Trung Quốc:

Sinh viên và chuyện “ăn cơm trước kẻng”

(Dân trí) - Mỗi khi kì nghỉ hè đến, các khách sạn nhỏ và những căn hộ cho thuê gần khuôn viên trường đại học sẽ lại phải trải qua “mùa thất bát” trong năm bởi sinh viên là khách hàng chính của họ…

Sinh viên và chuyện “ăn cơm trước kẻng”  - 1


Một tấm bảng tin lớn dựng trước khu kí túc của trường đại học Giao thông Trung Quốc (CUC) thậm chí còn không còn chỗ cho các thông báo hoạt động trong khuôn khổ nhà trường hay các mục báo mà để dành cho các quảng cáo “cho thuê phòng theo giờ”.

 

Các tờ rơi quảng cáo kiểu này không chỉ ngự trị trên các bảng tin trường học mà còn trải khắp lên cây cầu dành cho người đi bộ phía bên ngoài khuôn viên trường học. Trên thực tế, có rất nhiều tờ bướm dán trên các bức tường và được vứt bừa bãi ở mọi nơi có thể, nhiều người phàn nàn rằng họ không thể đi bộ trên cây cầu mà không phải giẫm lên một hoặc hai tờ quảng cáo mắc kẹt vào giày của họ.

 

Chủ nhà của một căn hộ nằm gần trường đại học Giao thông cho biết trước kì nghỉ hè, các phòng của bà tại đây luôn ở tình trạng kín lịch vì sinh viên thường đặt trước để có thể “vui vẻ” với người yêu trong một hoặc hai giờ.

 

Với 60 đến 180 nhân dân tệ (tương đương 9 đến 26 đôla), các cặp tình nhân sẽ có một căn phòng với đầy đủ nhà tắm, nước nóng và Internet. Thậm chí có đôi còn đặt cọc trước 200 nhân dân tệ để giành được phòng, bà chủ này cho hay.

 

“Giá cả trong các quảng cáo đặc biệt ưu đãi cho sinh viên”, bà chủ khẳng định. Bản thân bà chủ này cũng thường xuyên rải các tờ rao vặt kiểu này trong khuôn viên trường đại học.

 

Wang, 23 tuổi, sinh viên năm thứ hai của đại học Wuhan thường xuyên thuê nhà nghỉ và phòng tính theo giờ cùng với bạn gái đang học tại Chengdu trong những lần Wang đến thăm cô này. Họ thuê phòng trong các khách sạn nhỏ gần với khuôn viên trường không biết bao nhiêu lần.

 

“Các khách sạn thường yêu cầu chúng tôi để lại số căn cước nhưng thỉnh thoảng chúng tôi không cần phải điền vào đăng kí tất cả, chúng tôi chỉ cần trả tiền và thế là xong”, Wang nói.

 

Mặc dù sống trong một quốc gia nặng truyền thống giữ gìn phẩm hạnh và vẫn mang nặng tư tưởng khắt khe với những ai sống thử trước hôn nhân nhưng sinh viên đại học Trung Quốc có vẻ đã cởi mở hơn trong vấn đề này.

 

“Đây không phải là vấn đề gì to tát. Tôi đã nghe rất nhiều về nó”, Yu Qing, sinh viên 22 tuổi tại đại học Wuhan thẳng thắn.

 

“Điều đó khá bình thường và nên được chấp nhận nếu họ yêu nhau”, Li Shanshan, 22 tuổi, sinh viên cùng trường cũng bày tỏ quan điểm.

 

“Đó thực sự không phải là vấn đề của tôi nhưng tôi nghĩ tốt hơn là  hãy cứ để họ làm “chuyện ấy” trong khách sạn hơn là trong một góc tối nào đó ở khuôn viên trường học hoặc trong bụi rậm”, Li Minyang, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Bắc Kinh nói.

 

Một số bậc phụ  huynh cũng tỏ ra thông thoáng hơn trong vấn đề này so với các thế hệ trước.

 

Menh, một bác sĩ công tác tại bệnh viện Youan Bắc Kinh và là mẹ của một sinh viên đại học bày tỏ sự hiểu biết của mình “Điều này nên được thông cảm và chấp nhận nếu các cặp đôi đã đủ tuổi và phấn đấu cho một mối quan hệ lâu dài”.

 

Zhao, một phụ huynh đang có con học năm thứ hai đại học cho biết cô có quan điểm trung lập trong vấn đề này. “Họ nên học cách bảo vệ mình để đảm bảo không có gì là sai trái”, vị phụ huynh 55 tuổi lên tiếng nhắc nhở giới trẻ.

 

 

  Hiền

Theo GlobalTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm