Sinh viên đặt cọc tiền triệu, "chủ nhà trọ" bỗng...mất hút

Quang Trường

(Dân trí) - Trong thời điểm tân sinh viên từ các tỉnh về Hà Nội nhập học, vấn đề tìm nhà trọ lại "nóng" hơn bao giờ hết.

Trước thềm năm học mới, nhu cầu thuê nhà trọ tăng cao, nhiều sinh viên đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo khi bị bắt buộc đặt cọc tiền phòng.

Tìm phòng không xong, gánh thêm khoản nợ

Bạn Lê Thị Thảo, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội đã tranh thủ 2 ngày cuối tuần để tìm phòng trọ. Nữ sinh tìm đến từng ngõ ngách các khu Trần Bình, Mỹ Đình, Cầu Giấy. Chuyển trọ trong thời điểm tân sinh viên các tỉnh "đổ về" Hà Nội nhập học, Thảo khó tìm được phòng mới phù hợp.

Thảo cho biết, lúc 12h đêm ngày 19/9, em thấy một tài khoản đăng bài cho thuê phòng trọ giá rẻ trong một nhóm trên mạng xã hội. Ảnh chụp cho thấy phòng sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, có thể ở ghép từ 2 - 3 người.

"Mình thấy đó là cơ hội không thể bỏ lỡ nên đã nhanh chóng nhắn tin cho người đăng bài để hỏi thuê", Thảo nói.

Sinh viên đặt cọc tiền triệu, chủ nhà trọ bỗng...mất hút - 1
Tân sinh viên "khăn gói" đi tìm nhà trọ (Ảnh: Quang Trường).

Người tự xưng là chủ nhà tên Phong yêu cầu Thảo gọi điện để trao đổi, anh không làm việc qua tin nhắn. Anh ta còn nhắn thêm: "Có nhiều bạn nhắn hỏi thuê phòng quá". Thảo lo nếu không chốt nhanh thì sẽ hết phòng nên đã chấp nhận đặt cọc trước 1,5 triệu đồng.

Chuyển tiền cọc xong, đầu dây bên kia nhắn Thảo tới xem phòng vào sáng hôm sau. Thảo không quên yêu cầu "chủ nhà" gửi hình ảnh căn cước công dân để làm tin.

Tuy nhiên, Thảo chưa kịp lưu thì Phong đã xóa ảnh, anh ta lấy lý do là mình lỡ tay xóa. Trước đó, Thảo thấy tên trên căn cước công dân trùng với tên tài khoản Facebook và ngân hàng của Phong nên không nghi ngờ.

Sáng hôm sau, Thảo bất ngờ khi thấy Phong đã chặn tài khoản Facebook của mình. Lúc này, nữ sinh đoán ra mình bị lừa.

"Em gọi lại cho Phong thì không liên lạc được. Lúc đầu, để chắc chắn, em đã xem rất kỹ trang cá nhân của anh ta trên mạng xã hội. Tài khoản này có ảnh đại diện và ảnh bìa là ảnh cưới, những bài viết đăng cách đây không lâu nên em rất tin tưởng", Thảo cho biết.

Ngay khi biết mình bị lừa, Thảo đã đăng bài lên các hội nhóm trên mạng để cảnh báo mọi người. Kèm theo bài viết là ảnh đại diện tài khoản Facebook của Phong. Sau đó, một tài khoản khác đã liên lạc với Thảo, nhờ em gỡ hình ảnh đó. Người này cho rằng, "anh Phong facebook" đã sử dụng hình ảnh của mình để lừa đảo.

"1,5 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với em. Chuyển nhà xong, em còn phải lo mua sắm đồ đạc, đặt cọc nhà mới nữa. Hiện tại, em đang phải tằn tiện, cắt bớt một số nhu cầu cá nhân để bù lại số tiền đã mất", Thảo ấm ức.

Sinh viên đặt cọc tiền triệu, chủ nhà trọ bỗng...mất hút - 2
Nhiều sinh viên cảnh giác trước những tờ quảng cáo không ghi thông tin cụ thể (Ảnh: Quang Trường).

Sau khi đăng bài cảnh báo trên mạng xã hội, Thảo biết được có ít nhất 10 người là nạn nhân của Phong, với cùng một chiêu trò lừa đảo.

Lê Nguyễn Hải Yến (Quảng Ninh) là một nạn nhân tương tự. Từ Quảng Ninh lên Hà Nội, Hải Yến tìm phòng chủ yếu qua mạng do chưa quen đường xá Thủ đô. Tuy nhiên, em không những không tìm được phòng mà còn gánh thêm một khoản nợ.

Ngày 19/9, Hải Yến liên lạc với chủ nhân bài đăng cho thuê phòng trọ giá rẻ. Người này hẹn Yến đến xem phòng, mang theo căn cước công dân để đăng ký tạm trú. Đồng thời, Yến phải đặt cọc trước 1 triệu đồng để giữ phòng, nếu không sẽ hết phòng.

