Sống theo ý mình

Trai chưa vợ, gái chưa chồng đang sống dưới mái nhà bố mẹ - "một ngày xấu trời" đùng đùng khăn gói quả mướp ra đi... thuê căn hộ ở. Chắc chỉ trai hư gái hỏng mới dám thế? Thưa, không!

"Ra ở riêng" vốn chỉ việc dựng vợ gả chồng, nhưng giờ hàm ý đó đang mất dần vị trí "độc tôn" với lối nói này. Ở những thành phố lớn, ngày càng nhiều "nam thanh nữ tú" chưa vợ chưa chồng, có gia đình ở thành phố nhưng vẫn thuê nhà ra ở riêng. Ghi chép này của chúng tôi tập trung ở Hà Nội - nơi có sự giao thoa rõ nét của những lối sống truyền thống và hiện đại.

"Dạt vòm"

"Này, nhớ "N. giai nhân" không? Hôm nọ tự dưng tao gặp ở chợ Giảng Võ. "Dạt vòm" rồi. Trống 7 tháng, to tướng" - Nghe cô bạn cũ liến thoắng, tôi chóng cả mặt. "Dạt vòm" là thế nào?". "Nghếch thế, có nghĩa là bye bye bố mẹ, thuê nhà ở bên ngoài chứ sao nữa. Khổ thân nó, thằng người yêu "quất ngựa truy phong" rồi".

Tôi tìm đến thăm N. ở Giảng Võ. Căn hộ N. thuê tít tận tầng 5, xinh xắn nhưng toàn đồ nhựa rẻ tiền. Khác với tưởng tượng của tôi, trông N. không hề khổ sở mà đầy tự tin. N. kể: "Hồi ấy bọn tớ yêu nhau kinh khủng, mà bố mẹ tớ thì phản đối quyết liệt, thế là thuê nhà ra ở riêng. Được một năm, hai đứa định làm đám cưới. Nhưng lại đến lượt gia đình anh ấy không chấp nhận một cô con dâu bỏ nhà đi như tớ. Rồi sau này, tình cảm bọn tớ không còn như lúc đầu nữa... Cách đây 2 tháng, tớ đòi chia tay. Bố mẹ tớ thương lắm, nhưng đời mình mình quyết, mình chịu, chứ tự dưng giờ vác bụng về các cụ lại khổ sở vì tai tiếng".

Khác với N., P. - nữ phóng viên một tờ báo lớn - chả một mảnh tình vắt vai nhưng vẫn thuê nhà ra ở riêng. Gia đình P rất nền nếp, ở Đội Cấn, nhà 2 tầng trên một khu đất rộng 200m2. Còn căn phòng P. thuê, tính cả bancông chưa đủ 20m2. "Bố mẹ tôi lúc đầu phản đối kinh khủng, nhưng giờ thấy tôi sống mạnh khoẻ, vui vẻ còn hơn xưa nên các cụ cũng thấy ổn".

H. - một nhà văn nữ - đã định cư ở nước ngoài với một mức sống khá cao, nhưng vẫn quyết định về nước sống vì lo cho bố mẹ đã già yếu, mà chị lại là con một. Nhưng việc đầu tiên của H. khi về VN là... sống tách bố mẹ. H. thuê một căn nhà 4 tầng, rất đầy đủ tiện nghi, cách nhà bố mẹ chỉ 10 phút đi bộ, hàng ngày về nhà bố mẹ ăn cơm, "cho các cụ vui" - H. bảo.

Với nam giới, mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn. Nhạc sĩ V.T nói: "Bố mẹ tôi ở Thành Công, nhà cửa cũng rộng rãi, nhưng với tôi, chuyện thuê nhà ra ở riêng là một nhu cầu đương nhiên".

Sao lại cứ nghĩ vì "chuyện ấy"?

Hầu hết những người "không ra ở riêng" đều nghĩ ngay là "bọn trẻ" một khi muốn thoát khỏi vòng kiềm toả của bố mẹ thì chỉ là để làm "chuyện ấy". Thành kiến đó khiến hầu hết giới "ra ở riêng" cười phì. N. bảo: "Nếu chỉ để làm chuyện ấy, bây giờ thiếu gì chỗ, nhà nghỉ đầy ra đấy. Hồi ở nhà với các cụ, bao giờ cũng phải về nhà trước 9 giờ, nhưng bọn tớ vẫn đầy cách để make love với nhau, nhiều lần ngay ở cái biệt thự kín cổng cao tường của các cụ".

Còn "kiểm tra" qua bác chủ nhà (cũng sống cùng nhà với P.), tôi được biết trong "lịch sử thuê nhà" đã 9 tháng của P., chỉ có 3 người khác giới đến viếng thăm là: Em trai, bố và một nhà thơ đã... 76 cái xuân. P. cười: "Tôi hiện không có bạn trai. Tôi ra ở riêng vì muốn sống độc lập và cần một thế giới riêng", mà bố mẹ tôi không chia sẻ được với tôi nhu cầu đó.

