Tâm sự chàng trai “mắc kẹt” trong thân xác nữ nhi

Tuy con gái nhưng từ nhỏ Aki rất thích mặc áo quần nam, thích chơi với các bạn nam. Mỗi lần bố mẹ dẫn đi mua giày dép, Aki luôn vòi mẹ mua thêm một đôi của nam. Cô bé ghét những ai gọi mình là “bé gái” “chị” hay “cô bé”.

Từ cô gái rượu

 

Khác với những điều nhiều người suy nghĩ, Aki Trần tự tin, mạnh mẽ chẳng thua kém một chàng trai thực thụ. Aki giới thiệu tên thật là Nguyễn Thị Trúc Phương, con gái duy nhất trong một gia đình lao động khá giả ở TPHCM.

 

Từ nhỏ, Aki được biết là cô gái ngoan hiền, học giỏi nhưng trầm tính. Năm lên 8 tuổi, Aki bắt đầu cảm nhận được sự khác lạ của cơ thể. Tuy con gái nhưng từ nhỏ Aki rất thích mặc áo quần nam, thích chơi với các bạn nam.

 

Mỗi lần bố mẹ dẫn đi mua giày dép, Aki luôn vòi mẹ mua thêm một đôi của nam. Cô bé ghét những ai gọi mình là “bé gái” “chị” hay “cô bé”. Bố mẹ Aki thấy con có những biểu hiện lạ nhưng chỉ nghĩ con bướng bỉnh, có sở thích khác thường.

 

Tâm sự chàng trai “mắc kẹt” trong thân xác nữ nhi
Chàng trai chuyển giới (vốn là cô gái Nguyễn Thị Trúc Phương) tại buổi hội thảo những người LGBT. Ảnh: V.L .

 

Càng lớn, Aki càng nhận thấy sự khác biệt của cơ thể, luôn thể hiện là nam giới. “Mình sống khép kín từ nhỏ, hầu như không giao lưu với bạn bè. Hằng ngày ngoài giờ đến lớp, mình đọc sách, báo. Mình thích mặc áo quần nam từ nhỏ nhưng sợ bố mẹ mắng nên phải mặc lén, giấu áo quần thật kĩ”, Aki kể lại.

 

Đến năm 18 tuổi, Aki thi đỗ vào trường Đại học Hoa Sen, chuyên ngành dịch thuật. Thời gian này, khát khao sống thật với giới tính trỗi dậy mạnh mẽ hơn với Aki. Cô mạnh dạn cắt tóc ngắn, ăn mặc và cư xử như một chàng trai trước mọi người, kể cả bố mẹ. “Đến năm 2010 mình mới biết cơ thể là người chuyển giới chứ không phải đồng tính. Mình là chàng trai tồn tại trong thể xác cô gái”, Aki tiếp lời.

 

Mọi chuyện lăng lẽ trôi qua cho đến một buổi sáng cách đây 5 năm. Aki kể lại: “Hôm đó chuẩn bị đi học thì mẹ gọi lại truy vấn mấy bộ đồ nam giới. Trong lúc phơi áo quần con gái, mẹ mình thấy nhiều “phụ kiện” của nam”- Aki kể lại. Biết không thể giấu mãi, Aki lấy hết can đảm nói rõ sự thật rồi lên xe đến trường.

 

“Bố mẹ nghe xong không nói câu nào. Nhất là mẹ sốc nặng, mình thấy mặt bà biến sắc rõ rệt”, Aki nhớ lại. Suốt buổi học hôm ấy, tâm trạng “chàng trai” rối bời: Không biết chiều về nhà sẽ giải thích thế nào? Chống đỡ áp lực từ người thân, bạn bè ra sao?

 

Thế nhưng từ lúc biết sự thật về con, bố mẹ Aki không phản ứng khác thường nào.“Mình biết bố mẹ buồn nhưng cố làm lơ, sợ làm tổn thương con cái”.

 

Đến “thầy” giáo tiếng Anh kiêm tư vấn giới tính

 

Những lần tâm sự sau đó, mẹ Aki động viên con hãy làm những gì bản thân thích, miễn sao đừng gây hại cho cơ thể. Người mẹ còn chủ động mua trang phục nam cho con gái. Suốt 4 năm học đại học, Aki luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng học thật tốt, ra trường tìm được công việc ổn định. Về phía gia đình, “chàng trai” càng có động lực phấn đấu khi bố mẹ công khai ủng hộ việc con gái công khai giới tính và luôn hết lời động viên con.

