Thanh Hóa:

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô

(Dân trí) - Từ những mảnh đất đồi núi cằn khô, um tùm những lau, những sậy, vậy mà chỉ sau 4 năm, những chàng trai, cô gái ở làng Thanh niên lập nghiệp (LTNLN) Sông Chàng đã biến nơi đây thành mảnh đất căng tràn nhựa sống…

Gian nan thử thách

Về LTNLN Sông Chàng, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân vào những ngày cuối tháng 3, khi những người dân nơi đây đang vào vụ thu hoạch mía, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được sức sống căng tràn nơi mảnh đất vốn cằn khô này. Từ xa, những ngôi nhà ngói đỏ, những cánh đồi mía, sắn xanh ngút ngàn, từng tốp người lao động cười nói râm ran đã tạo nên nơi vùng núi vốn heo hút này một không khí vô cùng nhộn nhịp.

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô
Người dân trong LTNLN Sông Chàng đang thu hoạch mía.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, những chàng trai cô gái của LTNLN Sông Chàng đã phải kiên trì, nhiệt huyết lắm, trải qua vô cùng những gian nan thử thách. Cho đến bây giờ, khi nhớ lại ngày đầu mới bước chân lên đây, những công dân đầu tiên của LTNLN Sông Chàng vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc “trăm mối tơ vò” khi nhìn đồi đất khô cằn dưới cái nắng như thiêu như đốt của những trưa hè.

Anh Lê Kim Hùng, quê ở huyện Triệu Sơn cho biết: “Ngày đầu tiên lên đây, nhìn cảnh rừng núi hoang vu, cằn cỗi, nước sinh hoạt thì chưa có, nên nản lắm, không biết rồi mình có làm được gì không, tưởng rồi sẽ phải bỏ cuộc.
 
Nhưng rồi mình cứ nghĩ, đã bước chân ra đi thì phải cố gắng, thế là mình động viên vợ con cố gắng vượt qua gian nan bước đầu. Thời gian thấm thoát như thoi đưa, thế mà vợ chồng mình lên đây cũng được gần 4 năm rồi đấy. Giờ nghĩ lại không biết vì sao lúc ấy mình cũng kiên trì đến thế”.

Ghé thăm gia đình anh Lê Bá Thức và chị Lương Thị Huệ, anh Thức quê ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, còn vợ anh quê ở xã Xuân Qùy, huyện Như Xuân, anh Thức tâm sự: “Nhà có 3 anh em, ở quê, kinh tế khó khăn, đất đai thì không có, năm 2008 tôi cưới vợ, rồi sinh cháu, cuộc sống càng khó khăn hơn.
 
Đúng lúc dự án LTNLN Sông Chàng tuyển người đợt 2, vậy là tôi đăng đăng ký. Ngày đầu đến đây còn khá bỡ ngỡ, tất cả mọi thứ đều thiếu, mua bán, sinh hoạt thì cách xa, đất đai thì khô cằn…Thế nhưng đến thời điểm hiện tại với 1,5 ha mía và mấy sào đất trồng sắn đã cho thu hoạch nên cuộc sống cũng khá ổn. Biết là vất vả nhưng khi nhận được thành quả mà mình đạt được lại thấy như có thêm sức mạnh để tiếp tục cố gắng hơn nữa”.

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô
Màu xanh sự sống đang căng tràn nơi đây.

Có lẽ trong huyết quản của thanh niên, khát vọng chinh phục thiên nhiên, khát vọng vươn lên trong cuộc sống đã giúp họ vượt qua muôn vàn thử thách để đến hôm nay, khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, chính họ cũng ngỡ ngàng về nghị lực phi thường của mình.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình Nhất, Phó giám đốc LTNLN Sông Chàng tâm sự: “Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh em trong ban quản lý nhìn những bãi lau sậy, cỏ gai giăng cả một vùng, lại xa khu dân cư, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn, thiếu thốn nên lo lắng, trăn trở nhiều lắm.
 
Đặc biệt là nguồn nước lại khan hiếm, giữa đồi núi thế này liệu có thể khoan được giếng để lấy nước hay không, rồi liệu có ai chấp nhận khổ cực bước đầu để cùng tham gia lập làng. Thế rồi mọi cố gắng cũng được đền đáp, cho đến bây giờ nhìn cuộc sống của làng dần đi vào ổn định là thấy mừng lắm rồi”.

“Biến sỏi đá thành cơm”

Sau 3 đợt tuyển, đến nay LTNLN Sông Chàng đã có 141 hộ/174 nhân khẩu. Nhiều ngôi nhà ngói mới mọc san sát, nhiều ha mía được thu hoạch, những công trình về điện, nước được đấu nối đến từng hộ dân. Đường giao thông đã thi công xong như: Đường vào khu trung tâm, đường trong cụm dân cư, đường nội bộ cụm dân cư số 2.

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô
Những ngôi nhà ngói đỏ tươi mọc lên san sát nhau.

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô
Khu Trung tâm LTNLN Sông Chàng.

Khu đất mà trước đây um tùm, bạt ngàn với những lau, những sậy, giờ đây là những cánh đồi mía, sắn hàng chục ha xanh ngút ngàn. Giờ đây, những hộ gia đình thanh niên nơi LTNLN Sông Chàng đang thu lại những thành quả từ mồ hôi, công sức của mình. Những cánh đồi mía đang vào mùa thu hoạch cho năng suất cao, trung bình trên 80 tấn/ha.

Chỉ tay về cánh đồi mía nhà mình, anh Lê Đình Thành (quê ở Xuân Qùy, Như Xuân), một trong những công dân có mặt từ những buổi đầu thành lập làng phấn khởi chia sẻ: “Với năng suất bình quân đạt từ 70 - 80 tấn/ha, vụ này gia đình tôi sẽ thu về trên 100 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, bọn tôi để dành được khoảng 40 đến 50 triệu đồng”.

Sự sống nảy mầm từ mảnh đất cằn khô
Anh Lê Bá Thức chia sẻ những khó khăn và những thành quả đạt được của mình.

Từ mảnh đất cằn khô, không có nguồn nước thế mà dưới bàn tay và công sức của lớp trẻ, họ đã chinh phục được núi rừng, mảnh đất cằn khô ấy giờ đã “thay da đổi thịt”, nhựa sống đang căng tràn như chính khát vọng chinh phục thiên nhiên, núi rừng của cư dân LTNLN Sông Chàng. Họ đã làm được điều mà không dễ gì làm được đó là “biến sỏi đá thành cơm”, biến ước mơ khát vọng thành sự thật.

“Các cư dân trong làng ai cũng phấn khởi với những thành quả đạt được. Mình tin vào sức sống mãnh liệt của giới trẻ”, anh Nhất chia sẻ.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên