Tân sinh viên rơi vào cảnh sống tạm

(Dân trí) - Khi tân sinh viên các trường rầm rập nhập học, cũng thời điểm nhiều chủ nhà trọ tung phòng ra cho thuê với giá “phát hoả”. Không thuê được phòng, nhiều tân sinh viên đành phải sống tạm, ở nhờ.

Nhà trọ “xuất giá”

Cách đây khoảng nửa tháng, khu vực tập trung nhiều sinh viên sống trọ gần trường ĐH KHXH&NV và ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội như ở đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… các phòng trọ đều đã “đóng băng”. Thế nhưng, khi hai trường này nhập học, nhiều phòng trọ lập tức được chủ nhà tung ra với giá thuê cao ngất.

Dãy trọ của bà Phương, ở sâu trong ngõ 90 đường Nguyễn Tuân gồm 8 phòng được hoàn thiện từ hồi tháng 6 nhưng đến thời điểm này chủ nhà mới quyết định treo biển cho thuê. Nghe bà chủ nhà hét giá phòng 1,2 triệu, nhiều người sẽ hình dung về phòng trọ ở đây  khá “cao cấp” một chút, hoặc ít nhất cũng phải khép kín. Nhưng thật ra nó chỉ là khu trọ như bao khu trọ khác.
 
Tân sinh viên rơi vào cảnh sống tạm  - 1
Đã nhập học nhưng nhiều sinh viên vẫn phải long đong tìm nhà trọ (Ảnh: HN).

Khu trọ còn nặc mùi vôi ve, phòng lợp pia - rô xi-măng, rộng không quá 10m2, nội thất trong phòng độc nhất là phản gỗ để người thuê làm giường ngủ. Cả dãy chỉ có một khu vệ sinh chung gồm một bể nước, hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh được xây sát nhau. Đó là chưa kể khu vực này khá ẩm thấp, mưa là ngập ngay. Thế nhưng dãy cũng chỉ còn hai phòng trống, sáu phòng còn lại đã có người thuê.

Mỗi ngày có hàng chục người đến hỏi thuê phòng nhưng nghe giá nhiều người phải bỏ cuộc. Thế nhưng bà Phương vẫn không hề nao núng: “So với giá bình quân thì có đắt nhưng đắt mấy cũng sớm có người đến thuê ngay thôi. 6 phòng có người ở rồi đấy, cũng đi tìm khắp nơi không được rồi cũng phải quay lại năn nỉ”.

 Các khu trọ còn phòng cho thuê quanh các trường ĐH thời điểm này cũng “chào hàng” với giá chót vót. Nếu trước ngày nhập học phòng trọ rộng dao động từ 8 - 10m2 giá thuê khoảng 600 - 700.000 đồng thì giờ được đẩy lên triệu, thậm chí còn cao hơn. Các phòng trọ ở khu vực làng Phú Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm), hay ở Cầu Giấy, gần các trường ĐH Quốc gia, Sư phạm, Thương mại… giá thuê so với hồi tháng 8 cũng đã nhích lên 100 - 200.000 đồng.

Cũng cho thuê phòng trọ giá chót vót, phòng khép kín 18m2 giá 1,8 triệu đồng, anh Thông, chủ dãy trọ ở đường Vũ Ngọc Phan (Đống Đa) cho hay: “Mình xác định để dành, cho thuê muộn là đã thiệt mất thời gian cho thuê rồi nên giá cao là hiển nhiên. Khi nhập học, mới nhiều người cần nhà trọ nên có đắt rồi cũng có người thuê. Đây là thời điểm cuối cùng trong năm nên mình phải cho thuê được giá cao nhất”.

 Vật vờ cảnh sống tạm, ở nhờ

Đã nhập học nhưng nhiều tân sinh viên không thuê nổi phòng trọ vì giá cho thuê vào thời điểm này quá cao. Thế nên, không ít bạn đang rơi vào tỉnh cảnh đang phải sống tạm, ở nhờ nhà người quen, bạn bè trong khi tiếp tục chờ phòng.  
 
Tân sinh viên rơi vào cảnh sống tạm  - 2
Không gánh nổi tiền nhà trọ, nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh sống nhờ, ở tạm (Ảnh: HN).

Cường, quê Thái Bình, tân sinh viên ĐH Xây dựng cho hay, cậu lên Hà Nội từ ngày 3/9, nhập học từ hôm 5/9 nhưng vẫn chưa tìm được nhà trọ. Giờ Cường đang phải ở nhờ phòng trọ của một anh sinh viên cùng quê đang học Bách khoa.

Cường lo lắng: “Em đi tìm khắp nơi mà không được, gần trường có nhưng giá thuê cao quá. Phòng trọ này nhỏ, đã đến 3 anh sinh viên ở, mình ở nhờ cả tuần rồi, phiền lắm nhưng giờ em chưa biết tính chuyển đi đâu. Đã học mà chưa có chỗ ở, em thấy oải quá”.

Quang, ĐH Kinh tế còn thảm hơn khi đi ở nhờ liên tục. Giữa tháng 8 mới lên, Quang ở nhờ phòng mấy anh cùng trường. Cảnh sống nhờ chật chột, Quang không kêu ca, mấy anh sinh viên viên cũng thoải mái nhưng bà chủ nhà lại có quy định cấm cho bạn bè đến ở nhờ. Thế là, ban ngày Quang vật vờ ở trường, sau 10 giờ đêm, bà chủ nhà đi ngủ mới dám về phòng. Sáng sớm mai, cậu phải dậy từ sớm trốn đi không cho bà chủ biết.

Chống chọi với cảnh ban ngày vật vờ được hai tuần, Quang tiếp tục ôm hành lý của mình đến ở nhờ bạn bè cùng lớp mới quen. Cứ hai hôm một lần, Quang lại lân la hỏi thăm người khác cho mình ở tạm vài hôm.

“Mỗi tháng bố mẹ chu cấp cho em một triệu đồng tiền ăn học, tính ra em chỉ có khoảng 300.000 đồng dành cho tiền nhà trọ. Nhưng với số tiền đó, đến ở ghép với bạn bè còn khó chứ chưa nói mình chủ động đi tìm phòng”, Quang chán chường.

Ký túc xá cũng là điểm “trú chân” của nhiều sinh viên chưa tìm được nhà trọ. Không phải có suất ở ký túc mà là họ… ở chui. Thế nên mới xuất hiện việc có phòng ở ký túc xá số lượng sinh viên vượt quá… số giường.

Nguyễn Thị Hoà, ĐH Thủy lợi cho biết: “Trong phòng em có hai bạn học trường Ngân hàng đang ở nhờ. Các bạn ấy đi tìm phòng suốt nhưng kêu giá phòng đắt lắm nên mãi không thuê được. Ở chui thế này việc học, việc ăn ở của các bạn cũng như sinh viên trong phòng ít nhiều bị ảnh hưởng. Các bạn ấy phải trải chiếu giữa nền nhà để ngủ, lúc nào cũng nơm nớp lo bảo vệ bắt”.  

Phan Thị Hoài Nam