip dạy ảo thuật miễn phí, sau đó quảng cáo những trò hấp dẫn hơn nhưng chỉ có trên đĩa hoặc clip. Muốn sở hữu những ngón được dán mác “hàng độc” này, tất nhiên teen sẽ phải móc hầu bao một khoản không nhỏ: 80 - 200 ngàn/đĩa hoặc 15 - 20 ngàn/lần tải clip.

T.T., nữ sinh trường K. run run kể: “Hồi đầu năm, thấy một bạn nam trong lớp biểu diễn xiếc bài hay quá, mình lên mạng tìm thầy để học. Thầy hẹn mình đến một quán cà phê tối và bắt đầu... nắm tay với lời giải thích: “Phải luyện tay cho dẻo mới biểu diễn được”. Mình sợ quá, chạy té khói về nhà luôn”.

Nghề chơi cũng lắm tốn kém

Sở hữu vài ngón nghề với những trò đơn giản đã đủ trổ tài với bạn bè, thế nhưng, một số teen không “chơi là chính” mà lại “ganh đua là chủ yếu”. “Ban đầu chỉ định chơi cho vui, nhưng càng tập thì càng thấy máu nên quyết định đầu tư cao hơn”, H. Nam (11 V. T.S), một teen mê ảo thuật kể.

Càng chơi lên cao, ngoài sự khéo léo và kĩ thuật của đôi bàn tay, thứ không thể thiếu đối với các ảo thuật gia teen là... đạo cụ. Thông thường, mỗi món đạo cụ chỉ phục vụ được cho một trò diễn. Muốn diễn được nhiều trò, teen bắt buộc phải sắm nhiều đạo cụ. Tuy nhiên, phần lớn những món đồ này có cái giá khá “chát” so với túi tiền của teen nhà mình. “Bèo bèo như bộ bài tây cũng có giá 165 ngàn đồng, còn những món tầm tầm như cây gậy ma thuật giá lên tới 1 triệu rưỡi, mà phải xài tới 2 cây mới diễn được à nghen..”

Chuyện teen bỏ ra vài triệu đồng để “nâng cấp” bộ đồ nghề ảo thuật của mình cũng không phải là hiếm. H. Minh (lớp 10 trường Nguyễn Du) đã nói dối bố mẹ, xin tiền đi học thêm nhưng thực chất là đi... học ảo thuật. Và toàn bộ số tiền được Minh “nướng” hết vào những “dụng cụ ma thuật”.

Đáng ngại nhất là việc nhiều teen đang có khuynh hướng “chạy đua dụng cụ ảo thuật”. T.Tr., đang là học sinh ở Q.10, TPHCM kể chuyện: “Lúc đầu, lớp mình có phong trào xiếc bài khá hấp dẫn. Từ chỗ chơi cho vui, nhiều teen trở nên cay cú, muốn ta đây là người giỏi nhất. Mới đây, một bạn trong nhóm mình đã bị dụ khị mua một bộ bài với giá đến 800 ngàn đồng với lời quảng cáo nghe rất ma thuật: một lá bài có thể chứa đến 3 lá bài khác. Thế nhưng, khi mang vào lớp, cả đám nghiên cứu mới thấy bộ bài cũng giống như bình thường...  Lúc này, N. có tiếc thì cũng đã muộn rồi vì “hàng mua rồi miễn trả lại”.

Trang bị cho mình một vài tài lẻ để vui chơi với bạn bè hoặc để giải trí sau những giờ học căng thẳng là chuyện hợp lí. Thế nhưng, hãy bình tĩnh, đừng để bị bao vây bởi ảo thuật ma mà tiền mất, tài chẳng thấy đâu, teen nhé!

***

Có lần, bọn tớ đã bắt gặp một “thầy phù thủy” với dung mạo khá ấn tượng: mắt tô xanh lè, môi đỏ chót, trùm một miếng vải đỏ trên đầu đang “làm xiếc” giữa đám đông. Gọi điện theo số điện thoại đính trên ngực áo “thầy”, “thầy” tự hào giới thiệu mình là thành viên của hiệp hội biểu diễn ảo thuật đẳng cấp quốc tế đang muốn chiêu sinh. Giá của một môn ảo thuật đơn giản là 100 ngàn đồng một trò, còn muốn học ảo thuật hành nghề thì tùy theo môn mình muốn học. Thầy cũng cung cấp đủ các loại dụng cụ ảo thuật với giá từ 100 ngàn đồng trở lên và... chỉ dạy riêng từng người, ai muốn đăng kí cũng được.

***

“Nhiều teen chỉ chăm chỉ “săn” những đạo cụ hàng khủng để làm “lác” mắt bạn bè mà chẳng thèm quan tâm đến những việc tập luyện khác. Trò chơi nào cũng vậy, đòi hỏi phải có sự đam mê và sáng tạo chứ chỉ tập tành theo trào lưu thì khó thành công lắm. Mình thấy nhiều bạn trẻ hiện nay chỉ quan tâm đầu tư mua đạo cụ để thực hiện những ngón khó mà không phải khổ công tập luyện”. Ken, một teen có “thâm niên” và khá nổi tiếng trong làng ảo thuật TPHCM nhận xét.

Theo Minh Đức - Chí Như
Mực Tím