Sinh viên xuyên Việt - dễ hay khó?

Câu trả lời là… rất dễ, chỉ cần chịu khó tìm hiểu một chút, rồi xách balô lên đường và chỉ cần có khoảng 2 triệu trong tay là bạn không phải lo gì tới cảnh “đi xe đò, ăn cơm… tù”.

Thực tế là việc đi du lịch xuyên Việt hiện nay không quá… to tát như nhiều người vẫn nghĩ. Rất nhiều công ty du lịch đã có dịch vụ Open Tour Ticket (vé mở). Dịch vụ này cho phép khách du lịch hoàn toàn tự chủ về thời gian trong suốt hành trình.

Tuyến đường quen thuộc nhất vẫn là Hà Nội - TPHCM (và ngược lại). Dọc đường, ôtô sẽ dừng tại các điểm du lịch (Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang…).

Du khách có thể thoải mái tham quan và chọn trước giờ xuất phát đến điểm dừng chân tiếp theo, miễn là đăng ký với văn phòng của công ty trước 1 ngày.

Cũng không khó hơn bắt xe bus bao nhiêu, và tất cả đều là xe Aero Space (45 chỗ, có máy điều hòa…). Giá vé cũng khá mềm, tùy theo số điểm dừng chân mà dao động trong khoảng 200.000 - 400.000 đồng (rẻ hơn nhiều so với đi tàu hỏa hoặc máy bay).

Nhiều người cũng gặp chút ít rắc rối với chuyện xe cộ như phải chuyển xe, xe đến muộn, chạy lòng vòng qua các khách sạn đón khách hoặc cung cách phục vụ chưa được lịch sự cho lắm, nhưng nhìn chung, với mức giá vừa phải và giúp du khách tự chủ về thời gian, Open Tour Ticket vẫn là lựa chọn hàng đầu cho giới sinh viên hiện nay.

Ở các điểm dừng chân, thay vì thuê taxi hay xe ôm, các “thượng đế” có thể dễ dàng thuê được xe đạp hoặc xe máy với giá “mềm” (xe đạp 15.000 - 20.000 VND/ngày; xe máy 60.000 - 80.000 VND/ngày, có thể cần có bằng lái và tiền đặt cược).

Xe đạp rất phù hợp để đi dạo phố, đặc biệt là ở Huế và Hội An, nhưng nếu muốn đi xa hơn, ví dụ thăm các lăng tẩm Huế, đi ngắm cảnh ven sông Hương hay ngắm các cồn cát Mũi Né thì xe máy là lựa chọn hàng đầu.

Khách sạn, nhà trọ bao giờ cũng có nhiều mức phòng khác nhau. Quan trọng là cần phải chịu khó mặc cả đôi chút. Giá một phòng đôi hai giường với đầy đủ điện nước, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa xấp xỉ 150 ngàn đồng/ngày, có thể rẻ hơn nữa nếu khách sạn nhỏ và vị trí không “thuận lợi” lắm.

Về ăn uống, sinh viên nói chung thích những quán nhỏ, dân dã hơn là các quán ăn sang trọng; mà các quán “vỉa hè” thì chỗ nào cũng có, vừa ngon, vừa rẻ (miễn là có mang theo… thuốc đau bụng). Chỉ cần bỏ vài phút đi dạo phố, hỏi người dân xung quanh là có thể tìm được một quán thích hợp.

Ngay cả khi không gặp một quán nào “khả dĩ” thì vẫn có đủ thử đồ ăn sẵn (mì gói chẳng hạn) có thể mua trong bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào.

Tính cả tiền vé vào cửa các địa danh tham quan, chi phí cho một chuyến du lịch xuyên Việt khoảng 10 ngày (từ Hà Nội đến TPHCM, tính cả thời gian đi lại) chưa đến 2 triệu đồng/người, một cái giá hoàn toàn chấp nhận được.

Một số thứ cần chuẩn bị trước chuyến đi:

Giấy tờ tùy thân: Đầu tiên là chứng minh thư nhân dân, không có nó thì không thể thuê phòng khách sạn.

Thẻ sinh viên đôi lúc có thể giúp tiết kiệm chút ít chi phí, nhưng mang theo hay không cũng không quan trọng lắm.

Nếu có ý định thuê xe máy thì dĩ nhiên phải dùng đến bằng lái xe; nếu chỉ muốn thuê xe đạp thì… cất bằng lái ở nhà, khỏi lo… rơi mất dọc đường.

Thuốc men: Thuốc chống say xe, đau đầu đều cần, nhưng quan trọng nhất là thuốc… đau bụng.

Không ai dám khẳng định mình có thể “ngốn” hết các thứ “đặc sản” dọc đường mà không gặp một rắc rối nào về tiêu hóa.

Tiền bạc: Nên chuẩn bị nhiều hơn chi phí dự kiến nhưng không nên mang hết bằng tiền mặt đi theo người.

Máy rút tiền tự động giờ đây nhan nhản khắp mọi nơi, chỉ cần chọn một ngân hàng lớn (Vietcom Bank chẳng hạn), đăng ký một tài khoản ATM và cầm thẻ rút tiền theo người. Lưu ý mang theo nhiều tiền lẻ.

Các thứ khác: Bản đồ rất cần thiết vì không phải lúc nào cũng có thể hỏi đường. Nếu mang theo máy ảnh, nên có túi đựng chống thấm, hạt hút ẩm để bảo vệ máy.

Và quan trọng nhất là nên mang theo… vài người bạn đồng hành, vừa vui, vừa yên tâm vừa… chia sẻ được chi phí.

Theo Hoàng Minh
Tuổi Trẻ