Sống động trẻ trung ngày hội "Ân tình xứ Nghệ"

Một không gian Hồng Lĩnh - Lam Giang, được các sinh viên đồng hương xứ Nghệ tạo dựng, thu hút mấy nghìn bạn trẻ Thủ đô đến thăm.

Suốt cả ngày chủ nhật 13/5/2012, từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm, tại KTX trường ĐH KTQD Hà Nội, ở phố Trần Đại Nghĩa, diễn ra trong không khí thật trẻ trung, sôi động Ngày hội “Ân tình xứ Nghệ”, do Đội Sinh viên tình nguyện đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh của trường đại học này, phối hợp với những sinh viên đồng hương tình nguyện ở một số trường đại học khác, cùng đứng ra tổ chức.

 

Hơn nửa tháng trước, hai bạn Vân Trang và Đức Hạnh, cán bộ ban tổ chức ngày hội, "lặn lội" tìm đến nhà tôi - người viết bài ghi nhanh này - ở một ngõ nhỏ bên quận Long Biên cách trở, để xin “góp ý chỉ đạo”.

 

Thoạt nhìn hai bạn, quá trẻ, tuổi vừa chớm đôi mươi, thú thật, tôi không sao hình dung nổi hai bạn - cùng một số "chiến hữu" - lại tổ chức nổi một ngày hội tưng bừng “hoành tráng”, “nổi đình nổi đám” như tôi được tận mắt nhìn thấy hôm nay! Câu hôi “đầu tiên” chợt hiện trong óc tôi lúc ấy là… “tiền đâu”?!

 

Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ
Tự hào với dòng chữ "Ân tình xứ Nghệ" và đóa hoa sen quê Bác trên ngực áo.

 

Sáng nay, chỉ thoáng nhìn qua cái sân khấu đồ sộ, chẳng khác nào sân khấu di động, khung thép, được lắp ghép trước cửa đền Ngọc Sơn - Bà Kiệu bên bờ Hồ Gươm, vào những đêm biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, là tôi đủ biết tốn kém đến mức nào rồi! Thế mà mấy cô, cậu sinh viên trẻ măng kia lại kiếm đủ tiền để thuê sân khấu cơ đấy!

 

Các bạn biết trổ tài “ngoại giao”, khôn khéo vận động một số doanh nhân giàu tâm huyết với quê hương vui lòng tài trợ. Quả là “hậu sinh khả úy”! Điều mà các bạn làm được, không ít người có “vai vế”, “chức sắc” hơn các bạn nhiều, thế mà đành chịu bó tay rồi đấy!…

 

Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ

Sống trong lòng tuổi trẻ muôn quê, người cầm bút như từng ngày được truyền thêm nhựa mạnh.

 

Tôi đã nhiều lần dự họp đồng hương Nghệ Tĩnh. Các buổi hợp thường có mặt nhiều vị đồng hương là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đã về hưu hoặc còn tại chức. Nội dung hầu như chỉ là nghe một số vị “huấn thị” hay phát biểu ý kiến. Chẳng khác nào dự một cuộc hội nghị nghiêm trang, có phần căng thẳng nữa chứ!

 

Đến với các bạn trẻ Nghệ Tĩnh hôm nay, tôi được sống trong một không khí khác hẳn! Đúng là ngày hội, là “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, ai cũng cảm thấy luyến tiếc khi phải chia tay! Chỉ với tâm hồn trẻ trung đằm thắm, không vụ lợi, không xơ cứng giáo điều của tuổi thanh xuân phơi phới mới mong làm nổi!

 
 
Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ
Quầy hàng mái lá bán đặc sản quê nhà xa ngái.

 

 

Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ

Nhớ quê hương hôm nay vẫn còn nghèo khó với con trâu, đụn rạ.

 

Hai dãy nhà mái lá kia, lấy lá ở đâu ra? Đều là do các bạn chia nhau mang lá mía, lá cọ từ quê nhà ra lợp lên đấy. Rồi cây rơm, đụn rạ bẻn con trâu đen trùi trũi kia nữa chứ - một hình ảnh của quê hương xứ Nghệ "đất cằn sỏi đá", đến nay vẫn còn nghèo khó - từ đâu mà có? Không phải các bạn đi mua rơm ở ngoại thành Hà Nội mang về chất lên thành đống; mà là mỗi bạn mang theo một dúm từ “quê choa” ra gom góp lại.

 

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

 

Non xanh, nước biếc như tranh họa đồ.

 

Có lẽ những người con Nghệ Tĩnh không ai không thuộc lòng hai câu ca dao ấy. Nhưng vì là ca dao, khuyết danh tác giả, cho nên cũng có một dị bản khác mà tôi đọc được trong bài viết của vị Giáo sư quá cố Đặng Thai Mai:

 

Đường vô xứ Nghệ quanh queo

 

Non xanh, nước biếc như treo họa đồ.

