"Suồng sã" xưng hô trong trường học

Vô tình đọc được tin nhắn của con với bạn thân, chị Thu (Đống Đa, Hà Nội) giật mình khi con “hồn nhiên” gọi nhau bằng tên loài động vật để chửi bới, thóa mạ nhau. Con chị giải thích: Gọi như vậy mới... sành điệu và thân mật.

Mày và tao...

 

Nếu như thế hệ ngày xưa cắp sách đến trường gọi nhau “tớ” – “cậu”, “tôi” – “bạn” một cách lịch sự, thì thời đại ngày nay, các đại từ xưng hô trong quan hệ trường lớp, bạn bè đã có nhiều thay đổi.

 

Con gái chị Thu, đang là học sinh lớp 9 trường THCS tại Hà Nội cho rằng: “Mẹ đã quan trọng hóa vấn đề. Bọn con thân nhau gọi “mày” xưng “tao mới” dễ nói chuyện. Ở lớp con, ai chả gọi nhau như thế. Thế mới sành điệu và...thân mật”.

  

Nhiều bạn trẻ còn gọi nhau bằng những biệt danh rất khó nghe và không ngại gọi nhau bằng những biệt danh đó mọi nơi, mọi lúc ví như Tâm “chó”, Hương “cave”… hoặc những cái tên được đính kèm thêm một từ để khi nói lái sẽ mang ý nghĩa bậy bạ. Nhiều khi chủ nhân của những cái tên này cũng thoải mái nhận luôn tên “lóng” gọi mình giữa đám đông.

 

Minh họa: LEO
Minh họa: LEO

 

Tại Hà Nội, không ít nhà trường ra quy định về cách xưng hô chuẩn mực trong môi trường học đường, thậm chí lập ra những đội Sao đỏ cấp trường và ban kiểm tra cấp lớp nhằm kiểm tra theo dõi những học sinh sử dụng ngôn ngữ thiếu văn minh. Tuy nhiên nhiều học sinh chỉ chấp hành một cách đối phó.

 

Sẽ lệch lạc về nhân cách...

 

Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú và phức tạp. Nếu như tiếng Anh  chỉ có hai đại từ nhân xưng là “I” và “You” thì tiếng Việt có muôn vàn từ ngữ để biểu đạt các mức độ quan hệ khác nhau. Thậm chí một cách xưng hô còn có nhiều ý nghĩa khi ở trong những hoàn cảnh khác nhau.

 

Tính suồng sã trong cách xưng hô, cách nói năng không đúng với lứa tuổi và môi trường, ngữ cảnh đã khiến không ít bạn trẻ “gánh đủ hậu quả”. Không ít lần Hoàng Thùy Minh (THPT Cầu Giấy) lên mạng “ra oai” bằng những lời lẽ: Con “T điên”, mày muốn gì ở tao?, “Hôm nay thằng “Minh chó” được điểm mười cơ đấy...

 

Cách xưng hô kiểu xúc phạm bạn bè giữa mạng xã hội có hàng trăm, hàng ngàn người biết khiến Thùy Minh không ít lần nhận được những lời răn đe : Nếu không im mồm đi, sẽ có ngày ăn no đòn nhé!

 

Do lối xưng hô tùy tiện, khiến nhiều bạn trẻ coi thường luôn cả những quan hệ bắt buộc phải lễ phép như đối với thầy cô, cha mẹ. Hoàng (THCS Trung Văn) nhiều lần “bô bô”, "vô học" khi nói về thầy giáo của mình: “Ông V. dạy Toán như dở hơi. Ông ý nghĩ sao mà dám khuyên răn mình giữa lớp”.

 

Bên cạnh những bạn trẻ hùa với Hoàng và thể hiện cái tôi “lệch lạc”, thiếu văn minh học đường, nhiều bạn nghiêm túc đã dè dặt, thậm chí lạ lẫm, khinh bỉ nhìn Hoàng bởi thói ăn nói hỗn với thầy cô giáo.

  

Theo các chuyên gia ngôn ngữ học, xưng hô là một phần quan trọng trong giao tiếp hàng ngày của mỗi cá nhân. Ở lứa tuổi mới lớn, nếu không được uốn nắn về "lời ăn, tiếng nói", cách xưng hô đúng mực sẽ dễ dẫn đến lối sống tùy tiện, tâm trạng dễ cáu bẳn, hành động trở nên thô lỗ, cục cằn.

 

Nếu mọi người đều xưng hô không tuân theo những ước định của xã hội về khuôn mẫu trong văn hóa người Việt thì các vai giao tiếp sẽ bị đảo lộn, các mối quan hệ cũng không còn ở đúng vị trí. Xưng hô không đúng mực, còn khiến cho bạn không nhận biết được mình là ai, đang đứng ở vị trí nào để điều chỉnh chính suy nghĩ, lời nói, hành vi của mình.

 

Theo Thùy Linh – Anh Vũ

Tuổi trẻ thủ đô