Sinh viên gian truân... học nói

Đan Thy (K48 Báo chí - ĐH KHXHNV Hà Nội) cho biết: “Ở lớp em, các gương mặt đủ tự tin đứng lên thuyết trình và thuyết trình tốt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giờ trình bày, thảo luận cũng từng ấy người tham gia sôi nổi. Nhiều bạn khác đến cho có mặt rồi ngồi... dự thính”.

Nhiều cử nhân tốt nghiệp ra trường vẫn thiếu tự tin. Một lý do quan trọng: họ chưa hề được tập nói trước đám đông!

Không dám nói nên không dám làm

Cũng theo Thy, một buổi thảo luận thường diễn ra dưới hình thức chia nhóm, sau đó, nhóm trưởng sẽ tổng hợp ý kiến và thay mặt mọi người lên thuyết trình.

Vì thế, các thành viên thường ỷ lại nhóm trưởng. Họ cũng có cơ hội trình bày nhưng lại hay từ chối với lí do" ngại, không quen nên không nói được" hay "trình bày không tốt sợ làm ảnh hưởng đến điểm số của cả nhóm".

Thế nên, đã có SV suốt 4 năm học chưa từng một lần đứng trên bục giảng thuyết trình. Đến kì bảo vệ luận văn, lúng túng không biết trình bày cái gì, nói thế nào về vấn đề mà mình đã bỏ công nghiên cứu mấy tháng trời.

Ở lớp NB4 - 06 (Khoa tiếng Nhật, ĐH Hà Nội), mặc dù SV nhiệt tình và hứng thú với những buổi thảo luận nhưng lại chưa biết thuyết trình đúng cách.

"Hầu hết các bạn đều được phân công thuyết trình luân phiên ở nhiều môn. Tuy nhiên, khi lên bục giảng lại cầm giấy đọc một mạch những gì đã được chuẩn bị sẵn. Đến lúc các bạn ở dưới phản biện thì không thể trả lời được câu hỏi vì không nắm chắc vấn đề”, Vũ Thanh Huyền, một SV của lớp cho biết.

Cơ hội được nói, được thuyết trình của SV còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị ở từng trường. Nguyễn Văn Hạnh (K50 Ngôn ngữ - ĐH KHXHNV Hà Nội) kể: "Mỗi phòng chờ của các dãy giảng đường chỉ được trang bị hai máy chiếu. Muốn thuyết trình bằng slide hay power point cũng khó khăn".

Thêm nữa, lí do khiến SV  ít có cơ hội trình bày, thảo luận các vấn đề của môn học còn bởi từ phía giảng viên.

Thầy Nguyễn Việt Hòa, giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội cho rằng: "Nếu thầy, cô nào không chuyên tâm, không đầu tư thời gian vào môn học thì họ sẽ rất ngại cho SV đứng lớp thuyết trình. Bởi làm như vậy, giảng viên phải chuẩn bị lên lớp khá kĩ lưỡng".

Điểm mạnh để thành công

Trong nỗ lực hỗ trợ kỹ năng sống cho SV, một số trường ĐH đã bắt đầu chú trọng tổ chức các hoạt động cho SV về nội dung này.

Nguyễn Viết Hùng (Khoa Luyện kim - ĐH Bách khoa Hà Nội) cho hay: "Gần như suốt năm năm học, bọn tôi có rất ít những buổi thuyết trình hay thảo luận. Giờ ra trường, làm cho một công ty kinh doanh vật liệu công nghiệp, phải tiếp xúc nhiều với khách hàng mới thấy mình thiệt thòi hơn so với sinh viên trường khác".

Nguyễn Trà My (SV năm thứ 3, khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương) ngay từ năm đã được làm quen với cách thuyết trình trên lớp ở các môn đại cương. Khi học chuyên ngành, hầu hết các môn đều được học theo cách SV tự tìm hiểu và thuyết trình.

Trường còn liên kết với Trung tâm Tâm Việt, tổ chức cho SV học kĩ năng nói, lắng nghe và biểu đạt ý ngoài ngôn từ. Những cuộc thi hùng biện của các câu lạc bộ SV thường xuyên được tổ chức.

SV Học viện Quan hệ quốc tế cũng được đánh giá cao ở kĩ năng này. Nguyễn Hoàng Hợp (D28 - Khoa Kinh tế quốc tế - Học viện Quan hệ quốc tế) chia sẻ: "Học thuyết trình, cái mà em học được lớn nhất là cách bảo vệ ý kiến của mình. Không quan trọng ý kiến của mình là đúng hay sai, quan trọng ở cách chứng minh, bảo vệ ý kiến của mình thật thuyết phục".

Hợp nói thêm: "Có thể  trình độ của em không bằng nhiều người nhưng em đã vượt qua được rất nhiều cuộc phỏng  vấn nhờ thuyết phục được nhà tuyển dụng để họ tin rằng, mình có thể làm được việc". Hiện Hợp đã vượt qua con mắt của một nhà tuyển dụng khó tính và  đang làm ở Phòng xúc tiến thương mại Hàn Quốc thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc.

Không được học ở nơi có môi trường rèn luyện kĩ năng thuyết trình tốt nhất, Nguyễn Tuyết Nhung (Lớp Văn hóa du lịch 10B - ĐH Văn hóa) rèn luyện khả năng giao tiếp và lấy được sự tự tin trước đám đông bằng các hoạt động đoàn thể, tham gia các cuộc thi.

Học chuyên ngành văn hóa nhưng Nhung lại là một trong những thí sinh cuối cùng của cuộc thi về kiến thức Marketing trên kênh VTV3. Bí quyết của thành công, theo Nhung, vẫn là ăn nói tự tin và không ngại thể hiện những khả năng có được của mình.

TS. Phan Quốc Việt (Giám đốc Trung tâm Tâm Việt, một trung tâm đào tạo kĩ năng thuyết trình có chất lượng ở Hà Nội) cho rằng: "Khả năng thuyết trình tốt đóng góp đến 70% thành công cho một cuộc giao tiếp. Giao tiếp thành công thì sẽ đạt được hiệu quả công việc cao. Đó là kĩ năng, nhưng hơn hết, bạn phải biến kĩ năng đó thành điểm mạnh cho mình".

Theo Khuất Thế Đạt
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm