Sinh viên Kinh tế và cả ước mơ... không kinh doanh

(Dân trí) - Ước mơ trở thành doanh nhân triệu phú, một luật sư tài ba, một nhà môi trường học, ước mơ về một Hà Nội ngàn năm hay chỉ là một lối đi cho riêng mình… là những “bứt phá” trong suy nghĩ, cách nhìn nhận của sinh viên Kinh tế Quốc dân.

Không giới hạn chủ đề tìm hiểu, vòng chung khảo cuộc thi hùng biện Ước mơ của tôi do trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức tối 10/5 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên khối Kinh tế tại Hà Nội.

Xuất sắc vượt qua 100 ứng viên, 9 sinh viên tham gia vòng chung khảo đã đề cập đến những chủ đề rất thiết thực trong cuộc sống, thể hiện khát vọng, niềm tin của thanh niên về một nền kinh tế Việt Nam phát triển, những vấn đề nhức nhối của xã hội và những câu chuyện về cuộc sống thường nhật...

Anh Nguyễn Hoàng Hà (Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Đây là lần đầu tiên cuộc thi hùng biện Ước mơ của tôi được tổ chức tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân với mục tiêu giáo dục toàn diện về chính trị, tư tưởng, văn hóa, lý tưởng sống cho sinh viên…”.

Ước mơ trở thành doanh nhân triệu phú, một luật sư tài ba, một nhà môi trường học, ước mơ về một Hà Nội ngàn năm hay chỉ là một lối đi cho riêng mình… là những “bứt phá” trong lối suy nghĩ, cách nhìn nhận của sinh viên Kinh tế.
 
Sinh viên Kinh tế và cả ước mơ... không kinh doanh - 1
Sinh viên kinh tế và những ước mơ không trở thành nhà kinh doanh

“Tư duy quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định nhân cách và nhân cách quyết định vận mệnh. Trong cuộc sống này không có số mệnh mà chỉ có vận mệnh, vận mệnh sẽ do chính chúng ta tạo nên và bắt nguồn từ chính lối suy nghĩ hàng ngày của chúng ta”.

Tin vào điều đó, rất nhiều sinh viên đã mạnh dạn nói lên quan điểm cá nhân của mình, nói lên tư tưởng và hoạch định lối đi riêng để trở thành một người thành đạt trong tương lai, trở thành nhà môi trường học, trở thành một luật sư tài ba…

Đặc biệt, trong cuộc thi này, tất cả các sinh viên kinh tế bị cuốn hút và thuyết phục bởi sự hùng biện rất thực tế về văn hóa thường nhật trong “Ước mơ về một Hà Nội”.

Không gay gắt, không khô cứng, Ng. Susan (SV Công nghệ Thông tin 49) bắt đầu từ những dòng viết đầy hào sảng trong “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang cận kề.

Chất giọng nhẹ nhàng và hùng biện bằng những lời tự sự, trong bài hùng biện của mình, Ng. Susan dẫn chứng về văn hóa Hà Nội hào hoa, thanh lịch đang bị mai một qua thực trạng tòa Tháp Hòa Phong chằng chịt những nét bút xóa, những dòng chữ tạc trên bia đá Văn Miếu ngày càng mòn đi dưới bàn tay con người, chua xót khi nhìn những cành cây xơ xác vì hái lộc đầu năm, những bông hoa héo nát trong lễ hội phố hoa, tình trạng gắt hoa, bẻ hoa trong lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội...
 
Sinh viên Kinh tế và cả ước mơ... không kinh doanh - 2
Ng. Susan và "Ước mơ về một Hà Nội"

Từ nỗi băn khoăn, lo ngại đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long, liệu rằng sẽ có những công trình và tác phẩm văn hóa nào của Hà Nội còn nguyên vẹn? Ng. Susan đã kêu gọi sự chung tay của cả xã hội, cần đưa văn hóa theo cách gần gũi nhất vào đời sống và giáo dục trong nhà trường…

Ng. Susan kết thúc phần hùng biện của mình bằng một ước mơ:  “Nếu vua Lý Công Uẩn đã lập kinh đô Thăng Long từ 1.000 năm trước thì hãy để trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là lễ khởi đô thứ 2 xây dựng một Hà Nội mới: hiện đại, căng tràn nhựa sống mà vẫn sâu sắc thâm trầm. Một Hà Nội rất nồng nàn Hà Nội!”.

Bài hùng biện khiến tất cả sinh viên có mặt trong hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân phải trầm trồ về sự xuất sắc của một sinh viên, thanh niên cùng thời đại.

MC Lê Anh (thành viên Ban giám khảo cuộc thi Ước mơ của tôi) xúc động nhận xét: “Qúa hay! Tôi mê mẩn bài hùng biện của bạn!”.

Kết thúc cuộc thi, bài hùng biện xuất sắc “Ước mơ về một Hà Nội” của Ng. Susan được trao giải nhất, giải nhì và giải ba được trao cho các sinh viên hùng biện về ước mơ trở thành một luật sư tài ba, ước mơ có một lối đi riêng và ước mơ trở thành một nhà môi trường học.

“Chúng tôi rất bất ngờ và xúc động về những bài hùng biện của sinh viên. Cuộc thi là cơ hội để sinh viên thể hiện cái tôi của mình qua những ước mơ rất thật, là nơi giao lưu học hỏi rất hữu ích và thiết thực. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi này hàng năm và sẽ mở rộng cả về quy mô, nội dung, hình thức, ngôn ngữ” - Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Hoàng Hà cho hay.

Châu Như Quỳnh