Sinh viên đi phụ hồ

(Dân trí) - Xoạc… xoạc…! Từng xẻng cát được Minh xúc đổ đầy lên chiếc xe ủi. Hết chở cát, bàn tay thoăn thoắt của Minh lại chở gạch, trộn hồ, vác xi măng… Dưới cái nắng ban trưa của Sài Gòn, những khuôn mặt “non choẹt” của mấy cậu sinh viên đi phụ hồ nhễ nhại mồ hôi.

Nghỉ hè, đi phụ hồ thôi!

 

Đến hẹn lại lên. Vừa dứt môn thi cuối cùng, nhóm bạn của Minh lại xắn tay áo vào công việc mới. “Địa điểm tập kích” là khu nhà xây dựng cho cán bộ công chức trên đường Lê Văn Việt, Quận 9, TPHCM.

 

Trong khi bạn bè cùng lớp thi xong, lên kế hoạch cho chuyến đi dã ngoại thì Minh lại ngày ngày ra công trình.

 

Việc làm trong hè cho sinh viên không hiếm lắm. Nếu chịu khó đi tìm, hỏi thăm các trung tâm giới thiệu thì đầy. Nhiều người đi dạy kèm, phục vụ nhà hàng, quán bar… “Tụi mình thích đi phụ hồ hơn. Tuy có vất vả, nặng nhọc nhưng cuối tuần là có tiền. Chứ đi dạy kèm phải qua trung tâm giới thiệu tốn nhiều chi phí lắm!” - Minh giải thích.

 

Những bàn tay mới ngày nào còn cầm bút ngúng nguẩy trên ghế nhà trường nay đã chai sần, rám nắng. Khánh “công tử” phủi phủi mấy vạt xi măng dính trên áo cười: “Mệt lắm, nhưng đi phụ hồ vài tuần là cơ bắp nổi đầy người. Trước đây mình ốm teo. Xách hồ mấy hôm, "con chuột" bự rồi”… Vừa nói, Khánh vừa xăn tay áo lên khoe bắp tay với chúng tôi.

 

Có nhiều bạn xem công việc như là thực tập sau những giờ đã học. Vốn là con của một nhà thầu tầm cỡ, học ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng nên Tùng rất hăng hái khi được Minh rủ đi phụ hồ. Ngoài việc chở gạch, trộn hồ, Tùng còn được anh cai công trình cho đi làm sắt, được cầm cái bay để xây tường…

 

Đầu đội mũ cối, da ngăm đen để lộ hàm răng trắng, mọi ngõ ngách của công trình Tùng đều “nghiên cứu” kỹ. “Được vận dụng kiến thức trong nhà trường vào thực tế. Vừa cầm bản vẽ vừa xem cách thi công thì mình sẽ học hỏi được rất nhiều. Đây là cơ hội để thực tập”- Cậu kỹ sư tương lai chia xẻ.

 

Nắng mưa nơi công trường

 

Sinh viên đi phụ hồ - 1

Nhọc nhằn nhưng rất vui "vì mình đã tự lo được cho bản thân".

Theo chân Dũng, sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật, vào công trình trên đường Lạc Long Quân, Tân Bình. Sài Gòn mấy hôm nay sáng nắng chiều mưa nên nhìn đâu cũng thấy mấy tấm bạc phủ tường. Một nhóm đang hốt xà bần đổ lên xe ba gác. Mới sáng mà mồ hôi ướt sũng cả áo. Mấy cậu “mì tôm” (biệt danh của chú nhà thầu đặt cho những sinh viên) nhỏ xíu mà cừ thật.

 

Xúc lia lịa rồi nhảy tọt lên ba gác đi. Dưới nền nhà, gạch đá ngổn ngang. Ghê nhất là mấy tấm ván cốp-pa chỉa mủi đinh lên, nhìn thôi đủ lạnh cả người. Một kho chất đầy xi măng. Mỗi người “khởi động” ngày làm bằng một bao xi 50kg. Vừa vác nặng mà phải theo đường cầu thang vừa làm, không có rào chắn lên đến lầu 3 công trình. Trông thật nguy hiểm.

