Sinh viên năm nhất: Nỗi niềm và bức xúc...

Hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày những sinh viên mới náo nức bước chân vào cổng trường ĐH. Trên các diễn đàn sinh viên liên tiếp xuất hiện những tâm sự, nỗi niềm và cả những bức xúc của những tân sinh viên năm nhất.

Đầu tiên là... tiền đâu?

 

Vấn đề "đầu tiên" khi SV gặp phải chính là tiền. Nguyễn Hoàng, SV năm thứ nhất ĐH Bách khoa Hà Nội cười buồn: "Em từ Nghệ An ra, lần đầu tiên cầm trong tay 2 triệu đồng. Hôm lên tàu phải chia làm hai, một nửa cho vào trong tất, nửa dắt cạp quần mà vẫn lo mất. Ấy vậy mà đóng học phí, tiền ở KTX xong, còn lại gần một triệu chẳng hiểu tiêu gì mà sau có 2 tuần đã thấy vơi đi quá hai phần ba.

 

Lần đầu cầm tiền nhiều đến thế, cứ thiếu gì là mua đại, không tính toán gì nên giờ tiền ăn khó mà đủ. Viết thư về xin mẹ chắc cũng chẳng có, đành ăn mì tôm trừ bữa chờ đến tháng sau vậy".

 

Chuyện lần đầu tiên những SV năm nhất làm chủ số tiền của mình với những cậu ấm cô chiêu đã quen ăn tiêu hoang phí chẳng khác nào chuyện chim sổ lồng. Những chốn ăn chơi nơi thành phố, trò game nhập vai hấp dẫn như viên kẹo ngọt với đứa trẻ, chúng đã "nuốt" những đồng tiền ấy một cách ngon lành.

 

Trong một tập thể lớp, sự chênh lệch giàu nghèo cũng phản ánh rõ mồn một trên từng tấm áo. Lê Thu Hằng, quê Vũ Thư, Thái Bình bảo: "Ở nhà ăn mặc thế nào cũng được, đi cái xe Thống Nhất khung nam cũng chẳng sao vì bạn bè đều thế. Nhưng xuống đây mình mặc áo dính chút mực đành bỏ, đôi khi thà đi bộ còn hơn phải ngồi lên chiếc xe đạp cà tàng ấy để chúng bạn "soi" như người ngoài hành tinh vậy".

 

Một SV quê ở xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Tây) hồn nhiên kể: "Hồi ở nhà đi học, xe non hơi chạy vào nhà bên đường mượn cái bơm, tranh thủ vục mặt vào vại nước làm một hơi nước lã. Hôm đầu em cũng vào mượn bác sửa xe cái bơm, nào ngờ bác nguýt dài rồi bảo: “Thế mày định cho tao ăn đất à". Ở đây cái gì cũng tiền! Mỗi tháng, số tiền mẹ cho chỉ có hạn nên đôi khi mình đau đầu vì các khoản đóng góp".

 

Và những cú sốc

 

Chính vì thay đổi môi trường sống, những áp lực về kinh tế đã khiến không ít SV năm đầu dính cú sốc trước giảng đường. Tâm lý căng thẳng, chán nản, thất vọng và lo toan ùa về ngay sau men chiến thắng khi họ bước qua cổng trường ĐH.

 

Ngoại ngữ luôn là "nỗi đau triền miên" với phần lớn SV ngoại tỉnh. Lò Văn Tuân, một SV từ Sơn La xuống Hà Nội học ngành Xã hội học bộc bạch: "Các môn khác thì mình không sợ, cần cù bù thông minh rồi cũng qua, nhưng môn ngoại ngữ thì "căng" quá! Mới thi thử giữa kỳ mà đã "đứt" rồi. Muốn được điểm khá phải đi học thêm, nhưng tiền ăn còn chẳng đủ nữa là...".

 

Sau ngoại ngữ lại đến tin học, có không ít những SV lần đầu vào ĐH cũng là lần đầu sờ đến máy tính, những word, excel, hay công cụ tìm kiếm Google lại trở thành những khái niệm lần đầu nghe thấy.

 

Môi trường ĐH khá "tự do" đã dễ dàng khiến một số bạn dễ dãi với bản thân. Ai học cứ học, ai chơi cứ chơi. Tuy vậy, Sơn Văn, SV năm thứ hai khoa Báo (ĐH KHXH&NV Hà Nội) khẳng định: "Hồi ở quê, bạn bè nghèo cũng hoàn cảnh như nhau, nhà gần nhau nên dễ chia sẻ. Vào ĐH, mỗi người một quê, người nói giọng Hà Tây, người nói giọng Nghệ Tĩnh. Tình bạn ở ĐH khác với tình bạn hồi phổ thông nhiều lắm.

 

Hồi vào năm thứ nhất ai cũng có những khó khăn ban đầu, nhưng rồi không quen cũng phải quen với môi trường sống mới. Nó đòi hỏi bản lĩnh, nếu biết thích nghi mình sẽ vượt qua".

 

Theo Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (trưởng khoa Tâm lý học ĐH KHXH&NV, ĐH QGHN) thì nguyên nhân khiến một số sinh viên năm nhất dễ bị stress có thể quy về ba lý do cơ bản: thứ nhất, do sự thay đổi môi trường sống; thứ hai, vấn đề kinh tế; thứ ba là trong học hành, nhiều em bị sốc vì chưa thích nghi với cách học mới, cách dạy mới. Ở trường phổ thông, thầy cô giáo lo cho hết, nhưng vào ĐH, SV phải tự tìm tài liệu, tự đọc, phải biết bổ sung kiến thức cho mình.

Ở ĐH không có chế độ kiểm tra thường xuyên nên nhiều SV chủ quan, dẫn tới chểnh mảng việc học hành. Hiện tượng SV năm thứ nhất bị stress trong thời kỳ đầu vào ĐH hết sức phổ biến nếu không muốn nói là 100%, tất nhiên ở mức độ khác nhau. Kể cả SV ở các thành phố lớn, không phải xa nhà đi học ĐH cũng bị stress, song họ có thể bị ở mức độ nhẹ hơn và vượt qua nhanh hơn.

Khi đã xác định được đó là hiện tượng phổ biến thì SV sẽ có tư thế chủ động, chuẩn bị sẵn sàng đương đầu và vượt qua stress. Việc học tất nhiên là quan trọng nhất, mỗi người cần chăm chỉ ngay từ đầu và việc đầu tiên khi vào trường là xác định xem mình thiếu cái gì để bổ sung như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm...

  

 Theo Káp Thành Long

Thanh Niên