Sinh viên đua đòi đi “ca 3”

“Nhậu xong, hát xong mà không có món ấy thì cứ thấy thiếu thiếu”, Hoàng (SV Đại học Bách Khoa Hà Nội) vừa thanh toán tiền hát Karaoke, vừa nói.

 
Sinh viên đua đòi đi “ca 3”  - 1

Có rất nhiều hệ lụy đi sau cuộc vui chóng vánh "ca 3" (cách nói về những cuộc chơi bời "hậu" nhậu nhẹt), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, học tập và nhất là hình ảnh của một sinh viên đàng hoàng. Vì thế hãy nên tránh xa những lời mời "ca 3" nguy hiểm này. (Ảnh: Trước cửa một quán tẩm quất ở phố Vọng)

 

“Mốt” đi “ca 3”

 

 Những bước đi lảo đảo, giọng ngà ngà say, Hoàng tiến ra chiếc xe Air Blade mới, khoác tay bảo đám bạn: “Hôm nay sinh nhật tao, cả bọn chuẩn bị đi ca 3, tao trả tiền …”. Thế là cả nhóm bạn của Hoàng lên xe phóng đi đến một quán tẩm quất ở Phố Vọng.

 

Tháng nào cũng vậy, mỗi lần có tiệc tùng gì là nhóm của Hoàng lại kéo nhau đi ca 3, nếu không đi thì cứ thấy “thiếu thiếu, khó chịu”. Riêng với Hoàng, đi mát xa kiểu này cũng là một cách giải khuây, giảm stress rất hiệu quả.

 

Cậu cho biết, các nhân viên ở đây, phần lớn là các cô gái trẻ từ miền Tây, biết cách ăn nói và cũng biết cách chiều khách hết mình. Chỉ cần 15 phút là bao nhiêu mệt mỏi “bức bối”, khó chịu đều có thể tan biến.

 

Tuy nhiên, các “tuyệt chiêu” mà các ả đào tung ra để chiều khách ấy chỉ đến Y thôi, còn muốn đến Z thì phải thêm tiền.

 

Sành điệu hơn, Quang (ĐH Xây Dựng), sau khi đã say men rượu thường tìm đến các quán tẩm quất để tìm “em” đi từ A đến Z. Theo Quang, cậu muốn có cảm giác thật, như thế mới giải đen được. Mỗi lần đi như vậy, tính cả tiền nhà nghỉ, tiền trả cho chủ quán tẩm quất và tiền bo cho mỗi em tiếp viên thường khoảng 250 ngàn đồng.

 

“Mỗi tháng mới có vài lần tụ tập vui vẻ, nên không đi cũng phí. Mà thời nay chuyện “thư giãn” kiểu này đã thành mốt rồi, ai từ chối thì bị coi là “quê”, là không nhiệt tình”, Quang cho biết.

 

Kết quả của những cuộc chơi là Hoàng và Quang thường phải nói dối, xin thêm tiền của bố mẹ. Có tháng đi nhiều phải xin thêm bố mẹ vài triệu mới đủ.

 

10 giờ tối, khi các ánh đèn cao áp bắt đầu sáng thì cũng là lúc hai bên Phố Vọng nhan nhản những ánh đèn mờ ảo xanh đỏ phát ra từ những tấm biển “Tẩm quất thư giãn, massage máy lạnh”.

 

Trong vai một sinh viên đi “thư giãn, tầm quất”, loanh quanh một vòng Phố Vọng, đi qua mặt tiền những quán mờ tím được mấy thanh niên đầu tóc vàng hoe có nhiệm vụ tiền trạm trước cửa mời chào: “Vào đây ông anh ơi, "hàng" đủ thứ hạng đảm bảo ông anh thích. Phòng lại có máy lạnh mát rượi”.

 

Đột nhập chốn “lầu xanh”

  

Từ trong, các cô thập thò thi nhau vẫy tay mời mọc, mặc cũng như không đứng trước cửa xoay vài vòng rồi ra hiệu chỉ tay lên tầng trên. Theo như lời giới thiệu của mấy tay “chào khách” thì giá chung tẩm quất, thư giãn ở Phố Vọng là 120 nghìn đồng cho một lần 40 phút, thậm chí thời gian còn ngắn hơn.

 

Khách bị lôi tuột vào trong, chưa kịp ngồi ấm chỗ, đã có đến hơn 10  cô đào mặt đầy son phấn, ăn mặc “thiếu vải” khiến ai nhìn cũng phải “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”, xếp thành một hàng dài trước mặt khách.

 

Rồi bà chủ quán tiếp lời: “Em chọn đi, chọn nhanh không hết  "hàng" đẹp đấy. Khách của chị toàn là sinh viên nên giá rất “mềm”, 120 nghìn đồng một lần, muốn gọi mấy em lên cũng được nhưng phải “bo” thêm đấy nhé. Còn muốn “sung sướng” nữa thì xuống đây, chị chọn nhà nghỉ cho rồi đi”. Nói rồi chủ quán nháy mắt ra hiệu cho các em tiếp viên lại gần âu yếm khách.

 

Trong khi tôi đang ngượng ngùng, phân vân thì một nhóm sinh viên “mặt búng ra sữa” từ trong đi ra, một cậu “già” nhất hội ghé vào tai tôi thì thầm: “Anh cứ lên đi, sướng lắm!...”.

 

Theo lời cô gái thì khách của cô chủ yếu là sinh viên, sau mỗi khi tụ tập tiệc tùng, họ lại kéo đến để tìm cảm giác lạ, giải khuây và “xả stress”.

 

“Những người lần đầu mới đến như anh thì còn ngại ngùng, rụt rè. Nhưng sau đấy, 1 tháng mà không đến đây vài lần thì thường không thể chịu nổi. Vì thế bọn em ở đây toàn khách quen”...

 

Theo Nguyễn Yến - Xuân Trung

Bee.net.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm