Sinh viên “mê mệt” bói toán

(Dân trí) - Chưa khi nào, bói toán lại được giới sinh viên, học sinh “sùng bái” như bây giờ. Họ có thể rủ nhau đi xem ở tỉnh này tỉnh kia, hay tự bói theo sách photo truyền tay nhau... một cách say mê và đầy tin tưởng!

Quanh năm gieo quẻ

 

Xưa kia chỉ vào dịp tết nhất, nghỉ ngơi nhàn nhã, “các cụ” mới gieo 1 quẻ bói đầu xuân lấy lộc, lấy may. Nay người ta có thể gieo quẻ, bói toán quanh năm. Có đến một tá kiểu bói: nào bói chỉ tay, xem tướng, bói chén, bói tú, bói gạch, bói nhẫn, bói phượng, bói lá, bói Kiều, thậm chí sinh viên có cả bói... chớp mắt, bói... hắt hơi.

 

Nghe Thư, cô bạn học ĐH Thăng Long quảng cáo hết lời về “thầy Quát”, tôi tò mò đi “mục sở thị”... Nhà thày ở tận trong 1 ngõ nhỏ trên đường Trúc Lạc, quận Tây Hồi. Vừa bấm chuông cửa đã nghe giọng một phụ nữ the thé ”Đứa nào đấy? Gần trưa rồi còn đến à? Tự mở cửa mà vào đi”... Tôi lờ mờ hiểu ra “thầy” có cái tên ấy là vì... chất giọng cao hiếm có, cứ mắng “khách”, chủ yếu là sinh viên, sa sả. Thế mà thầy vẫn đông khách, trong sân đã thấy dựng sẵn 2, 3 chiếc xe máy, chắc tại thầy xem hay quá?

 

Tưởng “thầy” hoá ra lại là một phụ nữ tầm ngoài 50, móng tay móng chân đỏ chót, đang ngồi ... ăn thịt gà, trong khi có mấy học sinh mặt mũi non choẹt, mặc áo đồng phục trường PTTH đang ngồi đợi thầy ăn xong để đến lượt xem bói...

 

Thầy nổi tiếng vì cách xem tướng, đoán số. Đợi 15 phút thầy quảy quả đứng dậy, quay ra quát : “Còn ngồi thế à, đặt tiền rồi thắp hương lên bàn thờ đi, chậm chạp thế?”. Cô bé học sinh vội vàng đặt một tờ Polyme đỏ chót vào đĩa, nhón chân thắp hương, trong tiếng quát của thầy phải cắm hương thế nọ thế kia, vái như thế nào... Cô bạn tôi nói nhỏ: “Tuy là tuỳ tâm, nhưng lệ ở đây ít nhất phải là 50 nghìn. Càng “thành tâm”, thầy nói càng kĩ”...

 

Rồi thầy bảo cô bé kia lật tóc lên, nghiêng mặt, nghiêng tay, thầy chỉ liếc mắt sơ sơ rồi phán: “Con bé này bị bò liếm, thế là tốt lắm, nhưng mà phải phơi nó ra mới được lộc. Bây giờ về cắt mái đi, không thì cặp lật tóc lên, lộ ra thì mới khá được. Mày lại hơi lùn nữa, về mua dép cao gót mà đi. Lúc nào xong quay lại đây cô bày tiếp, không có thì mày thi đâu hỏng đấy, năm nay có làm bài kiểu gì cũng trượt đại học thôi con ạ...”.

 

Tôi thấy cô bé tái mặt, lo lắng thật sự, vội vàng đưa thêm 100 nghìn nữa, “trăm sự nhờ thầy”. Cậu bạn đi cùng, tóc vàng hoe, quần áo sành điệu, thì tưng tửng rút ra tờ 200 nghìn, thầy cầm luôn rồi vui vẻ phán: “Mày là có số làm quan lớn đấy, có quý nhân phù trợ rồi. Năm nay thi ĐH cứ yên tâm là đỗ, không phải mất công học hành gì nhiều đâu con ạ, cứ về bảo mẹ mai đến đây thầy làm lễ cúng cho”...

