Tabalo và bụi hành trình hai vạn cây số

Huyền thoại về nhân vật Tabalo được lưu truyền trên nhiều forum: một chiến binh du lịch bụi, đội trưởng đội du lịch bằng xe máy, một người dấn thân và xả thân cho niềm đam mê khám phá của mình. Họ bảo: trung bình một tuần anh ta không có 200km rong ruổi dành cho việc khám phá những miền đất xa xôi mới là chuyện lạ. Đó là ai thế?

Huyền thoại về một chiến binh du lịch bụi

 

Đấy là chuyện các member (thành viên) trên net ngưỡng mộ anh, ngưỡng mộ cái triết lý đi của anh và nói thế. Chứ kỳ thực câu chuyện của anh còn hấp dẫn hơn nhiều lần so với... huyền thoại.

 

Theo cái bảng excel tính vội anh gửi cho tôi thì đã có đến hơn 40 hành trình đã có dấu vết chiếc xe máy của anh và số km ước tính là... 20.550. Luôn luôn có một file châm ngôn đính kèm với cái nick Tabalo: Cứ đi dù chẳng biết đi đâu. Khoác balo là go, go, go... Điều ấy hẳn sẽ làm con số 20.550km kia cứ  mặc nhiên mà tịnh tiến và không dễ đến điểm dừng.

 

Mỗi lần đọc nhật ký các chuyến đi của anh, nhiều thành viên trên forum đã phải hét toáng lên vì sung sướng, có cậu còn kêu ca “em như đang bị ăn đói ấy khi mới đọc được một nửa nhật ký hành trình”. Hành trình ngược sông Mã 700km xe máy, hành trình mùa thu, rừng quốc gia Xuân Sơn 500km xe máy, hành trình Mù Căng Chải, Mường Tè, chợ tình Khâu Vai, hành trình Ba Bể, hành trình Tây Trường Sơn, hành trình Bắc Sơn, hành trình sân chim và cửa Ba Lạt, hành trình Thái - Lào, hành trình Nghệ An, Hà Giang, hành trình khám phá Cao Bằng với 1800km có dấu bánh xe.

 

Đi để khám phá thiên nhiên kỳ thú, đi để thoả mãn cảm giác được dấn thân của những người trẻ. Anh bảo: Chẳng nhớ nổi điều đó hình thành trong mình từ khi nào, nó là tính cách, là niềm say mê. Có phải vì thế mà anh cùng Tây Bắc Group chinh phục đỉnh Fansipan bằng lối ít người đi, anh hút mọi người vào những khu rừng nguyên sinh kì diệu trên chặng đường đến nóc nhà Đông Dương. Trong số 16.109 lượt người đã đọc, đã sống cùng những trang nhật ký hành trình của anh, bao nhiêu người đã trầm trồ với chuyến đi mang tên Robinson ở đảo Côtô?

 

Anh Tabalo có cả một triết lý đi. Nghe có vẻ không giống một thuyết cho lắm khi anh dùng từ nôm na là đi kỹ, đi cho đến tận cùng những miền đất mới. Nhưng anh bảo: Đã 2 lần chúng tôi chinh phục những miền đất của Tây Nghệ An, hay nhiều hơn thế là những chặng đường Tây Bắc. Nhưng chẳng có con đường nào là đường cũ cả. Mỗi lần đi là một cảm giác mới.

 

Một thời của honda cub 50cc…

 

Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông Tùng già. Bày bản đồ, túi ngủ. Mơ tính chuyện đường xa.... Hẳn phải có lý do nên khi nói đến Tabalo Nguyễn Vũ Tùng, cậu bạn cùng lớp đại học của anh lại phải cáo lỗi cụ Vũ Đình Liên.

 

Thời đại học mới qua chưa lâu của anh vẫn còn được xếp ngăn nắp trong trí nhớ là... những hành trình. Hồi ấy, trong mắt bạn bè, anh là một tay lớp trưởng của một lớp khoa Vật lý, có cái đầu bù xù, khuôn mặt dài thuỗn với cái miệng cười cợt dáng cao nghêu (và chẳng ai biết chắc được dưới cái đống bù xù được gọi là tóc kia có chính xác là bao nhiêu trò tinh quái).

 

Anh lớp trưởng khét tiếng về khả năng lãnh đạo và tài tổ chức ấy cũng đã  từng cho cậu bạn cùng tổ xơi trọn cả đống hạt ô mai ướt nhoèn nhoẹt mà mọi người vừa nhằn ra. (Nghe nói bây giờ anh bạn này đang làm tiến sĩ về các hạt cơ bản ở Hà Lan). Anh lớp trưởng nghịch ngợm ấy cũng đã từng nổi danh bởi một cơ số các sáng kiến làm dạ hội, marketing chương trình, làm dạ hội của lớp mình đông nghịt người, thu bội tiền vé, ngay cả khi chương trình của Đoàn trường vẫn còn vắng ngơ vắng ngác.

