Tại sao gọi người ly hôn là đàn bà đã cũ?
(Dân trí) - “Ly hôn và sống tốt gấp nhiều lần chính là một dạng thành công! Thành công vang dội! Tại sao gọi người ly hôn là đàn bà đã cũ? Trong khi bất kỳ ai sau khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân thì họ đều sẽ là một con người mới, bằng cách này hay cách khác", 9x Tuệ Nghi viết.
Tuệ Nghi cũng không ngại ngần đề cập thẳng thắn về việc cô đã từng kết hôn và li hôn trong thời gian không lâu. Cô nói lên những suy nghĩ và cách thức cô đã vượt qua khổ đau, can trường bước tiếp ra sao trong cuốn sách mới của cô.
Cuốn sách "Can trường bước tiếp" của Tuệ Nghi viết về những trải nghiệm trong cuộc sống, được đúc kết từ những chuyến công tác đến nhiều vùng trời khác nhau trên thế giới. Những câu chuyện về hành trình xây dựng sự nghiệp, những cảm xúc về gia đình, những tản mạn về tình yêu và cuộc sống sẽ được Tuệ Nghi kể lại dưới một góc nhìn trưởng thành và bình thản hơn.
Theo chia sẻ từ Tuệ Nghi, "Can trường bước tiếp" không phải là những câu chuyện buồn, ngược lại tác phẩm sẽ chứa đầy nguồn năng lượng tích cực, lan truyền cảm hứng đến người đọc, đặc biệt là phụ nữ về một phong thái ung dung, tự tại trước những mất mát và đau thương xảy đến trong cuộc sống, cũng như cách đối nhân xử thế để có được một cuộc đời hạnh phúc như mong muốn.
Tuệ Nghi khởi nghiệp từ năm 15 tuổi, sáng lập công ty riêng khi vừa tròn 17, được vinh danh trong Top 10 Ngôi sao Kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương ở tuổi 20, bên cạnh hình ảnh một nữ doanh nhân thành đạt, Tuệ Nghi nhận được rất nhiều sự chú ý và yêu mến từ độc giả với vai trò là một nhà văn trẻ.
Nhà văn 9x này có nhiều cuốn sách bán chạy như: Luật ngầm, Sẽ có cách - đừng lo, Cứ bình tĩnh, Đàn ông hay hứa, phụ nữ hay tin?.
"Can trường bước tiếp" có những trích đoạn nổi bật như “Ly hôn và sống tốt gấp nhiều lần chính là một dạng thành công! Thành công vang dội! Tại sao gọi người ly hôn là đàn bà đã cũ? Trong khi bất kỳ ai sau khi bước ra khỏi một cuộc hôn nhân thì họ đều sẽ là một con người mới, bằng cách này hay cách khác.” hay một đúc kết ngắn gọn: “Khổ đau tận cùng, sẽ là tái sinh” đã góp phần lý giải vì sao tác phẩm này lại cháy sạch hàng chỉ sau 15 phút mở bán.
Tuệ Nghi chia sẻ: “Nghi đến với văn học chỉ muốn chia sẻ lại những trải nghiệm thực tế mà Nghi có cơ hội được chiêm nghiệm trong hành trình của mình".
Trong cuốn sách "Can trường bước tiếp" có nhiều thông điệp, cảm xúc của một người phụ nữ. Một số trích dẫn hay từ cuốn sách như:
"Tôi vẫn luôn tin một điều rằng mỗi người trong chúng ta đều được an bài một vị trí nhất định, đều sẽ toả sáng vào một thời điểm nhất định, với điều kiện bạn phải đi qua hết những chông gai, phải vượt qua được nỗi chán chường do chính bạn tạo ra…".
"Phải mất một thời gian để người ta nhận ra rằng, mảnh đất ngọt ngào này không thiếu hoa cho người giàu, mà cũng rất thừa lệ cho người nghèo. Hai mảng màu sáng tối luôn ẩn hiện, đan xen nhau, nhọc nhằn của những phận người tha hương cầu thực làm sao mà kể xiết".
"Trong lòng dậy sóng, bốn phương tám hướng đều chẳng có lấy một nơi bình an. Thông suốt lẽ đời, biết chấp nhận, biết tiến lùi đúng lúc, mọi sự trong đời tự khắc sẽ an".
"Không phải cứ hy sinh là sẽ được đáp lại, cũng không phải cứ từ bỏ sự nghiệp thì sẽ được hạnh phúc. Phụ nữ biết bao giờ mới chịu nhận ra sự thật đó?".
"Bạn hỏi tôi sự nghiệp để làm gì ư? Những quý cô thân mến của tôi à, đã là phụ nữ thì rồi cũng sẽ phải rơi nước mắt thôi, không vì điều này hẳn cũng vì điều khác. Nhưng khóc trên đống tiền, khóc giữa một núi hàng hiệu, khóc trong xe hơi, khóc trong biệt thự…của chính mình, dù sao cũng dễ chịu hơn là khóc uất ức trong bốn bức tường thậm chí còn không thuộc về mình, ngày mai ăn gì, tiêu gì cũng phải ngửa tay xin".
"Đàn ông không cần phụ nữ cái gì cũng biết, chỉ cần biết điều là được. Đàn ông mê phụ nữ ngọt ngào, thích ngắm phụ nữ đẹp, nhưng yêu và cảm thấy thoải mái bên cạnh người phụ nữ biết điều. Phụ nữ chưa học được hai chữ biết điều thì tốt nhất khoan hãy nghĩ đến chuyện kết hôn, bởi vì sẽ làm khổ người khổ mình".
"Không cần hứa cả đời không thay đổi, bởi vì thành thật mà nói thì cấu tạo sinh học của đàn ông sinh ra là để đi chinh phục, sao dám nói mấy mươi năm sau này không có lúc dao động cô này cô kia? Chỉ cần trước khi làm gì đều nghĩ cho cảm nhận của vợ, của con, của bố mẹ hai bên, vậy là được rồi. Đừng cố tìm một người đàn ông không lăng nhăng mà hãy tìm người biết suy nghĩ".
"Nghe nói ba mươi tuổi chưa chồng thì gọi là bà cô già phải không? Nhưng ba mươi tuổi có trong tay sự nghiệp vững chắc, dung nhan lộng lẫy, ứng cử viên vẫn xếp hàng dài mấy con đường, thì người ta gọi là Quý Cô. Kể cả có bốn, năm mươi tuổi thì người ta cũng vẫn gọi là Quý Bà".
M.C