Người tự xưng là chủ nhà trọ báo giá phòng là 3,5 triệu đồng/tháng, 3 nghìn đồng/số điện, 10 nghìn đồng/số nước, địa chỉ ở mặt đường Trần Thái Tông (Q. Cầu Giấy).

Hải Yến cẩn thận vào kiểm tra trang cá nhân Facebook của anh ta. Em yên tâm khi thấy có đầy đủ thông tin cá nhân, album ảnh và các bài đăng gần đây. Không nghi ngờ gì, Yến chuyển khoản tiền đặt cọc.

Sau đó, cô gái chuẩn bị đến xem phòng theo đúng lịch hẹn thì tá hỏa vì không thể liên lạc với người cho thuê.

"Gọi điện mãi không được, em mới biết mình bị lừa. Em thấy anh ta tinh vi ở chỗ chuẩn bị sẵn kịch bản, chỉ trao đổi qua cuộc gọi thoại, tài khoản Facebook dùng để liên lạc không hề ảo.

Em bị lừa 1 triệu đồng, đó là số tiền em vay người thân. Em vừa không tìm được nhà vừa gánh thêm một khoản nợ", Hải Yến lo lắng.

Sinh viên đặt cọc tiền triệu, chủ nhà trọ bỗng...mất hút - 3
Nhiều người lên tiếng cảnh báo các chiêu trò lừa cọc tiền nhà trọ trên mạng (Ảnh chụp màn hình).

Bạn Nguyễn Thanh Tùng, tân sinh viên Trường ĐH Thương mại cũng là nạn nhân của một chiêu trò khác.

Ngày 27/9, Tùng liên hệ với chị Hồng Nhung, người đăng bài cho thuê phòng trọ trên mạng. Sau cuộc điện thoại, Tùng đến nhà chị Nhung ở phố Kim Mã Thượng (Q. Ba Đình, Hà Nội) thì biết chị này không phải chủ nhà trọ.

Chị Nhung yêu cầu Tùng trả 300 nghìn đồng để có được danh sách các nhà trọ, giá nhà và số điện thoại. Đồng thời, người này tự xưng là họ hàng của các chủ nhà trên. Chị Nhung hứa, nếu Tùng thuê được phòng và ký hợp đồng lâu dài, thì sẽ bảo người nhà bớt cho 300 nghìn đồng tiền thuê.

Do đã chán cảnh tìm nhà trọ suốt một tuần nay, Tùng đành nhờ cả vào người môi giới. Nhưng khi nam sinh đến xem phòng theo danh sách, thì hầu như các phòng đã có người thuê. Giá phòng cũng "trên trời", danh sách ghi giá 2,5 triệu đồng/tháng nhưng chủ nhà đòi tới 3,7 triệu đồng.

Gọi điện hết danh sách, Tùng mới thuê được một phòng giá 3 triệu đồng, mà em cho là tạm ổn. Tùng gọi lại cho chị Nhung, nhờ chị bảo chủ nhà giảm tiền phòng xuống còn 2,7 triệu đồng như đã hứa. Tuy nhiên, nam sinh nhận lại câu trả lời là không giảm được, chủ nhà cũng không biết chị Nhung là ai.

"Chị ấy chỉ bảo 'Em lớn rồi tự hiểu, chị đang đau họng không muốn nói nhiều'. Nghe xong em rất buồn nhưng bù lại em được một bài học", Tùng cho biết.

Để tránh "sập bẫy"

Để tránh "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo, anh Hoàng Dương, chủ thầu nhiều nhà trọ tại Hà Nội cho rằng, sinh viên không vội tin ngay các bài đăng cho thuê phòng trên mạng, mà chỉ nên tham khảo.

Nguồn đáng tin cậy có thể nhờ vả, giới thiệu tìm nhà trọ là các hội sinh viên tình nguyện, đoàn thể của trường, khoa hoặc hội đồng hương, anh chị quen biết.

Dù vậy, khi được giới thiệu, các bạn vẫn nên đến tận nơi mình muốn thuê phòng để xem xét không gian sống, điện nước, quy định kèm theo... Sinh viên tuyệt đối không đặt cọc trước nếu chưa trực tiếp đến xem phòng, chỉ nên đặt cọc tối đa 1 tháng tiền nhà.

Khi đã tìm được phòng, hai bên cần thương lượng rõ ràng về thời hạn hợp đồng, tiền thuê, tiền cọc, chi phí điện, nước và các dịch vụ khác...Phải ghi chú trong hợp đồng là những khoản đó không được thay đổi khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc nếu có tăng thì mức độ tăng giảm thế nào, báo trước bao lâu...

Cuối cùng, sinh viên phải đọc kỹ lại nội dung hợp đồng. Nếu hợp đồng ghi "sẽ thu thêm các chi phí khác (nếu có)" thì phải yêu cầu chủ nhà làm rõ những khoản này trước khi đặt bút ký.

Hơn nữa, phải kiểm tra các trang thiết bị có sẵn trong phòng, nếu chúng không còn hoạt động hoặc hoạt động không như mong muốn (bóng điện tối, chập chờn, vòi nước rò rỉ...) thì phải báo chủ nhà sửa chữa, thay thế.

*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Quang Trường