“Sống để yêu thương” - Mang “nắng" cho bông hướng dương
(Dân trí) - Cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” của tác giả đặc biệt - cô gái đôi mươi Hoàng Thị Diệu Thuần với 7 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu được cả cộng đồng mạng biết đến. Đằng sau đó là nghị lực, những đớn đau vượt qua căn bệnh ung thư…
Có những khi thiếu máu, thiếu tiểu cầu… tưởng như nguy kịch tính mạng, nhưng may mắn thay, Diệu Thuần và những người bạn đã vượt qua những giờ phút sinh tử ấy, giờ giọt máu của những tấm lòng tình nguyện như những ánh nắng ban mai chiếu sáng cho bông hướng dương thêm rạng rỡ, thêm sức sống.
Những bông hướng dương cần nắng
Câu chuyện về Diệu Thuần - cô gái nghị lực với 7 năm chiến đấu với bạo bệnh khi mới bước chân vào đại học (năm 2005) khiến chưa đầy một tháng, khiến không ai có thể cầm lòng. Thời gian đến giảng đường ít hơn thời gian nằm viện. Những đợt truyền hóa chất, làm xét nghiệm, đau đớn và mệt mỏi…
Tất cả những tâm trạng, nỗi niềm đó được Thuần trải lòng trong những trang nhật kí… để rồi, Thuần quyết định nhặt những cảm xúc trong suốt 7 năm bạo bệnh đó thành một tự truyện “Như hoa hướng dương”.
Cuốn tự truyện đó như sách “gối đầu giường” của những người bạn cùng trang lứa với Diệu Thuần, cùng hoàn cảnh với Diệu Thuần, thay vì tung tăng chạy nhảy, đến trường hàng ngày, họ lại phải nằm viện với những đợt truyền hóa chất đến rạc người, đến nôn thốc nôn tháo, đến với những mái tóc rụng như trút… để rồi chỉ còn vài sợi lơ thơ trên đầu. Đọc “Như hoa hướng dương”, những người bạn cùng cảnh như được tiếp thêm nghị lực của cô bạn Diệu Thuần để chiến đấu với bệnh tật.
“Mười tám đôi mươi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, đầy ước mơ, hoài bão nhưng số phận trớ trêu bắt các em phải gắn liền với bệnh viện, phải chiến đấu với những tế bào ung thư ác tính, phải giành giật sự sống khỏi những tế bào lạ này.
Các em phải phụ thuộc vào sự sống của người khác như “thân cây tầm gửi”. Nhưng thật lạ càng thiếu “nhựa sống”, họ càng khát khao, càng quyết tâm sống hơn”, một người dân khi vào viện Huyết học và Truyền máu Trung ương thăm người thân đã phải thốt lên vậy khi nhìn thấy những nụ cười, ánh mắt tươi vui nhưng cũng phản phất nỗi buồn của những bông hướng dương này.
“Cuộc chiến” của Diệu Thuần đã dần về đích khi cô đã được ghép tủy thành công và đang được theo dõi chặt chẽ quá trình hòa nhập của tủy mới.
Với N.T.Luân (22 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội), hoàn cảnh đến với bệnh viện cũng rất đặc biệt. Là một thanh niên khỏe mạnh, là dân quân của xã, Luân đã 2 lần hiến máu tình nguyện để giúp những người bệnh cần máu.
Thật không may, bước sang tuổi 21, đang từ một thanh niên căng tràn sức lực, Luân bỗng sút liền 3 kg kèm theo cơn sốt kéo dài, mệt mỏi khiến chàng trai trẻ không đủ sức gượng dậy. Ngày đến bệnh viện khám cũng là ngày em nhận tin mang trong mình căn bệnh ung thư máu quái ác.
Trò chuyện với chúng tôi trong lúc đang ngồi cho chị điều dưỡng cắt tóc, Luân không giấu nổi nỗi xót xa: “Em đã từng khỏe mạnh, đủ để hiến máu. Cuộc đời đúng là không biết trước được điều gì. Em mong khỏi bệnh để được làm việc như người bình thường”.
