Sinh viên đi karaoke

(Dân trí) - Một cách xả stress hiệu quả và ít tốn kém thu hút khá nhiều sinh viên đó là đi hát karaoke. Nhiều khi hát sai nhạc, sai lời nhưng karaoke đã làm cho những buổi tụ tập trở nên vui hết cỡ. Tuy vậy, đằng sau đó vẫn có những chuyện đau lòng xảy ra.

Nhạc đằng nhạc, lời đằng lời: Vẫn hăng!

Sau tiết học cuối tuần, mỗi đứa góp 10.000 - 20.000 đồng, năm cô nàng lớp báo in Học viện Báo chí Tuyên truyền lại kéo nhau tới con phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Đông- Hà Tây) để hát.

Thu Hương - cô nàng có phong cách ăn mặc khá “hầm hố” trong nhóm cho biết: “Cứ khi nào cả hội học hành căng thẳng muốn xả stress, thi kết thúc học phần hoặc ai đó có nhuận bút thì lại chọn đi karaoke. Xuống đó hơi xa một chút nhưng rẻ hơn nhiều so với hát ở trên phố”.

Cánh sinh viên có tai mắt ở mọi nơi nên hễ những quán nào rẻ, “có chất” là phải “săn” bằng được. Theo Nguyễn Tuấn Lê - sinh viên Cao đẳng kinh tế các quán “tủ” mà các cô cậu hay lui tới là các quán ở phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Đông - Hà Tây), phố Nguyễn Huy Tưởng, phố Triều Khúc…

Nguyễn Thị Hiền - chủ quán Hà Linh (phố Huỳnh Thúc Kháng) cho biết : “Hát vi tính 35.000 đồng/giờ, hát chọn bài thì 60.000 đồng/giờ”. “Đến hát ở đây, tụi mình cũng được mang đồ ăn vào”, Mai - sinh viên Đại học Hà Nội khệ nệ sách túi đồ ăn vào phòng. Cô Hiền cười: “Sinh viên hát nên gọi ít đồ lắm, chủ yếu tự mang đồ đi. Kể cả không gọi đồ uống thì vẫn phục vụ nhiệt tình”.

Gần đây, nhiều sinh viên thay vì tổ chức sinh nhật bằng những bữa tiệc tùng ăn uống, rượu chè bằng việc khao bạn bè một “chầu” karaoke. Thành - Đại học Kiến trúc Hà Nội vui vẻ: “Tuần trước sinh nhật mình. Cả hội kéo nhau đi hát. Chỉ mất hơn 100K thôi nhưng tha hồ “khai quật” tài năng lại được hát hò xả láng”.

Thành kể thành tích lần đầu tiên đi hát: “Nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời mà vẫn đạt đẳng cấp Pro… Rồi sinh nhật lũ bạn đứa nào cũng thích đi karaoke thôi, mình nghiện karaoke lúc nào không biết”. 

Những góc buồn

Nhiều người vẫn có ác cảm khi cánh sinh viên đi karaoke. Lan (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Nhiều khi cứ nói đến karaoke là nghĩ đến những kẻ chơi bời. Bởi chúng ta luôn tưởng tượng đến “Karaoke, đèn mờ, cà phê ôm”. Nhưng tụi mình sinh viên chỉ karaoke vì nó rẻ lại xả được strees”.

Tuy nhiên, trong chuyện sinh viên và karaoke cũng xảy ra không ít những đau lòng. Cả xóm trọ sinh viên làng Phùng Khoang tới giờ vẫn có người nhớ về cô sinh viên Thanh Hồng kiêm nhân viên quán karaoke.

Hồng hàng ngày vẫn lên giảng đường và trông rất giản dị. Nhưng một lần, nhóm sinh viên nam cùng xóm trọ tới một quán karaoke ở Hà Đông thì thấy một cô gái quen quen. Tính tò mò trỗi dậy, Nam (Cao đẳng Xây dựng) “cầm đầu” nhóm con trai bạn quyết tâm điều tra cô bé ngoan phòng kế bên.

Theo như lời một bồi bàn, nàng Hồng chính là nhân viên phục vụ “nhạc sống” cho quán. Bẵng đi một thời gian, cả xóm trọ thấy cô xanh xao dần, sau đó mới biết cô bé học năm cuối ngành Bảo tàng - ĐH V. đã nhiễm HIV.

Còn chuyện của Khánh Nam - sinh viên Đại học Xây dựng cũng thật đáng nhớ. Một lần cùng cánh bạn đi karaoke, Nam đã không kiềm chế được khi “tay vịn” quá gợi cảm. Sau lần đấy Nam thấy phần kín có vấn đề, đi khám mới biết mình đã bị lây bệnh lậu. Do uống kháng sinh nhiều nên cậu sinh viên thư sinh giờ trông như con cá mắm.

Karaoke là một hình thức sinh hoạt giải trí rất tốt, nhưng vì lợi nhuận mà không ít nhà hàng, quán bar, quán karaoke hàng đã có những hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Ranh giới mỏng manh giữa giải trí và cám dỗ đã khiến ít nhiều các cô cử, cậu cử từ đi hát phải “bỏ cuộc chơi” khi tương lai đang rộng mở.

Minh Thuỷ