 

Thư chợt cười buồn, vì chính cô bạn tôi cách đây 2 năm, do nghe lời một thầy bói khác trên đường Lạc Long Quân phán “không cần học cũng có số đỗ đại học”, đâm ra chủ quan, bỏ bê học hành, cuối cùng trượt vỏ chuối! Năm sau thi lại, vì vẫn cứ tin lời thầy phán ”trước sau cũng đỗ”, nên lại ngậm ngùi lỡ hẹn với cánh cửa đại học thêm một năm nữa, phải đến năm thứ 3 quyết tâm học ôn lại mới đỗ! Tôi tự nhủ thầm: thế mà không hiểu sao Thư vẫn đi xem bói và tiếp tục tin lời thầy bói?

 

Đến lượt chúng tôi, thầy hỏi đang học ĐH nào, tôi bịa là học Nhạc viện, thầy phán: "Da mày trắng, mũi dày, môi nét, tóc mảnh, ngón tay dài và thon, thế là học hành thì không phải lo, chơi nhạc thì nhất rồi, nhưng mà khổ cái mày lại bị cái mắt một mí con ạ, cái này là ác lắm đấy! Cung hôn thê nó triệt vào mắt rồi, bây giờ về phẫu thuật thẩm mỹ, đi cắt mí đi, không có là suốt đời khổ về tình duyên nghe chưa!"...

  

Không hiểu thầy đang xem bói hay là đang tư vấn, quảng cáo thẩm mỹ nữa?!

 

Một hôm khác, tôi đi cùng cô bạn tên Trang, ĐH Thương Mại, lên phố Thi Sách, gặp một thầy bói được giới sinh viên truyền tụng “xem chỉ tay chỉ đường đời trúng phóc”... Thầy chỉ khoảng hơn 30 tuổi, mặc một chiếc áo dài nâu sồng, đi chân đất, nhưng lại để đầu... đinh, bên trong chiếc áo dài là một chiếc áo sơ mi đỏ rực rỡ(!). Lại đặt 50 nghìn, lại xì xụp khấn vái...

Thầy hỏi nhà tôi ở đâu, địa thế như thế nào, thi ĐH năm nào, tôi trả lời là nhà gần 1 con mương, thuộc nhánh sông Tô Lịch, thi ĐH năm 2004. Thầy sờ nắn, lật lên lật xuống mu bàn tay tôi có đến 2 phút, gật gù ngẫm nghĩ, rồi phán như máy khâu, giọng cứ õng ẹo như đàn bà: “ừ, nhà em ở gần mương, thế là có cống thối (?), được quý nhân phù trợ. Thế hồi bé đã bao giờ ngã xuống cái mương đấy chưa? Rồi à? Đấy, thảo nào... Đường học của em thì rõ nét, liền mạch, tức là chỉ đỗ đúng một trường ĐH, mà cả đời cũng chỉ làm một nghề thôi”.

 

Quả thật là năm 2004 tôi thi ĐH, quy chế chỉ cho thi một trường, nếu không đỗ thì mới nộp đơn xét tuyển nguyện vọng 2 và 3, còn nếu đỗ nguyện vọng 1 rồi thì chỉ được học trường đó thôi, điều này thì chỉ cần đọc báo, nghe đài, khỏi cần làm thầy bói cũng biết!

 

Lúc chào thầy về, thầy lại còn dặn dò: “Cô bạn của em là hay đến đây lắm, nó có các-vi-sít của thầy đấy, có gì cần cứ phôn cho thầy nhé!” Rồi thầy ung dung ngồi trả lời điện thoại của một khách quen gọi đến: “Ra toà chưa? Lại hoà giải à? Thầy đã dặn em là cưới ngày 15 thì phải viết đơn cỡ chữ 15 cơ mà. Quên à, đấy, không nghe lời thầy là không được việc ngay đấy. Thôi, tối cứ đến, thầy lễ cho...”

