Sinh viên khởi nghiệp với trang web dạy lập trình
Nhóm sinh viên Đại học FPT đã bắt tay xây dựng một website có các tính năng thân thiện, giúp người học tương tác hơn với bài học và hứng thú với lập trình.
Sản phẩm sáng tạo được nhóm Kadima gồm Phan Đăng Lâm (trưởng nhóm), Phạm Anh Tuấn, Len Văn Hậu và Nguyễn Ngọc Hà tham gia cuộc thi Star-up Uni và lọt vào vòng chung kết diễn ra vào ngày 3/11 tới đây tại ĐH FPT Hòa Lạc, Hà Nội.
Xuất phát là một nhóm gồm những cậu sinh viên năm 2, năm 3 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tham gia cuộc thi vì đam mê lập trình. Sau khi vượt qua những vòng loại, nhận thấy các thành viên còn thiếu nhiều kiến thức về quản trị tài chính và thương mại, nhóm Kadima quyết định bổ sung một thành viên về khối ngành kinh tế để cùng thực hiện đề tài.
Nhận ra việc học trên các trang web công nghệ ở Việt Nam không thực sự hiệu quả, nhóm Kadima chuyển sang sử dụng các trang web nước ngoài và rất thích những tính năng như lập trình trực tuyến trên website. Điều này giúp người dùng có thể thực hành những kiến mới học một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. Vì thế trang web lập trình mà nhóm muốn xây dựng sẽ có tính năng lập trình trực tuyến như các trang web nước ngoài đồng thời phát triển thêm các tính năng đặc biệt như việc tạo events. Những events này giúp người dùng có cơ hội áp dụng kiến thức đã học để tham gia những sự kiện mà website tạo nên. Website của nhóm cũng hỗ trợ việc ghi chép ngay trong từng phần của khóa học để người dùng có thể lưu trữ những thông tin mà mình đã được tiếp thu.
Ngoài ra, điểm nhấn của website nằm ở việc quản lý được tốc độ và hiệu quả học của học viên bằng những bài kiểm tra thông minh và được cung cấp từ chính các doanh nghiệp. Với những tính năng đó, người học sẽ hứng thú hơn đối với lập trình, và sản phẩm của nhóm có thể tạo nên sự khác biệt lớn hướng đến thị trường Việt Nam.
Thay vì chỉ hướng tới đối tượng là người dùng mới, chưa có kiến thức về CNTT như ban đầu thì sản phẩm sẽ có nền tảng chính là một trang web cung cấp các khóa học, điều này giúp mở rộng thị trường và phân khúc khách hàng của sản phẩm.
“Hướng phát triển mới này rất khác so với ý tưởng ban đầu nhưng vẫn giữ một trong những yếu tố quan trọng nhất: chú trọng vào thực hành. Đồng thời, nhóm muốn tạo ra giải pháp để giải quyết vấn đề thiết yếu nhất của người học, đó chính là việc làm. Doanh nghiệp có thể trực tiếp cung cấp khóa học để tuyển nhân viên thông qua mô hình này và người học hoàn toàn có thể có việc làm sau khi chọn được những khóa học chất lượng từ trang web.” – Trưởng nhóm Phan Đăng Lâm chia sẻ.
Điểm thú vị của đề tài này nằm ở việc kế thừa và phát triển. Kadima cho rằng, việc tạo ra một sản phẩm mới có tính khả thi cao từ một ý tưởng hoàn toàn mới là một điều cực kì khó khăn, nhưng nếu dựa vào sự kế thừa và phát triển từ một ý tưởng đã có sẵn để sáng tạo nên cái mới sẽ khiến sản phẩm trở nên khả thi hơn rất nhiều. Từ đó, trang web dạy lập trình trực tuyến đã được hình thành với những tính năng lập trình trực tuyến đầy hiệu quả và thông dụng ở những trang học tập ở nước ngoài nhưng có thêm những tính năng khác giúp người dùng có thể học một cách hiệu quả nhất.
Start-up Uni là cuộc thi khởi nghiệp do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc (HBI), Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Tp. HCM (SHTPIC) và Đại học Nông Lâm TP. HCM phối hợp tổ chức. Trải qua 2 vòng thi, 5 nhóm xuất sắc nhất đang bước vào vòng 3 của cuộc thi với sự hướng dẫn của các chuyên gia là các doanh nhân thành đạt. Buổi chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/11 tại Hà Nội.
PV