Sự mở đầu của Hoài An

Nhiều doanh nhân Việt ngạc nhiên thú vị khi được một cô gái trẻ mời vào gian trưng bày cơ hội đầu tư của Canada trong thời gian Hội nghị APEC ở Hà Nội bằng một giọng Huế nhẹ và lơ lớ. “Chào bác. Bác mạnh khỏe chớ? Mời bác đầu tư vào Canada...”.

Có vẻ như nhờ vào sự tươi tắn và chủ động của cô gái 19 tuổi này, gian hàng Canada trong Trung tâm hội nghị quốc tế tại Hà Nội được khách ghé vào rất đông. Chủ động chìa tay bắt, trao brochure, An Tran (tên gọi theo cách Việt Nam là Trần Hoài An) không giấu được vẻ hạnh phúc khi có mặt tại quê hương đúng vào thời điểm thật đặc biệt. “Lần đầu tiên con về Việt Nam thôi bác ơi”, An Tran tươi cười giới thiệu với các doanh nhân.

Đại biểu nhỏ tuổi nhất

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Canada chiều cùng ngày, An Tran được giao vai trò tiếp thị ngành hàng không của đất nước Bắc Mỹ rộng lớn. Trong vòng bảy phút thuyết trình, bạn khéo léo lôi cuốn sự quan tâm của người nghe trước khi bắt đầu trình bày những số liệu thống kê khô khan. “Cháu mời mọi người nhìn ra phía sau nhé. Rồi, xin mọi người nhìn về phía trước. Vậy là mọi người đã được thư giãn cổ nên cháu xin bắt đầu bài thuyết trình”, An Tran nói tỉnh bơ bằng tiếng Anh. Mọi người bật cười vì màn dạo đầu không giống ai của cô gái có cặp mắt to, làn da ửng hồng, còn đậm chất Á đông này.

An Tran trải qua một chặng đường khá dài để đến với Việt Nam, không chỉ tính bằng dặm bay mà còn qua những nỗ lực thể hiện bản thân. Thật không dễ vượt qua hàng trăm người trẻ giàu kiến thức và nhiều năng khiếu để được Tổ chức Global Vision chọn vào đội ngũ sáu thanh niên xuất sắc đại diện Canada tại Hội nghị APEC (An Tran nhỏ tuổi nhất trong nhóm). Ông Terry Clifford, người sáng lập kiêm chủ tịch Global Vision, nhớ như in đơn đăng ký tham dự của cô gái nhỏ gốc Việt. “Không giống như những em khác, An Tran gửi kèm hình ảnh từ những năm trước và cả một đĩa phim thật ấn tượng giới thiệu cá tính, khả năng và cuộc sống đời thường của mình”.

Điều thuyết phục nhất đối với ông là tầm nhìn vượt qua ranh giới quốc gia của một cô gái nhỏ. An Tran có thiên hướng khá rõ về ngoại giao và chính trị. “Có lẽ sau này em sẽ là một nhà đại sứ xuất sắc hay cũng có thể giữ một chức vụ cao trong một tập đoàn đa quốc gia nào đó nếu theo con đường kinh doanh”, ông đánh giá An Tran bằng kinh nghiệm của một cựu dân biểu Canada. Trước khi dự APEC, bạn đã cùng với hơn 30 thành viên trẻ khác của Global Vision tham gia một chuyến xúc tiến kinh doanh của Canada tại Trung Quốc. Những thể hiện năng lực của An Tran trong chuyến đi này đã giúp bạn nhận được cơ hội duy nhất trong nhóm đến Việt Nam, đồng thời trở thành niềm tự hào của cộng đồng gốc Việt ở Canada.

Suy nghĩ ngoài khuôn khổ

An Tran chào đời tại thành phố Montreal, thủ phủ tỉnh Québec. Mẹ An Tran có tiệm may gia đình và ba làm kinh doanh. Bạn cho biết mình chịu ảnh hưởng nhiều nhất về chuyện học là từ người cậu tiến sĩ. Ngoài sức học rất giỏi ở các môn xã hội, An Tran còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, diễn thuyết tại các diễn đàn thanh niên, cộng tác cho đài phát thanh của trường, tình nguyện nấu ăn cho người vô gia cư...

Đầu năm 2006, bạn đã tạo ra một sự kiện chính trị lớn và hiếm có ở Québec khi tổ chức một cuộc tranh luận giữa sáu ứng cử viên tranh cử liên bang trước các học sinh tại trường trung học. Chưa từng có một cuộc tiếp xúc sinh động như thế, nhất là lại được tổ chức bởi một cô gái nhỏ bé cả gan trực tiếp thuyết phục các nhà chính trị tham gia. Sự kiện được nhiều người địa phương biết đến và báo chí cũng rất quan tâm đưa tin. “Tôi không nghĩ việc thuyết phục các nhà chính trị là chuyện khó, chỉ coi đó là một thử thách có thể vượt qua - An Tran tâm sự - Nếu mình sợ khó khăn, tức là đã làm giảm bớt khả năng của mình và mình có thể không làm được việc”.

Sau khi tốt nghiệp trung học, An Tran xin được học bổng toàn phần của United World Colleges, một tổ chức giáo dục đại học toàn cầu chuyên đào tạo những người trẻ tuổi có động lực phục vụ cho hòa bình và hiểu biết quốc tế. Bạn đặc biệt thích triết lý của trường: thay đổi thế giới bằng cách thay đổi từng con người ở mỗi lúc. Môi trường học tập và sinh hoạt giúp An Tran “think outside the box” (nghĩ bên ngoài khuôn khổ thông thường). Theo bạn, đây chính là một yếu tố vượt trội để giúp thanh niên định hướng cho mình đến thành công. Mặc dù chưa biết rõ sẽ làm trong lĩnh vực nào, An Tran muốn trở thành một nữ doanh nhân thành đạt và “socially correct” (phù hợp với xã hội) vì “tôi không muốn chỉ coi trọng làm giàu mà làm ảnh hưởng không tốt đến người khác”.

Chuyến về quê hương lần đầu gây ấn tượng rất mạnh. An Tran muốn một ngày nào đó về quê hương kinh doanh và nếu có thể, lập một tổ chức thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm phát triển với các bạn trẻ.

 Đất nước Việt Nam đang ở giữa một cuộc bùng nổ kinh tế lạ thường nhờ vào tinh thần doanh nghiệp đáng kinh ngạc. Ý chí của người Việt làm tôi vô cùng xúc động. Dường như người dân xem từng rào cản về quan liêu và sự thiếu thốn nguồn lực không phải là một chướng ngại mà là một cơ hội mới.

Tôi đã gặp một phụ nữ mang thai nhưng không vì thế mà bớt đi tham vọng. Cô ấy đang chuẩn bị mở một mỹ viện dưỡng da theo kiểu phương Tây. Chỉ trước đó khoảng một năm, cô khai trương một nhà hàng rất được ưa chuộng. Với ý tưởng và trình bày độc đáo, tầm nhìn của cô về nhà hàng này hoàn toàn không kém cạnh những nhà hàng lớn tại Mỹ. Nếu mở một nhà hàng tương tự như thế tại Canada, cô ấy chắc chắn sẽ thành công.

(Trích báo cáo thu hoạch chuyến đi của An Tran khi về Canada)

Theo Sơn Nguyễn
Tuổi Trẻ