 

Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ
Những diễn viên nghiệp dư đâu có kém duyên đằm thắm?

 

Dù là “như tranh họa đồ” hay “như treo họa đồ” thì vẫn nói lên một tình cảm da diết nhớ thương. Sống ở Thủ đô, dù thành đạt đến đâu chăng nữa, cũng vẫn có lúc chợt nhớ đến quê nhà ở phương trời xa ngái!

 

Chẳng phải Nguyễn Du, con quan Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Tế tửu Quôc Tử Giám triều Lê, từ nhỏ sống trong dinh thự công hầu ở chốn đế đô Thăng Long, vẫn dằng dặc nhớ quê đó sao?

 

Vời vợi quê hương nghìn dặm nhớ…

 

Tình cảm nhớ quê của nhà thơ lắm lúc khắc khoải đớn đau:

 

Nửa đời đất khách đèn soi lệ;

 

Muôn dặm tình quê nguyệt dãi lòng…

 

Đến dự ngày hội với sinh viên xứ Nghệ, những người con của xứ sở như tôi có thể uống bát nước chè xanh - người Nghệ còn gọi là “nước chát” bởi lẽ chè xanh “trong nớ” vị đậm hơn, chát hơn “ngoài ni”.

 

Rồi ghé quán lá bên kia, ngồi ăn bát cháo lươn - lại thêm một đặc sản nổi tiếng của quê nhà - hay ăn bát ốc xào sả, “bánh bèo xứ Nghệ” (hơi khác bánh bèo xứ Huế đấy), “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”.
 
Tuy là người Nghệ “thứ thiệt”, nhưng đã mấy chục năm rồi, tôi không được thưởng thức món “nhút” (muối bằng múi và xơ những trái mít non) của đất Thanh Chương, nấu canh cá rất ngon.
 
Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ
Cô sinh viên trong trang phục H'Mông mời bạn bè xem triển lãm ảnh "Nghệ Tĩnh trong mắt tôi".
 

Hôm nay, đến dự hội này, tôi mới mua được một lọ to thứ nhút mà cô sinh viên bán hàng cam đoan là do chính tay cô mang tàu hỏa từ Thanh Chương ra bán cho đồng hương đó. Tất nhiên, tôi cũng không quên mua thêm chai tương Nam Đàn, can rượu Can Lộc, tấm kẹo Cu Đơ…

 

Anh đi anh nhớ quê nhà

 

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…

 

Đừng khinh dưa nhút tương cà

 

Tuy không lịch sự nhưng mà sạch trong…

 

“Sạch trong” thì hiển nhiên rồi. Nhưng sao lại “không lịch sự”? Đó chẳng qua chỉ là cách nghĩ của đám trọc phú hợm hĩnh một thới! Chứ ngày nay, trong thực đơn một số khách sạn ba, bốn sao ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, tôi vẫn thấy có ghi hai món tương Nam Đàn, cà pháo Nghệ An như là… “đặc sản”.

 

Cũng cần nói thêm, ngoài việc tổ chức rất thành công Ngày hội “Ân tình xứ Nghệ”, Đội Sinh viên tình nguyện đồng hương Nghệ An - Hà Tĩnh còn tổ chức - cũng rất thành công - Chiến dịch “Mùa hè thanh niên tình nguyện” đưa các bạn trẻ về 8 xã nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh, để lại những công trình thanh niên, khiến “đi dân nhớ, ở dân thương”.

 
Sống động trẻ trung ngày hội Ân tình xứ Nghệ
Lâu lắm rồi được cùng nhau đánh chén món ốc xào xứ Nghệ.
 

Rồi Chương trình “Xuân ấm tình người” tặng quà và giao lưu văn nghệ vào dịp Tết với các em nhỏ mồ côi tại các Làng Trẻ em SOS ở thành phố Vinh và thành phố Hà Tĩnh. Rồi Chương trình “Hành trang sĩ tử” cung cấp hiểu biết cho các em học sinh lớp 12 ở Nghệ An, Hà Tĩnh về ký thi tuyển sinh đại học hằng năm, cũng như về chọn ngành, chọn nghề.

 

Rồi tham gia hiến máu nhân đạo, tổ chức “Nghệ Tĩnh Open Cup”, giao lưu bóng đá giữa sinh viên và thanh niên các doanh nghiệp Nghệ An, Hà Tĩnh, đội cũng đã quyên góp được hàng trăm triệu đồng để giúp các bạn sinh viên đồng hương gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

 

Sống trong lòng tuổi trẻ muôn quê, tôi như từng ngày được truyền thêm nhựa mạnh.

 

Theo Hàm Châu

DVT