Sinh viên khiếp vía bởi hàng xóm “côn đồ”

(Dân trí) - Mời mấy người bạn đến thăm nhà trọ mới, Hiền hết hồn khi người đàn ông hàng xóm xăm trổ đầy mình đứng ra lớn tiếng dọa chém làm cả nhóm tái mét mặt mày.

Láng giềng “côn đồ”, SV tái mặt

Hôm đến xem căn nhà nhỏ nằm trong đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TPHCM), Hiền, ĐH Nguyễn Tất Thành cùng hai người bạn đã hơi ái ngại khi thấy người đàn ông nhà bên cạnh đầu trọc lóc, xăm trổ đầy mình, bề ngoài đã là... giang hồ đích thực. Nhưng thích căn nhà khép kín giá rẻ, gần trường nên ba người vẫn quyết định thuê ngay. Khi đến ở, họ mới thấy “ớn” tận xương sống.

Phòng trọ nơi Hiền và hai người bạn thuê phòng sát vách với hàng xóm là dân giang hồ.

Phòng trọ nơi Hiền và hai người bạn thuê phòng "sát vách" với hàng xóm là dân giang hồ.

Chung một lối đi SV ở đây luôn bị ông ta gây khó dễ mỗi khi ra vào. Nhiều hôm nhà bên cạnh dựng xe ngay lối ra vào, ngay trước cửa nhà mình, SV gọi nhờ dắt xe thì bên kia vẫn làm thing không lên tiếng.
 
Khi Hiền và hai người bạn dịch chiếc xe để tìm cách vào nhà thì người đàn ông trợn mắt hằm hè vì tội “dám động đến xe của tao”. Không muốn tranh cãi, họ phải gửi xe bên ngoài, chờ đến giữa đêm nhà kia dắt chiếc xe “rào chắn” vào mới lục cục đi lấy xe của mình.

Mới đây, Hiền mời mấy người bạn cùng lớp đến cho biết chỗ ở. Đang lúc loay hoay mở cửa, người đàn ông nọ từ trong nhà đi ra, đột nhiên chỉ vào mặt mấy đứa chửi: “Đ.m, ở đây mà đưa người đến chơi tao chém có ngày” làm ai nấy đều sợ tái mặt.

“Ông ta vừa ra tù vì tội đánh người nên thật sự bọn mình rất ngại, không dám tranh cãi lý lẽ. Bao nhiêu người đến đây ở đều “ớn” ông này mà chuyển đi, chính chủ nhà cho bọn mình thuê cũng vì ông hàng xóm này mà bỏ nhà đi nơi khác ở”, Hiền rùng mình kể.

Đến ở chưa được nửa tháng, Hiền và hai người bạn chấp nhận mất tiền cọc, trả nhà vì không thể chịu nổi tâm lý vừa ở vừa sợ hãi như vậy. Hiền rút kinh nghiệm, tìm nhà trọ cũng cần phải để ý hàng xóm là người thế nào.

Ăn ngủ không yên vì hàng xóm

Thuê được căn nhà chung cư mini ở đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TPHCM), cả phòng của Lan, cựu SV trường CĐ Phát thanh truyền hình cũng sống trong cực hình vì nhà sát vách.
 
Nhà nhỏ nên hai vợ chồng này thường xuyên bày biện bếp núc ngay hàng lang nhỏ xíu để nấu nướng, rất bất biện cho SV đi lại. Rồi đêm hôm vợ chồng cãi lộn, chửi đánh con họ cũng lôi nhau ra hành lang, dùng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa cứ vậy dội vào tai SV, nghe rất chối.
 
Nếu SV nào góp ý lập tức cũng bị “ăn chửi” ngay nên họ đành chống chọi bằng cách làm ngơ, khi họ cãi nhau thì đeo tai nghe nhạc. Tuy nhiên, thế vẫn không được yên.
 
Lan kể, bà vợ thường xuyên đốt vàng mã bay hết vào nhà người khác. Hàng ngày bà ta không để bịch rác đúng chỗ mà hồn nhiên ném tung tóe ngay trước của phòng của Lan làm họ vô cùng mệt mỏi.

Hàng xóm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của SV thuê trọ

Hàng xóm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của SV thuê trọ.

Khi mới chuyển đến căn nhà thuê ở đường Lê Quang Định (Q. Bình Thạnh), Nguyễn Đức Anh, SV trường ĐH Thủy lợi không hiểu sao nhà hàng xóm cách chỗ mình đến mấy căn nhà luôn tìm cớ gây sự với SV. Sáng và chiều tối, người phụ nữ tên Hường tầm trên 50 tuổi đều lượn lờ trước cổng để chửi người thuê nhà dù không có hề có bất cứ va chạm hay mâu thuẫn gì.

Chỉ cần cô câu SV nào nói lại một lời, bà ta lấy cớ chửi to hơn, bảo mấy đứa này láo toét đến thuê nhà gây rối mất trật tự nên cả nhóm SV 5 người chọn cách “không nghe không thấy”. Đã vậy, họ còn khổ sở phải sống chung với hiện tượng lạ như nhà thường xuyên bị ném phân, chuột chết, tường nhà bị ném đầy bùn đất…

“Tuy không thích cô Hường nhưng bọn mình không nghĩ là cô ấy làm trò này vì chúng mình toàn mới chuyển đến đây đâu thù oán gì với cô ấy. Nhưng cách đây mấy hôm, một anh trong nhà đi dạy về muộn thấy rõ hai mẹ con cô ấy đang ném rác vào căn nhà bọn mình thuê”, Đức Anh kể.

Họ báo với chủ nhà thì mới hay, căn nhà họ đang thuê trước đây là nhà của cô Hường bán lại. Giờ nhà đất lên giá đắt hơn gấp mấy lần hồi bán nên cô Hường ấm ức. Thế nên, ai đến ở cô ta cũng tìm gây khó dễ như để “dằn mặt” chủ nhà. Nhiều người đến đây thuê, không chịu được cảnh “tra tấn” oan uổng đó, phải chuyển đi chỗ khác.

Lâu nay SV tìm nhà trọ chú ý nhiều đến giá phòng, tính cách chủ nhà, khu vực an ninh hay không… Tiêu chuẩn “sát vách” chính là những người hàng xóm lại ít được để ý, xem xét trong khi đây sẽ những người SV đối mặt hàng ngày, tác động rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt.
 
Thậm chí, có những SV từng nảy sinh mâu thuẫn hay có gây gổ với hàng xóm vì những chuyện không đáng có. Để tránh những điều đáng tiếc hay khó xử với láng giềng, khi tìm nhà trọ, SV nên để ý, hỏi han thêm đến lối sống, cách ứng xử của hàng xóm xung quanh.

Lê Đăng Đạt