Tập sự với Intel

Nhà máy chip bán dẫn trị giá hơn 300 triệu USD do Tập đoàn Intel đầu tư chuẩn bị đi vào hoạt động. Những người trẻ đầu tiên đã có cơ hội thực tập tại nhiều bộ phận như nhân sự, xây dựng, thiết kế, vật tư... Họ đã học được gì trong nhà máy “xịn” nhất thế giới ở Việt Nam?

Lê Thị Trúc Linh (SV năm 3 khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM): Qua hai cuộc phỏng vấn, một bằng điện thoại từ Trung Quốc và một trực tiếp tại Việt Nam, Intel chọn tôi là thực tập viên.

Tôi đã phải học rất nhiều thứ kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Tôi học cách sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại (inet, netmeeting, telecom...), học cách đặt phòng, làm việc trực tuyến…

Tất cả mọi thứ ở đây đều gắn liền với công nghệ. Nhưng bài học lớn nhất của tôi là phong cách, văn hóa của Intel. Một thực tập viên như tôi không được tuyển để làm những việc lặt vặt như pha trà, photocopy mà còn có thể tham gia những dự án lớn của công ty nếu chịu khó học hỏi và bộc lộ năng lực...

Phạm Thanh Phương (SV năm 3 Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM): Ở Intel, tôi được công nhận như một nhân viên thực thụ, được giao những công việc cụ thể và luôn nhận được sự đánh giá khách quan từ các quản lý cũng như những nhân viên khác. Tôi nghĩ làm việc cho Intel không khó, bạn cần phải biết bạn là ai, bạn muốn gì và bạn sẽ làm được gì để tìm được một vị trí xứng đáng với mình.

“Các bạn thực tập viên đã hòa nhập rất tốt trong môi trường làm việc mới. Họ đã thể hiện khả năng độc lập trong việc quản lý những gói dự án của riêng mình.

 

Tôi hi vọng đợt thực tập này đã cung cấp một cách thức làm việc chuyên nghiệp trong một ngành công nghệ cao cho các bạn trẻ Việt Nam” - William Chin, Giám đốc nhân sự Intel Việt Nam.

Khưu Minh Thịnh (21 tuổi): Tôi phải qua phỏng vấn ba lần mới được vào thực tập ở Intel. Tôi thích cảm giác mỗi tuần được họp qua mạng với các nhân viên cùng bộ phận trên toàn cầu để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Những ngày ở Intel, tôi phát hiện phải luôn luôn học hỏi và không ngại đặt câu hỏi, vì chính từ sự chủ động đó mình sẽ gặt hái được nhiều hơn.

Lê Trần Châu (21 tuổi): Từ ngày đầu tiên ra mắt, tôi thật sự bất ngờ khi thấy toàn bộ lãnh đạo cao cấp của Intel ra bắt tay, hỏi thăm, động viên từng người như những người thân trong gia đình.

Ở Intel không hề có sự phân chia cấp bậc, mọi người đều bình đẳng. Tôi thật sự cảm thấy rất thoải mái khi được làm việc với những “manager” rất bình dân và vui tính. Họ luôn biết cách làm mọi người vui vẻ, hòa đồng làm giảm bớt những căng thẳng trong công việc.

Huỳnh Thị Hoàng Phương (SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng TPHCM): Tôi thích Intel ngay từ cuộc phỏng vấn: tự nhiên và hoàn toàn thư giãn như đang nói chuyện với bạn bè. Là một thực tập viên nhưng tôi được sử dụng một cái laptop cực kỳ đắt tiền, được cấp tất cả mọi dụng cụ cần thiết cho công việc y chang như sếp - tức là không có sự “phân biệt đối xử”. Hành trang lớn nhất tôi mang về là tâm niệm “đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội”, phải làm việc nhiều và cố gắng học hỏi từ người khác.

Intel “săn” nhân tài Việt

 

Intel đang tìm kiếm thông tin của sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ, Malaysia và Trung Quốc. Intel luôn giữ các đầu mối liên lạc với những sinh viên này khi họ trở về Việt Nam.

 

Đồng thời, tập đoàn này đang thu thập thông tin về thị trường, nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục và các hội chợ việc làm ở Việt Nam để chuẩn bị cho nguồn nhân lực hiện nay và trong tương lai. “Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ sử dụng nhân lực tại chỗ” - Craig Barrett, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Intel, khẳng định.

Theo Trần Vũ Nguyên
Tuổi Trẻ