 

Bạn bè kể chuyện về anh, một chàng trai trẻ hào sảng, quần bò áo phông, cưỡi Honda Cub, ào ào trên phố. Trong hồi ức của anh Hùng, bạn anh còn kể rõ: Tôi nhớ có lần đang ngồi học, nghe nói Thuỷ điện Hoà Bình đang xả lũ, anh rủ tôi đi xem thực hư thế nào. Chúng tôi ra đường số 6, phóng thẳng lên Hoà Bình. Đến nơi ngó thấy thác nước xối xả hùng vĩ, bụi nước theo gió tạt xuống hàng cây số, mát rượt. Anh thưởng thức chán chê cái vẻ hùng vĩ của thác nước rồi lại leo lên Honda Cub 50cc phóng về Hà Nội, học bài tiếp.

 

Chinh phục đỉnh cao bằng một con đường mới

 

Bây giờ thì các hành trình của anh không còn chớp nhoáng và thô sơ như cái thời đi học bằng cub 50cc nữa. Mỗi chuyến đi của anh bây giờ được trang bị kỹ càng bằng những bài tập thể lực cách đó hàng tháng trời và một cơ số dụng cụ, trang bị của một... chuyên gia du lịch bụi: Từ bọc đầu gối, bọc mắt cá, tất chống vắt, túi ngủ mỏng, lều chống mưa, bếp dã chiến... đến đồng hồ xác định độ cao (trên chặng đường leo núi), đèn tikka cá nhân, hệ thống định vị toàn cầu GPS, máy bộ đàm liên lạc tiền đội, trung đội và hậu đội...

 

Trước khi leo đỉnh Fansipan, toàn nhóm của anh đã có rất nhiều bài tập, bài test thể lực bằng việc leo tạm 18km có đeo balo trên núi Ba Vì, bài kiểm tra khả năng sử dụng la bàn ở khu vực Hoà Lạc vào thời điểm tối trời.

 

Khách du lịch leo lên đỉnh Fansipan thông thường đi theo 2 hướng: hướng 1 qua trạm kiểm lâm Trạm Tôn, leo đỉnh đèo Ô Quy Hồ, xuyên qua rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn; hướng 2: ngược suối Cát Cát, qua Sín Chải và lên Fansipan. Nhưng hành trình của Tabalo và Tây Bắc Group thì đương nhiên là theo hướng đi khác.

 

Hướng đi đó dài gấp đôi hành trình thông thường: 4 ngày. Hướng đi đó nguy hiểm hơn khi men theo sườn dãy Hoàng Liên Sơn. Hướng đi đó là một thách đố với những người trẻ tuổi đam mê khám phá. Hướng đi ấy hầu như không có người Việt nào đã từng đi và thành công. Nhưng hướng đi ấy có vô vàn điều kỳ thú khi 90% quãng đường là những tán rừng nguyên sinh hấp dẫn thay đổi theo độ cao khác nhau.

 

Và Tabalo cùng Tây Bắc Group đã chinh phục thành công nóc nhà Đông Dương ngạo nghễ và thách đố bằng con đường mạo hiểm của mình. Họ được no nê thị giác trong khu rừng nguyên sinh ở độ cao 2200 mét, vượt qua khu rừng tùng la hán ở độ cao 2600 mét, chiêm ngưỡng những cây đại thụ đã tồn tại cùng đất trời hàng thế kỷ, đi qua những bụi trúc thấp ở độ cao 2700 mét... 

 

12 người của Tây Bắc Group cùng Tabalô đã cắm những lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi mà biết bao người trẻ khác từng ước mơ chinh phục. Họ gắn lên đó chiếc bảng inox mang tên Tây Bắc Group, tấm bảng inox thứ 2, gắn sau một cái chóp bằng inox của một người Ba Lan gắn lên đỉnh từ những năm 80.

 

Trong hành trình của anh cũng đã có cả Phù Sai La Leng (tiếng Thái có nghĩa là dốc núi khô hạn), có biết bao cửa khẩu xa xôi: Tây Trang, Pa Háng, Chiềng Khương, Sông Mã, Cầu Treo, Lao Bảo, Nậm Cắn...

 

Trên hành trình đi Mường Xén, Kỳ Sơn trong chuyến chinh phục Tây Nghệ An nhóm của anh ngủ lại ở một khách sạn có cái tên ngộ nghĩnh: khách sạn Phanh dần. Bánh xe của anh đã đi hơn hai mươi nghìn cây số của đất nước nhưng chưa có ý định phanh lại.

 

Tabalo luôn bảo rằng: Mỗi dòng nhật ký tôi gửi trên forum là một dòng tâm sự tôi gửi đến các bạn trẻ. Tôi muốn gửi lòng háo hức, đam mê của mình đến các bạn. Hãy tạm khép lại những ngày-văn-phòng chật chội, từ bỏ những thói quen với game và những nỗi buồn ủ rũ. Hãy biến mỗi chặng đường thành một cảm xúc mới cho cuộc sống của mình.

 

Theo Phạm Thu Hà - Sinh Viên Việt Nam