SV tiếp sức mùa thi kể chuyện bị dọa “xử”

(Dân trí) - Bên cạnh những kỷ niệm vui khó quên trong thời gian tiếp sức mùa thi, SV tình nguyện cũng gặp không ít tình huống nhớ đời như bị dọa xử, bị tông xe, hay bị vu “ăn tiền”… từ công việc “vác tù và hàng tổng” của mình.

Phân luồng giao thông, giảm ách tắc quanh khu vực trường thi là nhiệm vụ quan trọng của sinh viên tình nguyện (SVTN) tiếp sức mùa thi. Với công việc này, SVTN chấp nhận phơi mình giữ nắng nóng, xe cộ đông đúc để trở thành… dải phân cách, cũng như trực tiếp phân luồng giao thông sao cho hợp lý nhất.

SV tiếp sức mùa thi kể chuyện bị dọa “xử” - 1

SVTN đứng phân luồng giao thông rất dễ bị… tông xe (Ảnh: Hoài Nam).

Nhưng không phải người đi đường nào cũng thông cảm cho việc làm của họ. Khi bị cản đường, không ít người chống đối, sẵn sàng có những hành vi “phản pháo” SVTN như chửi bới, thậm chí tông thẳng xe vào “dải phân cách” để đi.

Đến giờ, Đào Thị Duyên, SVTN ĐH Công nghiệp TPHCM vẫn chưa hết rùng mình… nhớ đến cú tông trực diện vào người của một bác lớn tuổi khi cô tham gia phân luồng trong đợt thi thứ hai.

Giờ thí sinh ùa ra, đường kẹt nên xe máy chỉ lưu thông một chiều thì người đàn ông này vẫn đòi đi ngược chiều. Dù phía trước kẹt nhưng ông ta nhất quyết không chịu quay lại và cũng không chấp nhận lời Duyên “bác thông cảm vì đang thi đại học” mà rồ ga đâm luôn vào người cô gái và còn lớn tiếng chửi bới.

“Lúc đó lòng em nặng trũi đến muốn bật khóc dù chỉ bị xây xước nhẹ. SVTN nào “đứng đường” ít nhiều cũng bị ăn chửi nhưng bị tông xe thì cũng không nhiều đâu, lâu lâu mới gặp người dữ dằn đến vậy”, Duyên nói.

Đội ngũ phát tờ rơi, bán đáp án, vé số… trong dịp thi cũng luôn dành cho SVTN với ánh mắt “tóe lửa” khi bị cấm cản việc “quấy nhiễu”, thậm chí lừa đảo phụ huynh và thí sinh. Họ sẵn sàng nổi xung, chống đối, hay lên tiếng đe dọa khi SVTN đến mời… đi chỗ khác.

SV tiếp sức mùa thi kể chuyện bị dọa “xử” - 2

Một người bán báo, đáp án thi “hằn học” với SVTN khi bị nhắc nhở không bán trước cổng trường (Ảnh: Hoài Nam).

Có trường hợp, SVTN nhắc nhở những những đối tượng trên chỉ đi quanh quẩn một lúc rồi lại… quay về chỗ cũ. Thời điểm tan trường thi, họ càng áp sát cổng trường để tiếp cận thí sinh, thách thức SVTN.

“Không cấm được họ đến phát tờ rơi, bán đáp án trước cổng trường, bọn em đành nhắc thí sinh cẩn thận với đáp án bán dạo thì có người dọa: “Tao nhớ mặt mấy đứa mày rồi nhé! Sẽ gọi tay chân đến xử bọn mày cho xem”, một SVTN tại điểm thi trường ĐH Mở TPHCM kể.

Bị vu… ăn tiền, lừa đảo

Gặp nhiều tình huống bị đe dọa khi làm nhiệm vụ nhưng nỗi buồn lớn nhất với T. Vân, SVTN trường ĐH Công nghiệp TPHCM lại là suy nghĩ của một số phụ huynh không hiểu công việc của mình.

Nhiều lần Vân và các bạn dẫn phụ huynh và thí sinh đến phòng trọ và tận tình hướng dẫn họ cách sinh hoạt, đường tới điểm thi… Chẳng biết có phải vì mình nhiệt tình quá hay không mà có phụ huynh vỗ vai: “Làm thế này chắc chủ trọ chia cho nhiều tiền lắm nhỉ?”.

SV tiếp sức mùa thi kể chuyện bị dọa “xử” - 3

SVTN giải thích với phụ huynh không được phép vào trường thi trong thời gian thí sinh làm bài. (Ảnh: Hoài Nam).

Là SV năm thứ nhất, năm đầu đi tình nguyện nghe vậy Vân sốc đến mức đứng như trời trồng và… chảy nước mắt. “Sau đó, cũng gặp nhiều tình huống như vậy, có người còn dùng từ “ăn tiền” đau lòng lắm nhưng em giải thích với họ, bọn em làm tình nguyện, hoàn toàn miễn phí thì các bác và các em đều hiểu”.

Vân cười khi kể thêm rằng có phụ huynh đang nghi ngờ như vậy, khi biết được sự tình quay sang gật gù: “Nếu con bác đỗ đại học, cháu cho nó tham gia vào đội tình nguyện với nhé!”.

“Mẹ con tôi đi thi, không có tiền bạc gì đâu, các cô cậu đừng có lừa đảo”, câu nói này có lẽ những SV tiếp sức đóng tại các bến xe đón sĩ tử đều đã được nghe khi phụ huynh tưởng họ là đội ngũ nhân viên tiếp thị tiếp cận mình. Đó là lúc SVTN phát huy khả năng thuyết phục của mình để sự nghi ngờ, lo lắng kia thành… thân thiết.

Công việc SVTN tiếp sức mùa thi có những khó khăn mà nhìn ngoài không thể hình dung hết được. Nhưng không một chiến sĩ nào vì thế mà chán nản mà ngược lại, nhờ những tình huống như vậy họ càng thấy được ý nghĩa công việc mình làm.

Bớt được những giọt mồ hôi, khó khăn và nhân thêm nụ cười, niềm vui cho phụ huynh, thí sinh chính là động lực lớn nhất của mỗi chiến sĩ áo xanh.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm