SV ngành Luật "khẩu chiến" về việc tha chết cho "những" Lê Văn Luyện

(Dân trí) - Phía ủng hộ quan điểm giữ án tử hình lấy dẫn chứng là những tội phạm nguy hiểm như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, đề cao tính nghiêm khắc của pháp luật; trong khi bên phản đối dựa vào tính nhân dạo và đề nghị dùng án chung thân suốt đời để thay thế.

Hai đội chơi trong cuộc thi hùng biện được giao một nhiệm khó khăn đó là thuyết phục mọi người rằng quan điểm của mình là đúng trong vấn đề "Nên hay không nên bãi bỏ hình phạt tử hình".

 

Đây là một đề thi trong đêm chung kết cuộc thi "Hùng biện Socrates 2013" diễn ra tại Hội trường D3 trường ĐH Luật Hà Nội tối 17/4. Để chiến thắng đội còn lại, mỗi đội chơi gồm 3 thành viên sẽ phải đưa ra những luận điểm, luận cứ khẳng định quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ của mình.
 
Phần hùng biện của nhóm "phản đối án tử hình"
 

Trước thử thách đầy cam go của vòng chung kết, 6 thí sinh của hai đội hùng biện đã dốc toàn lực thể hiện hiểu biết và tài tranh luận của mình. Đội ủng hộ án tử hình cho rằng phải nêu cao tính răn đe của pháp luật bằng cách nghiêm trị kẻ có tội. Trong khi đó, đội phản đối án tử hình cho rằng, tử hình là đi ngược lại tính nhân đạo và quyền sống của con người.

 

Đội phản đối tử hình còn lấy dẫn chứng bằng những số liệu thống kê nước Mĩ cho rằng án tử hình gây tốn kém cho nhà nước. Đội này đề nghị thay vì tử hình, nên phạt những kẻ phạm tội cực kì nghiêm trọng mức án chung thân suốt đời (chung thân suốt đời khác với chung thân ở chỗ tù nhân sẽ không được hưởng bất kì chính sách ân xá nào của nhà nước).

 
Phần hùng biện của đội "ủng hộ tử hình"
 

Không đồng tình với ý tưởng mới mẻ này, đội ủng hộ tử hình khẳng định, pháp luật chỉ nên nhân đạo với những người có lương tâm, có thể cải tạo. Còn những kẻ như Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa, thậm chí những kẻ thỏa thuê với hành động phạm tội dã man của mình thì không được phép nhân từ. Khi phạm tội một cách vô nhân tính, bản thân kẻ đó đã từ bỏ quyền được sống của chính mình.

 

Rất nhiều lập luận trái chiều và có tính thuyết phục liên tục được hai bên trình bày trên sân khấu, khiến cho hàng trăm khán giả tại hội trường ĐH Luật Hà Nội bị cuốn theo cuộc tranh luận. Ai nấy đều chăm chú như đang theo dõi như một bộ phim cảm giác mạnh.
 
Cuộc tranh luận được đẩy lên cao trào giữa hai đội
Cuộc tranh luận được đẩy lên cao trào giữa hai đội

 

Sức nóng của trận "khẩu chiến" giữa những nhà làm luật tương lai mạnh mẽ tới mức, nhiều người đã lo sợ hai đội vượt quá khuôn khổ cuộc chơi. Tuy nhiên, tinh thần "fair play" của thành viên hai đội đã khiến cho khán phòng dịu bớt trở lại sau những cái bắt tay, cái ôm thân tình.

 

Bởi vì tất cả các bạn trẻ đã cùng nhau trải qua các thử thách của BTC cuộc thi "Hùng biện Socrates 2013" từ vòng loại cho tới vòng bán kết và chung kết, tình cảm thân thiết đó vượt lên trên mong muốn giành chiến thắng.

 

Những điều các bạn trẻ học được qua cuộc thi không chỉ có những kiến thức về luật học, kĩ năng thuyết trình mà cả về cách ứng xử và tình bạn. Đó chính là mục tiêu mà cuộc thi  "Hùng biện Socrates 2013" hướng tới.
 
Dù cuộc thi căng thẳng tới đâu, các bạn trẻ vẫn trân trọng tình bạn và tinh thần fair play

Dù cuộc thi căng thẳng tới đâu, các bạn trẻ vẫn trân trọng tình bạn và tinh thần "fair play"

 

Trên đây là cuộc tranh luận của hai đội chủ đề "án tử hình" ở phần hùng biện liên kết trong số 4 đội chơi đêm chung kết. Hai đội còn lại bàn luận về vấn đề "Nên hay không thiết lập hợp đồng hôn nhân trước khi kết hôn".

 

Sau vòng thi đầu tiên mang tính chất đồng đội, BGK đã chọn ra 6 cá nhân vào vòng thi Hùng biện đỉnh cao. Mỗi cá nhân bắt thăm chủ đề hùng biện và thể hiện khả năng của mình. Chung cuộc, giải nhất của cuộc thi năm nay thuộc về bạn Trần Anh Đức, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội.

 

Mai Châm