 

Aki Trần tự tin sau khi công khai giới tính thật.
Aki Trần tự tin sau khi công khai giới tính thật.

 

Tốt nghiệp đại học, Aki được nhận vào giảng dạy tại một trung tâm tiếng Anh ở Làng Đại học Thủ Đức. Ngay buổi đứng lớp đầu tiên, Aki không ngần ngại giới thiệu bản thân thuộc cộng đồng người LGBT (Cụm từ dùng để nói về cộng đồng những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới).

 

“Các bạn trẻ hiểu và thông cảm cho Aki hơn. Tôi yêu cầu trung tâm và các bạn xưng hô đúng với giới tính mong muốn của mình như một điều kiện làm việc”, Aki nói với sinh viên. Ngoài giảng dạy tiếng Anh, Aki vẫn tiếp tục công việc kinh doanh hàng lưu niệm gầy dựng từ thời sinh viên nhằm kiếm thêm thu nhập.

 

Và dù bận rộn nhưng “chàng trai” này luôn nhiệt tình giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh. Aki là admin một diễn đàn tư vấn cho người chuyển giới từ nữ sang nam nhiều năm qua.

 

Trở lại cuộc sống bản thân, chàng trai chuyển giới tự tin rằng từ ngày “trở lại chính mình” đã sống thoải mái hơn. Aki không còn che giấu bản thân, sống khép kín nữa. Ngược lại, “nam thanh niên” tự hào mỗi khi tham gia các buổi offline, buổi gặp những người LGBT và chia sẻ câu chuyện bản thân. Aki khuyên các bạn LGBT nên sống thật với giới tính mong muốn.

 

“Việc cố gắng che giấu giới tính càng khiến bản thân dễ suy sụp. Ngược lại, việc giao tiếp rộng giúp bản thân mạnh dạn hơn trước đám đông. Tuy nhiên, công khai giới tính còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Thời điểm, hoàn cảnh gia đình và bản thân sẵn sàng đương đầu với các tình huống xảy ra sau đó”, Aki nói trong một buổi tư vấn cho các bạn thuộc nhóm LGBT.

 

Với bản thân, Aki quyết định công khai giới tính năm 18 tuổi. Đó là lúc Aki vừa thi đỗ đại học và là niềm tự hào của cả nhà. Hơn nữa, đây là bước ngoặt trong cuộc đời nên bắt buộc Aki phải chọn lựa: Tiếp tục sống giả tạo hay công khai giới tính.

 

“Các bạn nên xác lập vị thế bản thân trước khi lên tiếng. Điều quan trọng nhất là gia đình tin tưởng các bạn. Lúc đó việc công khai giới tính giảm áp lực hơn”, Aki nói.

 

Tháng 11/2014, Aki Trần vinh dự là nhân vật trong bộ phim tài liệu dài 5 phút đại diện cho cộng đồng người LGBT Châu Á- Thái Bình Dương tham gia dự án thay đổi cách nhìn của xã hội đối với người LGBT của Liên Hợp Quốc.

 

Chia sẻ dự định sắp tới, Aki cho biết đang cố gắng nâng cao trình ngoại ngữ và “săn” học bổng đi du học: “Giới tính gì không quan trọng, miễn sao bạn sống có ích, được mọi người tự hào. Bản thân mình cảm thấy hạnh phúc khi bố mẹ tự hào”, Aki chia sẻ quan điểm.

 

Người đồng tính khác người chuyển giới thế nào?

 

Người chuyển giới là người có giới tính mong muốn khác với giới tính lúc sinh ra. Ví dụ sinh ra là nam và nghĩ mình là nữ. Còn đồng tính là người có tình cảm với người cùng giới. Chuyển giới liên quan đến việc “bạn nghĩ bạn là ai” (cảm nhận về giới tính) còn đồng tính liên quan đến việc “bạn yêu ai” (sự hấp dẫn về tình cảm).

 

Trong mối quan hệ tình cảm, người chuyển giới thường xem người mình thích là người khác giới. Còn đồng tính xem người mình thích là người cùng giới.

 

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TPHCM cho biết đa phần người chuyển giới đang đối mặt với nhiều khó khăn do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật.

 

“Họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”, bác sĩ Dũng nói và cho biết thêm, người chuyển giới là những người đang bị kỳ thị nhiều nhất trong xã hội. Họ đang phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, xâm hại thân thể.

 

Vì vậy theo ông cần phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và đời sống thực tế.

 

Theo Mai Văn

Tiền Phong