Sinh viên Tài chính đoạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng về phát triển bền vững
(Dân trí) - Lê Thị Hồng Nhung (SV Học viện Tài chính) vừa được trao giải Nhất cuộc thi hùng biện online “Mục tiêu phát triển bền vững về đa dạng sinh học và nguồn tài chính cho đa dạng sinh học ở Việt Nam".
Ngày 8/11, tại Học viện Tài chính, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường và Báo Sinh Viên Việt Nam vừa công bố các thí sinh đạt giải cuộc thi hùng biện online “Mục tiêu phát triển bền vững về đa dạng sinh học và nguồn tài chính cho đa dạng sinh học ở Việt Nam”. Các thí sinh dự thi là các sinh viên và thanh niên Việt Nam đến từ các trường đại học, học viện trên cả nước.
Cuộc thi đã được công bố nhân ngày Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, 22/5/2018 nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên, sinh viên Việt Nam về đa dạng sinh học, các cơ chế tài chính bền vững cho đa dạng sinh học và tạo sân chơi bổ ích, giúp tăng khả năng sáng tạo, trang bị kỹ năng thuyết trình, phân tích và tổng hợp cho sinh viên.
Giải nhất của cuộc thi được trao cho Lê Thị Hồng Nhung, Học viện Tài chính. Giải nhì thuộc về Đào Mai Linh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, giải ba thuộc về Bùi Thị Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Các giải tập thể gồm Giải nhất thuộc về Lê Phương Hà, Trần Phương Ngọc và Nguyễn Thị Thanh Hoa, Đại học Ngoại Thương Hà Nội; giải nhì thuộc về Trần Bình Minh (Đại học RMIT) và Trần Cao Vũ (Đại học Ngoại Thương Hà Nội). Ngoài ra, Vũ Thị Ngọc Anh và Bùi Minh Đức, Đại học Sư phạm Hà Nội đạt giải ba tập thể.
“Qua 2 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 72 clip là các tác phẩm dự thi đến từ các bạn là sinh viên của các trường đại học trong cả nước. Số lượng tác phẩm dự thi đông đảo cho thấy các bạn sinh viên Việt Nam rất năng động, nhiệt huyết yêu thích thử thách bản thân, khám phá các chủ đề mới”, Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường cho biết.
Tham dự lễ trao giải, Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc quốc gia UNDP cho biết “Tôi đặc biệt ấn tượng với các bài dự thi của các bạn sinh viên Việt Nam. Các bài dự thi đều thể hiện sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các Mục tiêu Phát triển bền vững và tầm quan trọng của các loài động thực vật trên cạn và dưới nước.”
“Tài chính cho đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng. Tại Việt Nam, UNDP đang thử nghiệm các cơ chế tài chính như thu phí vào cửa các bảo tàng thiên nhiên và lập ngân sách dựa trên kết quả. Ví dụ nếu một nửa số khách du lịch đến Vườn Quốc gia Cúc Phương chi trả phí tham quan bảo tàng, ước tính sẽ có thêm khoảng $70.000 đến $100.000 hàng năm cho bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia này” bà Akiko nói.
Sáng kiến Tài chính cho đa dạng sinh học (gọi tắt là BIOFIN) là một sáng kiến của UNDP toàn cầu nhằm khuyến khích các quốc gia tham gia vào quá trình chuyển đổi, nghĩa là lượng hóa và giảm chi phí quản lý đa dạng sinh học và sắp xếp, huy động các nguồn lực cần thiết để bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học, góp phần đạt được các mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học. Việt Nam là một trong số quốc gia tham gia tích cực và hiệu quả trong sáng kiến toàn cầu này của UNDP.
M.C