 

Tự làm thày bói

 

Không chỉ bỏ công sức tìm đến các thầy số, thầy bói ở các ngõ ngách quanh co của Hà Nội, không ít nhóm sinh viên, học sinh còn tổ chức đi xem bói ở các tỉnh xa. Ngoài ra, nếu chịu khó la cà ở các quán xá gần các trường đại học, trung học, có thể dễ dàng bắt gặp từng nhóm sinh viên đang xúm quanh một thầy bói rong “hành nghề tự do” trên đường phố!

 

Thậm chí, chán làm thượng đế, nhiều học sinh, sinh viên lại thích tự bói cho mình và bạn bè. Các loại sách tử vi, sách dạy bói toán ... được phô tô đen sì, rồi các cô cậu học trò hăm hở truyền tay nhau, “săm soi” cho nhau trong giờ giải lao, thậm chí ngay giữa tiết học.

 

Giờ ra chơi ở trường phổ thông Phan Đình Phùng, mấy nữ sinh lớp 12 đang chúi đầu vào 1 tờ phô tô nhàu nát có ghi là “Bói... hắt hơi”. Đó là một bảng phân chia “điềm báo” các sự việc diễn ra của từng ngày trong tuần, dựa theo thời gian hắt hơi! Nào là ”hôm nay bạn bị tai nạn”, “có người đang để ý đến bạn”, “bạn đang thất tình”, “người ta yêu bạn”, “bạn sắp bị mất tiền”, “bạn nên tỏ tình ngay đi”(?!)...

Cô bạn tên Thuỷ phấn khích tra bảng: thứ ba, 9 giờ 15 phút sáng - “hôm nay bạn kém may mắn”. Cả nhóm bạn nhao nhao: “Đấy, sáng nay mày chả bị cô bắt lúc kiểm tra 15 phút sử là gì!”, rồi thì gật gù, tấm tắc: “bói đúng thật!”, nhưng tôi hỏi ai tổng hợp ra bảng bói này, kiếm ở đâu ra thì chẳng có cô cậu nào biết! Kì thi đại học đang đến gần, nếu cứ mất thời gian vào những chuyện bói toán nhảm nhí và thiếu cơ sở như thế này, chắc sẽ có không ít cô cậu học trò phải hối tiếc!

 

Sinh viên thì không ít người tin vào bói tú hay bói chén. T.Huyền, Dân lập Phương Đông không thể yên tâm khi làm gì mà không mang bộ bài ra bói trước. Thi đại học, bói. Thi học kì, bói. Đi phỏng vấn xin việc, lại bói! Đến cả chuyện yêu đương cũng đem chén ra bói nốt: “Mình bói tú thấy tuổi Dần và tuổi Thân không yêu nhau được, tử vi cũng bảo là “tứ hành xung”, nhưng mà vẫn cứ thử. Nhưng một năm trời lúc nào cũng cãi nhau, tháng trước mình chia tay bạn trai rồi”.

 

Tin hay không tin?

 

Đề cập đến vấn đề bói toán, có 2 ý kiến khác nhau: tin và không tin. Những người tin thì sẵn sàng lặn lội tìm thầy hay thầy giỏi, tìm được rồi thì không ngần ngại “bày tỏ lòng thành”, thầy phán năm nay có hạn thì lại càng thành tâm “giải hạn”.

Những người khác lại cho rằng: “Tớ không tin vào những chuyện bói toán vô căn cứ ấy, mất thời gian và tốn kém, lại còn lúc nào cũng nơm nớp sợ chuyện chẳng lành đến với mình nữa. Tốt hơn hết là giành thời gian và tiền bạc cho bói toán ấy để làm những việc có ích hơn như học thêm hay đi picnic với bạn bè chẳng hạn”, Phương Hiền, Đại học Ngoại Thương cho biết.

 

Vẫn biết tâm linh là một vấn đề nhạy cảm, nhưng mong sao mọi người, nhất là các bạn học sinh, sinh viên hãy biết nhận thức ranh giới giữa gieo quẻ lấy may với mê tín dị đoan, để đừng lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc vào những trò bói toán thiếu cơ sở khoa học mà tập trung vào nhiệm vụ chính là học tập và rèn luyện tri thức cho bản thân.

 

Lưu Thanh Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm