Sinh viên ra trường và hành trình “rải hồ sơ” xin việc

(Dân trí) - Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tuyển nhân sự của các công ty cũng giảm, sinh viên tốt nghiệp, ra trường đi xin việc lại càng khó khăn hơn nên đối mặt với nhiều lo lắng, áp lực.

Hành trình “rải hồ sơ” và sự chờ đợi vô thời hạn

 

Không chỉ những ngành về tài chính – ngân hàng từng được coi là “hot”, gặp khủng hoảng “thừa”, sinh viên tốt nghiệp từ nhiều công việc khác cũng trở nên điêu đứng, chật vật. Không ít bạn ra trường đã mấy tháng, thậm chí là 2, 3 năm vẫn chưa có một công việc ổn định.

 

Nguyễn Văn Quý (trường Cao đẳng Công nghiệp) vừa ra trường năm nay nhưng cũng đang trong tình trạng “mòn mỏi chờ đợi”. Quý đã nộp 6 bộ hồ sơ, cũng có vài nơi gọi đến phỏng vấn nhưng đều không được nhận vào làm.

 

Học ngành kỹ thuật nên ở những nơi đăng tuyển đều đòi hỏi Quý phải có kinh nghiệm. Bởi vậy mà suốt gần hai tháng qua, bạn liên tục lên mạng tìm kiếm và gửi hồ sơ đến những công ty đang tuyển dụng.

 

Quý chia sẻ: “Ngay cả nhu cầu muốn làm ở những khu công nghiệp, giờ cũng rất khó khăn. Họ cần những thợ lành nghề, kỹ thuật cao, hoặc cũng bằng cấp đại học và chứng chỉ ngoại ngữ.

 

Lúc đi học mình cũng biết là khó nhưng không nghĩ sẽ khó đến thế này. Cũng không biết lúc nào Quý mới xin được việc đây. Trong lúc chờ đợi những nơi mới nộp, Quý về quê tranh thủ gặp bố mẹ và tìm chút thanh thản, động lực để tiếp tục đi rải hồ sơ. Nhưng gặp phải họ hàng hỏi về công việc khiến bố mẹ sốt ruột cũng thúc ép nên càng khiến mình mệt mỏi hơn”.
 
Sinh viên ra trường và hành trình “rải hồ sơ” xin việc
Trong giai đoạn khó khăn, các nhà tuyển dụng có xu hướng tuyển "lính mới" đã có kinh nghiệm. (ảnh minh họa)

 

Trịnh Thị Ngân (ĐH Luật Hà Nội) tốt nghiệp đã hai năm đến nay vẫn chưa có một công việc hài lòng. Ngân cho biết: “Sau khi nộp rất nhiều hồ sơ vào các văn phòng Luật, công ty, mình đợi mãi mà rất ít nơi gọi đến phỏng vấn.

 

Ban đầu làm thu ngân trong siêu thị, giờ Ngân phải xin bán quần áo cho một shop. Mức lương chẳng đủ sống nhưng ít ra cũng không đến mức tháng nào cũng phải ngửa tay xin tiền bố mẹ.  Nhưng nhìn tương lai mà mình thấy mờ mịt và lo lắng quá”.

 

Còn Trần Tuấn (HV Tài chính) muốn tìm công việc theo đúng chuyên ngành nhưng giờ cũng cảm thấy thất vọng khi đã liên tục thất bại. Bạn cho biết đã chờ đợi suốt một năm và mỗi tháng bố mẹ vẫn phải gửi tiền ra như hồi còn đi học.

 

Tuấn bày tỏ: “Mình sinh ra ở nông thôn nên ra trường rồi không muốn làm gánh nặng cho bố mẹ nữa nhưng xin việc mãi vẫn không được nên trong lòng nhiều suy nghĩ chán nản, mệt mỏi”.

 

Mới đây Tuấn vừa phải chấp nhận làm ở một siêu thị với công việc chăm sóc khách hàng – vốn dĩ khác hoàn toàn với ngành nghề đã học. Không những thế, lương lại thấp, chỉ 3 triệu đồng một tháng không thể giúp Tuấn trang trải cuộc sống ở thành phố này. Bởi vậy, bạn đang tiếp tục nộp hồ sơ phỏng vấn để tìm được công việc tốt và phù hợp với bản thân hơn.

 
Sinh viên ra trường và hành trình “rải hồ sơ” xin việc

Thiếu kỹ năng và không sát thực tế, nhiều SV ra trường không thể tìm được cho mình một công việc ưng ý. (ảnh minh họa)
 

Rào cản khi đi xin việc

 

Với một người mới tốt nghiệp như Quý, bạn cho biết bản thân còn thiếu rất nhiều thứ. Quý bày tỏ: “Mình chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng mềm khác.  Chỉ cần sau khi trải qua một vòng phỏng vấn thôi, Quý mới biết lý thuyết khác xa với thực tế rất nhiều.

 

Hơn nữa, trong suốt ba năm học, mình không năng động đi làm thêm nên ít kinh nghiệm thực tế, đồng thời kỹ năng phỏng vấn còn rất kém. Bởi vì không đủ tự tin với kiến thức, kinh nghiệm của bản thân nên Quý rất dễ mất bình tĩnh khi đứng trước các nhà tuyển dụng”.

 

Bạn cho biết nhiều lúc không kịp ứng phó với những câu hỏi mang tính phản xạ của họ. Có khi rất đơn giản, tưởng như không liên quan đến chuyên môn như: có người yêu chưa, bình thường thích làm gì, … nhưng lại là căn cứ để nhà tuyển dụng đánh giá về mình.

 

Còn Tuấn lại chưa thực sự chuẩn bị kỹ càng những thông tin về công ty thi tuyển cũng như công việc mình sẽ làm. Bạn chia sẻ: “Mặc dù đã tìm hiểu qua sách báo và những tài liệu liên quan về doanh nghiệp, mình vẫn chưa hiểu và đi sâu vào những gì họ quan tâm.

 

Mình mới ra trường chưa có kinh nghiệm nên xin việc khó. Nền kinh tế gặp khó khăn nên họ chỉ muốn nhận những người đã có kinh nghiệm vào làm việc luôn, không như trước đây là bỏ chi phí ra để đào tạo, nên cơ hội cho mình bị thu hẹp hơn rất nhiều…”.

 

Hoàng Dung