Sinh viên chọn “nghề học hộ”?

(Dân trí) - T. Quang vốn là sinh viên Đại học Bách khoa HN. Ban đầu, cậu đi học thuê chỉ vì "lỡ" tiêu hết tiền học phí. Rồi dần thấy kiếm tiền bằng cách này dễ quá nên ham. Cứ thế nghỉ cả học chính để đi học hộ...

“Học hộ rẻ nhất thế giới”, “học hộ giá cạnh tranh” … Những topic như thế không còn xa lạ với các cư dân diễn đàn rao vặt. Học hộ đã trở thành một nghề như bao nghề "bình thường" khác… đang rất được giới trẻ ủng hộ.

Nâng cấp thành trung tâm “ảo”

Sau một thời gian, học hộ đã dần dần trở thành một “nghề” được nhiều người chấp nhận, một số người “tâm huyết” lại có ý định nâng cấp nó trở nên chuyên nghiệp hơn. Vì thế, các trung tâm học hộ mọc lên như nấm đăng quảng cáo rầm rộ trên các diễn đàn, trang rao vặt như: vat....com, mua...vn...
Các trung tâm này được thành lập khá đơn giản, bao gồm một nhóm (từ 18 - 27 tuổi) rỗi việc. Sự đa dạng giới, sự tiện lợi về thời gian 24h/24h khiến các khách hàng "thuê học" hoàn toàn hài lòng. Thay vì phải thỏa thuận thời gian sao cho phù hợp với cả hai, thân chủ chỉ cần đăng ký đã có thể thoải mái. Quy định về tiền công và công việc cụ thể cũng rất rõ ràng nên việc hợp tác đôi bên cùng có lợi càng trở nên thuận tiện.
 
Sinh viên chọn “nghề học hộ”? - 1

Quảng cáo về trung tâm học hộ trên các diễn đàn

T. Quang - một thành viên trong trung tâm cho hay: “ngay khi topic được mở, lượng ý kiến ủng hộ rất nhiều và khách hàng cũng tới nườm nượp. Nhưng chỉ sau 3 ngày, đã xuất hiện một số trung tâm khác đưa ra giá cả "mềm" hơn.”

Cuộc cạnh tranh thị phần của các trung tâm học hộ diễn ra ngày càng sôi nổi với những chiêu thức PR kèm khuyến mại . Có trung tâm giới thiệu về đội ngũ nhân viên “100% sinh viên”, trung tâm khác lại khuyến mại thêm việc chép bài miễn phí, thậm chí là “đóng góp ý kiến trên lớp để được cộng điểm tích cực”.

Dịch vụ tốt, giá lại rất "sinh viên", các trung tâm học thuê khiến khách hàng như mở cở trong bụng. Hồng Nam (SV Học viện Tài chính) rất phấn khởi khi thỏa thuận được với một trung tâm học hộ với giá tính theo... tháng. Chẳng là mhà cậu ở tít trên "trung tâm thủ đô", ngày ngày lặn lội xuống tận ngoại thành chỉ để học quả là có hơi bất tiện.

Nam cho biết: “2 năm trước, tôi bắt đầu thuê người học hộ lần đầu, giá là 60.000 đồng/buổi/5 tiết. Nhưng người học chỉ đến điểm danh, có khi lại về quá sớm.” Nhưng với dịch vụ hiện tại, Nam đã có thể hoàn toàn an tâm về chất lượng. “Chỉ mất có 600.000/tháng mà nhàn thân lại được tụ tập bạn bè thoải mái”.

Chị Ngọc Hoa (Sinh viên tại chức khoa tiếng Trung - ĐHHN) cũng khá hào hứng về sự chuyên nghiệp của nghề học hộ: “Nhiều khi mình bận công việc, phải tìm người gấp mà không được. Bây giờ lưu chỉ cần số điện thoại một trung tâm, cứ gọi là họ sẽ cho người đến, tiện lợi mà tiền nong cũng phải chăng”.

Chờ được quả, má đã sưng

Giá của một chữ "Có" khi điểm danh thường là 20.000 - 30.000. Công việc lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với chạy bàn hay gia sư,... nhưng "nghề" nào cũng có sự được - mất, nhất là với một công việc "chệch chuẩn" như thế này.

T. Quang vốn là sinh viên Đại học Bách khoa HN. Hoàn cảnh gia đình không phải là khó khăn gì. Ban đầu, cậu đi học thuê chỉ vì "lỡ" tiêu hết tiền học phí. Rồi dần thấy kiếm tiền bằng cách này dễ quá nên ham. Cứ thế nghỉ cả học chính để đi học hộ. Tiền kiếm được cũng khá nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã bị "đúp" từ bao giờ.

Khác với Quang, Q. Huy (20 tuổi) lại đang học "lớp 13". Sau khi trượt đại học, Huy một mình khăn gói ra Hà Nội với nguyện vọng kiếm tiền để ôn thi. Được một cậu bạn cùng "lò" luyện thi giới thiệu, cậu tham gia vào trung tâm học hộ. Ban đầu, Huy phải đóng một khoản lệ phí mà theo như trung tâm giải thích là để "làm tin" sợ cậu đã nhận học rồi mà lại "bùng". Cứ thế, tối tối Huy đều đặn lên giảng đường hồn nhiên đi học hộ với hy vọng về khoản tiền sắp lĩnh. Nhưng cuối tháng, cậu lại chỉ nhận được một nửa tiền lương. Lý do của trung tâm là "khách phàn nàn rằng cậu chưa thực sự chuyên tâm vào công việc". Mất thời gian, lại bị bớt xén tiền, Huy đã toan bỏ nhưng hợp đồng 1 kỳ đã trót kí, cậu không nỡ để mất khoản tiền cọc.

Đó chỉ là một số "tai nạn" nghề nghiệp mà những người trong cuộc gặp phải. Chưa kể đến việc nếu chẳng may bị phát hiện, thì cả hai phía đều coi như "mất cả chì lẫn chài".

Lưu Sơn