Tăng điểm cho khả năng “ăn nói” của bạn

(Dân trí) - Được người khác đánh giá là “ngoại hình khá ổn nhưng nói năng chán phèo”. Bạn có muốn thay đổi “thực tế” đó không?

Ngữ điệu  

Một người ăn nói thô lỗ, cộc lốc sẽ không được ai ưa. Ngược lại, ăn nói lịch sự, từ tốn, tôn trọng người khác sẽ dễ gần và được người khác quý mến. 

Âm giọng phát ra rõ ràng, rành mạch không nên nói quá to (khiến người khác nhức đầu và căng thẳng), nếu nói quá nhỏ chứng tỏ bạn là con người nhút nhát, tự ti, không biết thể hiện mình.  

Tuyệt đối không phát ngôn khi giận dữ bực tức vì như vậy lời nói của bạn sẽ rất khó nghe và làm tổn thương người nghe.  

Ngôn ngữ cơ thể 

Không nên đứng ẻo lả dựa vào tường hoặc vào bàn ghế. Hãy đứng thẳng, giữ tư thế đàng hoàng. Khi ngồi, không rung đùi, rung chân nghiêng ngả trên ghế. Những cử chỉ này khiến người đối diện nghĩ là bạn không tôn trọng họ. 

Khi nói chuyện hãy nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không nên nhìn tứ phía hoặc nhìn xa xăm với cặp mắt vô hồn. Thể hiện sự quan tâm đến câu chuyện họ nói bạn sẽ được coi là người biết cách lắng nghe. 

Tuyệt đối tránh những cử chỉ như gãi đầu gãi tai, ngoáy mũi, ngoáy tai… những cử chỉ này phản cảm vô cùng, bạn sẽ bị người ta  quy cho là “ở bẩn” đấy. 

Nhận lời khen

Con người ai cũng muốn được khen ngợi, được tán dương thế nhưng nhiều người không biết phải nhận lời khen như thế nào. Có đôi khi, phản ứng của họ khiến người khen cũng bối rối, xấu hổ. Đơn giản thôi, ban chỉ cần nói một câu cám ơn, thay vì cứ chối đây đẩy phủ nhận lời khen của họ dù trong thâm tâm biết rõ là mình rất xứng đáng được nhận lời khen đó.  

Khiêm tốn đôi khi cũng tốt nhưng nếu bạn quá lạm dụng nó thì tự bạn đã làm mất giá trị của mình. Hãy nhận lấy những gì bạn đáng được hưởng và cũng phải biết khen người khác nữa đấy nhé.  
 
Đề tài nên xoay quanh chủ đề gì? 
 
Tuỳ thuộc vào đối tượng giao tiếp như giới tính, trình độ học vấn, tuổi tác mà bạn “gợi chuyện” để gây hứng thú cho người tiếp chuyện với bạn. 

Tỉ dụ như với con gái, bạn không thể đem chủ đề “chính trị, chính em” đao to búa lớn ra mà nói, vì phần lớn con gái không quan tâm lắm đến chuyện đó. Với bạn trai, bạn không thể bàn về thời trang, mua sắm hay những thứ “hầm bà lằng” của cuộc sống riêng tư được rồi.

Bạn cũng nên tinh ý và biết cách thăm dò, khai thác “sở thích” cũng như “sở ghét” của họ để hướng câu chuyện sang chủ đề cả hai bên cùng quan tâm. 

Nếu bạn có khiếu hài hước thì cực ổn vì ai cũng muốn được thoải mái vui cười, tuy nhiên không nên đùa dai hoặc quá tếu táo đến mức bất lịch sự. Bạn có thể kể những câu chuyện cười hóm hỉnh nhưng ý nghĩa chứ không nên tập trung vào chuyện sex, phân biệt giới tính, đưa chuyện về người tàn tật… ra để làm trò cười.  

Tôn trọng câu trả lời của người khác  
 
Đôi khi, bạn không hoàn toàn đồng ý với câu trả lời của người khác nhưng tuyệt đối không nên “độp” ngay lại. Vì như vậy người vừa đưa ra ý kiến sẽ cảm thấy hẫng vì bị tạt một gáo nước lạnh. Thay vào đó bạn có thể dùng ngôn từ mềm mỏng hơn để đưa ra ý kiến riêng của mình. 

Khi bạn bắt đầu một cuộc nói chuyện, hãy hỏi một câu hỏi khơi mào thật thân thiện và thú vị chứ đừng bắt đầu một cuộc tranh luận gay gắt không đáng có.

Nghe nhiều hơn nói

Tán gẫu và buôn chuyện của người khác là điều tối kỵ. Nói qua nói lại rồi cũng đến tai khổ chủ, bạn sẽ bị coi là xấu tính và rỗi hơi. Học cách giữ bí mật, không nên để lại ấn tượng xấu trong lòng người khác. Bạn có tới 2 cái tai nhưng chỉ có một cái miệng mà thôi, nên nghe nhiều và nói ít đi.  

Khi nhận thấy người khác không hứng thú với câu chuyện của mình thì nên ngừng ngay, chuyển chủ đề khác đại loại như hỏi họ về sở thích đặc biệt nào đó hoặc dự định sắp tới của họ.  

Giao tiếp là một nghệ thuật, đòi hỏi ở bạn nhiều kỹ năng. Tuy nhiên các “kỹ năng” của bạn có giỏi đến mấy nhưng không có cái tâm sáng thì mọi lời nói hay, những cử chỉ đẹp mắt chỉ là giả tạo, giống như một bông hoa đẹp mà không hương sắc. Sống chân thành và suy nghĩ tích cực, bạn sẽ được đánh giá là dễ mến và văn minh! 

Quốc Phương
(Tổng hợp)