“Sói ăn chay” viết sách

Hạnh phúc khi lãnh lương/ Đau thương khi trả nợ, Có ý tưởng, có đam mê, không “pê-đê” nên thất bại… là những “thành ngữ @” dí dỏm trong “Ý tưởng này là của chúng mình” của Huỳnh Vĩnh Sơn. Đời sống một người trẻ làm quảng cáo được Sơn nhìn từ một góc thực tế thú vị.

Sơn tâm sự: “Mình học ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM. Trong 4 năm, chỉ có 1 học kỳ học về quảng cáo. Nhưng mình đã “ngất trên cành quất” vì “cô nàng” này.

 

Cụ thể, mình đã dành thời gian chạy vòng quanh thành phố chụp ảnh các thương hiệu để nghiên cứu thay vì chỉ học lý thuyết trên giảng đường. Mình làm công việc đó một cách say mê, bằng một tình cảm đặc biệt dành cho quảng cáo, không phải vì điểm số.

 

Chưa hết, mình còn mua một tên miền để những ai đam mê có thể cùng nhau chia sẻ. Với ngành còn non trẻ này ở Việt Nam, hình thành mới 20 năm, những kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước được mình tiếp thu nhanh chóng. Ra trường, mình thử sức với vị trí copywriter ở một công ty quảng cáo”.

 

Huỳnh Vĩnh Sơn – copywriter có biệt danh “Sói ăn chay”.
Huỳnh Vĩnh Sơn – copywriter có biệt danh “Sói ăn chay”.

 

Copywriter – Ăn ngủ cùng ý tưởng

 

Góc nhìn khác biệt là điều kiện tiên quyết mà anh chàng sinh năm 1987 học được các đàn anh đi trước truyền dạy. Các copywriter luôn thừa hiểu đi theo lối mòn tư duy, cách nghĩ thông thường đồng nghĩa với thất bại.

 

Nickname “Sói ăn chay” của Sơn chứng tỏ copywriter như Sơn luôn ý thức “tuyên chiến” với những lối nghĩ sáo mòn: “Sáng tạo là kể một câu chuyện cũ sao cho… đỡ chán hơn”.

 

Làm copywriter, cuốn sổ tay và cây bút luôn ở bên người vì theo Sơn: “Ý tưởng hay nếu không ghi lại sẽ quên mất. Có khi mình bật dậy trước khi ngủ để ghi chép. Có khi ngồi cà phê nghe một câu nói thú vị của ai đó là vội lấy giấy bút ghi ngay…”.

 

Trong cuốn Ý tưởng này là của chúng mình, Sơn có viết một bài về tầm quan trọng của thói quen ghi chép. Sơn kể: “Từ khi vào nghề đến nay, mình đã ghi hết hàng chục cuốn sổ và lưu giữ nó như một bộ sưu tập. Chính vì lúc nào cũng kè kè sổ và bút trên tay nên người quen hay trêu mình là “chú ghi điện”.

 

Thú chơi sưu tập sổ ghi chép của Sơn
Thú chơi sưu tập sổ ghi chép của Sơn

 

Làm sao nhập vai khách hàng?

 

Sơn chuyên viết slogan cho nhiều nhãn hàng nên cảm hứng hết sức quan trọng. Anh chia sẻ: “Những lúc cái đầu bị “đặc”, có cảm giác như… sinh viên đi thi học kỳ mà không học bài. Lúc ấy, mình thường ra quán. Nơi đó, mình có thể nghe ngóng rất nhiều “cái đầu lạ”. Từ đó, ý tưởng xuất hiện.

 

Làm quảng cáo cho đối tượng khách hàng nào thì mình tìm đọc những cuốn sách hay liên quan. Trong ngàn lẻ một cách nhập vai thì đọc là đơn giản nhất. Mỗi khi viết cho bia, mình thường giở lại cuốn Đại gia Gatsby để được đưa vào không gian của những yến tiệc sang trọng.