Còn trường hợp của H., gia đình chị sống trong một căn hộ chật chội ở khu phố cổ, phòng khách cũng là phòng sinh hoạt chung của gia đình. Nhiều lần đang nói chuyện với khách thì nào mẹ chạy ra bật tivi, nào bố kê một cái giường gấp rồi "yên vị" ngay giữa nhà. Một trong những lý do của các "cuộc chiến bất tận" ở gia đình H. là vấn đề "thế nào là đẹp".

Bố mẹ H. hễ thấy ở đâu có cái gì hay mắt là tha về, bất cần nó có hợp với các đồ đạc khác trong nhà không. Thời bao cấp đã qua lâu nhưng niềm say mê cất giữ các loại nilon và vỏ hộp vẫn khôn nguôi trong các cụ. Mọi cự nự của H. đều bị giội một câu: "Kệ tao. Tao thấy thế là đẹp".

"Các cụ là một thế hệ khác, với những thói quen, quan niệm, hệ thống giá trị rất khác thế hệ chúng tôi" - H. nói và kể một câu chuyện xảy ra cách hơn chục năm ngay tại phố chị: Một cô con gái sống ở nước ngoài về, thấy mẹ già vẫn sống trong ngôi nhà cũ thì xót lắm, muốn sửa lại nhà, mẹ không ưng. Cô bèn "dụ" bà đi chơi xa mấy tháng, rồi đập nhà ra xây lại. Khi bà mẹ vừa về đến cửa, nhìn thấy ngôi nhà mới khang trang thì đứng như trời trồng mấy phút rồi sụp xuống chân con gái, vái lấy vái để: "Lạy bà, bà cho con về nhà con". Bà mẹ bị mất trí từ đó.

"Ngôi nhà cũ, với cô con gái là điều không thể chấp nhận được nhưng với người mẹ lại là thế giới bà gắn bó cả đời. Nếu nói là điều hoà sự khác biệt về lối sống giữa hai thế hệ, thì một trong hai phía sẽ phải hy sinh, và kết quả chỉ là một tình trạng chịu đựng lẫn nhau, tình cảm gia đình trở thành bổn phận nặng nề hơn là hạnh phúc của yêu thương, hoặc là một bi kịch như câu chuyện trên. Nhiều khi, ra ở riêng là một giải pháp tốt nhất cho cả hai phía".

Những cuộc ra đi và... trở lại

Tuy nhiên, không phải mọi mong muốn "nhất khoảnh" đều có kết cục như ý. "Cách đây 5 năm, tôi đã từng xách túi ra ở riêng để rồi sau 3 tháng lại thất thểu xách túi về. Khi đó, tôi mới đi làm, cả thu nhập và kinh nghiệm sống độc lập đều rất ít" - P. thú nhận.

Quả thật, nếu không phải là một nhu cầu mãnh liệt mà chỉ là một ý thích nhất thời thì rất ít bạn trẻ trụ lại được trước những khó khăn của "đời tự lập". Ẹ nhất, để thuê nhà ra ở riêng cần phải có thu nhập gấp 3 lần người sống chung cùng gia đình vì mọi chi phí đều không người chia sẻ, lại phải trả tiền nhà, và những người như H. và P. vẫn đồng thời phải giúp đỡ bố mẹ già.

"Những người ít kinh nghiệm thường tiêu pha "vung tay", mà không biết rằng để trụ lâu dài họ cần phải lập kế hoạch chi tiêu, có một khoản tiền dự phòng kha khá - H. nói - Với các bạn gái trẻ chưa lập gia đình, các bạn cần phải lường trước những phản ứng tiêu cực khi chọn một lối sống khác thói quen của xã hội".

Nhạc sĩ V.T thừa nhận: "Tôi rất tiếc là trên thực tế, hầu hết đàn ông VN bây giờ vẫn tự cho mình quyền sống "hiện đại", còn người phụ nữ của mình thì vẫn phải rất "truyền thống".

Song, việc người trưởng thành sống tách khỏi bố mẹ sẽ là một xu thế tất nhiên, không gì cản nổi. Ngay ở Trung Quốc, trào lưu này đã lan rộng được khoảng chục năm rồi. Họ còn có những khu chung cư xây cho riêng những người độc thân".

Rõ ràng, xã hội VN hiện vẫn chưa phải một "môi trường chuyên nghiệp" cho lối sống này, cả về vấn đề tâm lý cũng như môi trường vật chất. Các nước phương Tây có một hệ thống rất tốt những "nhà già", nơi những người cao tuổi không sống cho con cái có một môi trường phù hợp. H. kể, một Việt Kiều, bạn của chị, định đón mẹ mình từ "nhà già" về chăm sóc vì bà vừa trải qua một trận ốm nặng, nhưng bị bà từ chối. "Mẹ sợ anh mất tự do à?" - H. hỏi. "Không, mẹ anh sợ mất tự do của chính bà".

Theo Phương Duy, Vũ Phan
Lao Động