N.T.M Nguyệt (SV năm thứ 3, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Nam Định) còn rất yếu sau đợt điều trị nhưng cô gái tỏ ra khá vững tin, đôi mắt đầy hy vọng, lạc quan rằng bệnh tật rồi sẽ chữa khỏi, em cho biết: “Đầu năm vừa rồi phát hiện ra bệnh. Em đã rất sợ, sợ cái chết đến bất cứ khi nào … khi được tiếp máu, em tự nghĩ phải cố gắng, vì có bao người vẫn đang giúp đỡ em, bên cạnh em. Em sẽ cố gắng điều trị để tiếp tục đi học trở lại và tìm được việc làm khi ra trường”.
Những sự quyết tâm, hành trình “chiến đấu” với bệnh tật của những đóa hướng dương này đôi lúc gặp trắc trở, không phải bởi vì mái đầu trọc lốc mà buồn chán, không phải vì chán nản sau đợt điều trị hóa chất gây nôn mửa, lở loét miệng đến không ăn uống được, mà đôi khi, sự trắc trở đó các bạn không ngăn được, không mong muốn vì nó hoàn toàn khách quan, đó là những lần thiếu máu, thiếu tiểu cầu để truyền do trong kho hết nguồn máu dự trữ.
Ths Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: "Đối với bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân bệnh máu thì máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, dù có các phác đồ điều trị có hiện đại, áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến đến đâu như phương pháp ghép tủy đã được thực hiện cho em thuần và nhiều bệnh nhân khác... nếu thiếu máu thì không thể áp dụng.
Bên cạnh các thuốc, hóa chất thì máu cũng là thuốc, là nguồn sống của người bệnh. Thiếu máu, người bệnh sẽ thiếu đi một loại thuốc, khi đó, việc điều trị sẽ càng khó khăn hơn”.
Sống để yêu thương - “tiếp nắng” cho hoa hướng dương
Những bệnh nhân như Thuần, như Nguyệt, như Luân … cần thật nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng để vững tin vượt lên bệnh tật, nhưng họ cần nhiều hơn nữa sự chia sẻ bằng hành động từ trái tim, bằng chính những giọt máu cứu giúp của cộng đồng.
Bởi những bệnh nhân bệnh máu, thì máu là liều thuốc vô giá cứu giúp họ, làm giảm đi những đau đớn bệnh tật, “là nguồn sống nuôi dưỡng tiếp những hy vọng của chúng em”, T. T. Phương (22 tuổi, ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên và cũng là một bệnh nhân tại viện) cho biết.
Ngày 21/10, tại Hà Nội, một sự kiện hiến máu sẽ được tổ chức – nơi để cộng đồng thể hiện tinh thần nhân ái và chia sẻ với nỗi đau của những người bệnh ung thư máu bằng hành động từ trái tim – hiến máu cứu người. Sự kiện này đã và đang thu hút sự quan tâm của hàng ngàn bạn trẻ, đặc biệt tại khu vực Hà Đông – nơi sẽ diễn ra sự kiện.
Trên 100 tình nguyện viên đang ngày đêm hăng say đi tuyên truyền vận động hiến máu, đang tỉ mỉ làm những bông hoa hướng dương bằng giấy để ngày hội hiến máu thực sự là nơi mọi người đến để sẻ chia, để cùng hành động vì “những bông hoa hướng dương đang khát nắng”.
Ngày hội hiến máu mang tên “Sống để yêu thương” với thông điệp “Giọt máu hồng - khởi nguồn hạnh phúc” sẽ được tổ chức từ 7h00 – 17h00 ngày 21/10/2012 tại Trung tâm văn hóa Hà Nội, số 4 Phùng Hưng, Hà Đông. Chương trình được tổ chức bởi Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và các đơn vị phối hợp: Hội chữ thập đỏ và Đoàn Thanh niên quận Hà Đông. |
Hồng Hải - H.Hảo