 

Làm thợ phụ phải đến sớm hơn thợ chính. Làm quần quật không nghỉ. Mới sáng vác vài bao xi lên tầng 3 đã bở hơi tai lại quay sang chở cát, gạch, bơm nước, trộn hồ…

 

Vì nhà trọ tận thủ Đức nên khi lên Tân Bình làm, Dũng phải ở lại công trình. Đêm ngủ trong căn phòng trống huơ, mùi gạch, vôi vữa và hơi nước bốc lên. Dũng cùng một số anh em lấy bao xi măng làm chiếu, kê viên gạch làm gối mà ngủ ngon giấc. Bữa ăn trưa đạm bạc giữa thành phố. Rau muống luộc chấm mắm là bất di bất dịch. 

  

Ngày Chủ nhật ở công trình được nghỉ. Thế là Dũng đón xe buýt về Nhà nghỉ Du Lịch Công Đoàn Thủ Đức phục vụ tiệc cưới. Khi được hỏi có dự định gì nữa trong hè, Dũng mím môi bật mí: “Đứng trên công trình, thấy học sinh đi thi mà nhớ tụi nhỏ ở Trà Vinh quá. Em dành tiền để đi Mùa hè xanh chuyến nữa, về thăm tụi nó”.

 

Nói xong, Dũng chạy nhanh xuống bãi nơi chiếc xe ben đang đổ cát.

 

Nhìn Dũng đẩy chiếc xe rùa chở đất, chú Tân – chủ thầu tâm sự: “Mấy cậu sinh viên ở đây giỏi lắm, năng động, sáng tạo. Ngày xưa đi học, tôi cũng đi làm, vất vả nên mình thông cảm với mấy em”.  

 

Mỗi người một tâm trạng

 

Cũng có 1001 lý do sinh viên đi phụ hồ. Nhưng tựu trung lại, ai cũng muốn tự lập bản thân, kiếm tiền để trang trải chi phí ăn học. 

  

Nguyễn Tý Oanh (CĐ Kinh Tế Kỹ thuật Công nghiệp II, Q9) vừa kết thúc đợt thực tập đã đi phụ hồ. Trong thời gian đợi kết quả phỏng vấn, Oanh phải lên tới Khu Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân để làm. Nhờ có chú đi thầu nhà, nên công việc của Oanh chỉ là coi công và phụ giúp nấu ăn cho anh em thợ. “Sắp ra trường rồi, phải tự kiếm tiền. Mấy năm ăn học ba mẹ gửi tiền vào nuôi. Bây giờ, chẳng lẽ để gia đình lo hoài hay sao?” –  “ông cụ non” tâm sự.

 

Còn với Phạm Phương Hoài (Đại Học Công nghiệp IV) thì: “Hè này phải ì lưng ra mà làm  để kiếm tiền mua lại xe thôi anh ơi!” . Hôm 19/6, đang đi xe trên đường Cộng Hòa đến trường, thì có hai người hỏi địa chỉ. Một người xưng là hải quân ở đảo mới về tìm người thân. Thương hai người đàn ông ở tuổi 60, Hoài tình nguyện dẫn đường. Nào ngờ hai “ông già đáng thương” đã lợi dụng sơ hở của Hoài, cỗm đi chiếc Ware, cặp sách, điện thoại di động và giấy tờ xe đi biệt tích. “Em có lỗi với ba má ở quê quá. Em phải đi làm để mua lại. Chứ ba má biết được sẽ buồn lắm!”

 

Cùng làm với Oanh có Phú, sinh viên Khoa Kinh tế (ĐHQG). Ba mẹ ly thân từ khi Phú lên 10 tuổi. Một mình mẹ tảo tần nuôi ba anh em Phú ăn học. Nhưng cái miền quê nơi đất Quảng, dẫu lam lũ cả đời cũng không nuôi nổi các con đang độ tuổi ăn học. Trầm trầy trầm trật qua vài lần dang dở giữa việc học và việc làm, Phú cũng vào được Đại học.

 

Anh thợ hồ tên Phú dáng người dong dong, ít nói, có đôi mắt buồn khó có ai ngờ hiện là sinh viên. “Mình mong đây là cái nghề để mà nuôi tấm thân qua thời sinh viên. Còn công việc khi ra trường mới là cái nghiệp”. Cùng với cây bút, cái bay, cây thước, bàn chà…ước mơ của Phú lớn dần theo những lớp gạch đang xây.

 

Ngô Công Quang