Sinh viên sinh nhật và sinh... chuyện

Đ.S - sinh viên năm II Trường Hàng không Việt Nam - quê Lào Cai, gia đình thuộc loại giàu nhất nhì tỉnh, nên chuyện ăn mặc thời trang của S. luôn là tâm điểm của mọi người trong trường: mốt nhất và sốc nhất! Cũng thế, sinh nhật của Đ.S luôn là một lễ hội “hoành tráng” nổi đình nổi đám.

Anh chàng tổ chức bữa tiệc sinh nhật của mình tại một vũ trường ở trung tâm thành phố, chỉ tính riêng tiền vé, tiền nước uống cũng làm cho người ta “chóng  mặt”. Chưa kể khi cao hứng, S. cho gọi toàn rượu Hennessy, mỗi lần 3 chai để sẵn trên bàn. Đến khi trả tiền, số tiền thanh toán lên tới con số chục triệu, thế nhưng với S. “đời người quan trọng nhất là ngày sinh, mỗi năm chỉ có một lần thì hà cớ chi mà không ăn mừng cho ngày trọng đại đó?”

 

Cũng giống như S., Q.Ch là con gái của một “sếp” có máu mặt tại Sài Gòn. Cô sinh viên năm III của một trường ĐH dân lập này hằng ngày đi học có xe riêng đưa đón, mặc cho cả lớp dè dặt trong chi tiêu thì cô sẵn sàng đánh dấu mốc tròn 20 tuổi của mình bằng bữa tiệc sinh nhật “khiêm tốn”... hơn 10 triệu đồng.

 

Mở màn sinh nhật, người phục vụ đẩy ra chiếc xe chở cái bánh kem 4 tầng, Ch. chúm chím thổi nến trong tiếng vỗ tay hoan hô của bạn bè. Bữa tiệc kéo dài đến tận khuya, bước ra về mà mọi người đều thầm “nể” và nghĩ, chắc hẳn phải là nhân vật “sao” như cô mới có thể dám “ngốn” cả chục triệu của gia đình trong vài giờ như thế.

 

Nghèo cũng... “méo” vì sinh nhật

 

Th.N từ Thanh Hóa vào TPHCM học đại học được 2 năm. Hồi còn ở quê nhà, cô chưa bao giờ được biết đến khái niệm sinh nhật long trọng là gì. Họa chăng chỉ là kẹo, bánh chiêu đãi lũ bạn đến chơi. Nhưng từ khi lên đại học, thấy bạn bè trong lớp ai cũng long trọng tổ chức sinh nhật, cô cũng đành làm theo để không phải “lạc lõng” giữa đám bạn bè.

 

Năm đầu tiên lạ nước lạ cái, đến sinh nhật cô chỉ mua trái cây, bánh kẹo để khao bạn cho vui. Sang năm thứ 2, N. chiêu đãi các bạn tại một làng nướng Nam Bộ hẳn hoi, tiếp theo chương trình là đi hát karaoke.

 

Tất cả chi phí đều từ tiền dành dụm mấy tháng mà bố mẹ ở quê gửi vào để N. lo việc ăn học. Chưa kể để đủ tiền “làm vốn” cho bữa tiệc, N. phải cấp tốc gọi điện về báo với gia đình là cần tiền học thêm ngoại ngữ và tin học. Sợ con học thua bạn bè, bố mẹ N. phải tất tả chạy vạy ngược xuôi lo tiền gửi vào.

 

Khác với N., Thu A. là dân thành phố nên điều kiện khá hơn nhiều. Mọi năm sinh nhật của cô và đứa em đều do bố mẹ tổ chức: mua bánh kẹo, trái cây, bánh sinh nhật và A. chỉ mỗi việc mời bạn bè đến. Nhưng năm nay bỗng nhiên cô “phát minh” ra kiểu sinh nhật mới cho mình là mời các bạn lên phòng trà ở đường Điện Biên Phủ, có ca nhạc và đủ mọi thứ mà cô cần (chủ nhân có thể yêu cầu nhà hàng đặt hoa, bánh và cả hát những bài hát có liên quan đến sinh nhật).

 

Quả là đêm sinh nhật không chỉ ấn tượng nhất trong cuộc đời cô gái tuổi 20 này mà còn giúp các bạn của A. có dịp đến thưởng thức những nơi mang đầy hơi hướng “sành điệu”. Số tiền mà Thu A. xin gia đình để đền bù vào chỗ thiếu hụt được viện từ lý do rất “nhỏ” là “cần chi phí để đóng học thêm (?!)”

 

Đến sinh nhật thì ai cũng phải cầm trong tay một món quà, còn món quà giá trị như thế nào cũng còn tùy thuộc vào chủ nhân tổ chức tiệc ở đâu! Không ít chủ nhân sau sinh nhật là kệ sách, khung ảnh, tượng thạch cao... cứ ngày càng đầy lên, “bỏ thì thương, mà cho đi thì cũng không đành” - N. cho biết.

 

Còn nhận được món quà có giá trị cao thì trong lòng vui mà cũng không hẳn vui vì cứ canh cánh lo. Th.N tâm sự: “Đi sinh nhật cũng là đi ăn nợ, đến lượt người ta mời mình, thì đó cũng chính là lúc mình thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.

 

Theo Nguyên Châu
Thanh Niên