 

Có một thời gian mình “lăn lê bò toài” với nhãn hàng cho thiếu nhi, thế là mình cứ Tốt-Tô-Chan bên cửa sổ  và Chuyện con mèo dạy hải âu bay. Khép trang sách là thấy mình được “quẹo” về tuổi thơ. Ngồi viết copy thấy lòng nhí nhảnh lạ…”

 

 “Có người rất giỏi viết cho các nhãn hàng trẻ em. Có người giỏi viết cho các nhãn hàng hướng đến khách sang trọng. Có người giỏi viết cho giới trẻ. Có người chuyên viết cho các bà mẹ có con. Một copywriter giỏi là khi nhãn hàng cần viết lĩnh vực nào đó, họ nghĩ ngay đến mình như là một lựa chọn đầu tiên”, Sơn cho biết.

 

Góc làm việc của Sơn
Góc làm việc của Sơn

 

Nghịch lý của nghề sáng tạo

 

Chỉ khi viết, người ta mới bắt đầu nghĩ thấu đáo một vấn đề. Sơn chia sẻ: “Sướng làm sao khi ta giỏi kỹ năng viết và ứng dụng mọi mặt trong cuộc sống. Xung quanh ta ít người viết tốt, viết được đàng hoàng lắm.

 

Người ta đổ xô đi học làm giàu nhưng không học viết. Càng viết càng tìm ra bản thân. Phong cách viết nói lên nhiều điều về một con người. Hãy kiên nhẫn và phần thưởng cho người viết tốt sẽ đến với bạn”.

 

Cuốn sách Ý tưởng này là của chúng mình của Vĩnh Sơn gồm 100 bài viết. Sơn nói: “Ban đầu, sẵn có trang web lập ra từ hồi sinh viên, mình viết bài chia sẻ về nghề. Có bài nhận được lượng “like” và “comment” ầm ầm. Có bài chỉ được vài “like” lơ thơ.

 

Bệnh nghề nghiệp, mình quan sát và rút ra được những dạng bài nào sẽ được người đọc quan tâm? Vì sao họ quan tâm? Từ đó, mình hoàn thiện cách viết. Càng viết ngắn gọn súc tích và minh họa sinh động thì người đọc càng thích”. Những bài viết tập hợp trong cuốn Ý tưởng này là của chúng mình đều ngắn và súc tích, văn phong dí dỏm đúng chất dân copywriter.
 
Cuốn sách do Sơn viết
Cuốn sách do Sơn viết

 

Một đàn anh trong nghề quảng cáo nói rằng anh rất ủng hộ những bài viết của Sơn. Vì bên cạnh công dụng kim chỉ nam cho bạn trẻ mới vào nghề này, nó còn nói được những nghịch lý của ngành sáng tạo mà chưa ai viết. Đó là nghịch lý giữa viễn cảnh màu hồng và thực tế hành nghề của các bạn trẻ trước và sau khi vào ngành.

 

Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa ý muốn khách hàng trả tiền cho người sáng tạo và ý tưởng sáng tạo của copywriter. Nếu copywriter giữ cái tôi của mình to quá thì sẽ thất vọng rất nhiều và không trụ được với nghề.

 

Làm quảng cáo, Sơn rất quan tâm đến những sáng tạo ngôn ngữ của người trẻ. Những cụm từ mới xuất hiện được giới trẻ sử dụng nhiều, kiểu:  “Có một sự thú vị nhẹ”, “Anh hùng bàn phím”, “Anh hùng bàn họp” được Sơn ghi nhanh vào sổ tay. Nó là sự phá cách, gây tiếng cười bởi cách diễn đạt mới lạ, thông minh. Trên hết, nó thu hút được số đông và vì thế copywriter cần học hỏi.

 

 Trên trang web của mình, Sơn giới thiệu: “Hơn 5 năm duy trì trang mạng, mình nhận được nhiều câu hỏi về việc làm cách nào để tham gia ngành quảng cáo từ các sinh viên và những người… sướng quá nên muốn đổi nghề.

 

Họ trẻ, khoẻ, rẻ nhưng thông tin về ngành bị che khuất bởi một lớp sương mờ mà Google không vén nổi. Quyển sách nhỏ này sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn về thế giới của một công ty quảng cáo sáng tạo.

 

Không gì bằng niềm vui sáng tạo. Dân sáng tạo chỉ thiếu tình, thiếu tiền, ý tưởng không bao giờ thiếu! Hãy cứ can đảm nghĩ, táo bạo làm, ý tưởng luôn ở quanh ta. Thế giới này cần sự tươi mới của bạn!”

 

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam