Sinh viên “chọi” lũ kiếm tiền

(Dân trí) - Cứ mỗi mùa lũ, giá cả lại tăng khiến không ít sinh viên vốn đã phải “chạy ăn từng bữa” nay càng thêm lo toan. Tuy nhiên, “nước nổi bèo nổi”, nhiều sinh viên đã biết dựa vào lũ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn trong những ngày mưa gió.

Vừa nghe đài báo chuẩn bị có lũ, Mạnh - sinh viên Đại học Phú Xuân, Huế - liền lôi từ dưới gầm giường ra một đống dây nhợ chằng chịt, cười bảo: “Lưới đánh cá mày ơi. “Công cụ hành nghề” từ mùa lũ trước, giờ lấy ra kiếm tí thức ăn cho mấy ngày lũ”.

Vốn là dân “sông nước” chính hiệu, chàng sinh viên có nước da ngăm đen này không lạ gì cách thả lưới, cất vó cũng như những vùng hồ, khúc sông thường có nhiều cá do lũ trôi về.

Địa điểm thả lưới của Mạnh thường là những ao, hồ như các hồ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong và hồ Tịnh Tâm trong Thành Nội.

“Giờ ở quê nhà tớ chắc chắn lũ lớn rồi. Cuối tháng nên ngay cả mua gói mì tôm cũng phải tính toán. Kiếm vài con cá, con ốc không đáng mấy nhưng ít ra cũng chống chọi được với vài ngày lũ” - Mạnh tâm sự.

Sinh viên “chọi” lũ kiếm tiền - 1

Tranh thủ lội lũ đi mua thực phẩm dự trữ.

Cũng giống Mạnh, Thuận - sinh viên trường Kỹ nghệ Thực hành - vốn là con em vạn đò, quanh năm sống trên sông nước. Khi cả thành phố Huế chìm trong biển nước, Thuận cùng đứa em trai chèo đò khắp các con đường ngập sâu để chở khách. Cứ mỗi chuyến đi gần là 5 ngàn, xa là 10 ngàn, đôi khi còn tuỳ thuộc vào độ chảy xiết của dòng nước.

“Sợ nhất là chèo bắt ngang qua sông, chỉ cần yếu tay một cái là bị cuốn theo dòng liền. Vậy nhưng cũng phải đi vì không còn đường nào khác nữa”, Thuận kể.

Trên đò của Thuận cũng có vài bó rau, vài con cá để bán cho những bà con nhà ở xa không ra chợ được. Có lần, Thuận còn chở mấy ông Tây ngỏ ý muốn đi dạo quanh thành phố ngắm… lũ, 2 tiếng được trả gần 200 ngàn, còn bo thêm 2 USD vì công làm “hướng dẫn viên du lịch”.

Thuận cười: “Hôm ấy, thu nhập cao nhất trong mấy ngày lũ lụt. Cũng may mình có vốn tiếng Anh kha khá”.

Sinh viên “chọi” lũ kiếm tiền - 2

Chở Tây đi ngắm... lũ.

Thường ngày, Lâm - SV trường Đại học Khoa học Huế - đi làm gia sư, nhưng đến ngày lũ, Lâm lại vác hộp đồ nghề tới những trục đường cao ít ngập nước sửa xe cho khách. “Công việc đơn giản mà thu nhập cũng khá vì bà con không ai muốn phải dắt xe lội nước cả”.

Sinh viên ở Huế cũng dần quen với lũ. Một tháng có đến 4 cơn lũ không những không làm sinh viên “kiệt sức” mà còn giúp họ trở nên trưởng thành hơn. “Phải biết đạp lũ mà sống mới ra phong cách sinh viên chớ”, đó là tâm sự chung của những sinh viên kiếm tiền trong lũ.

Lê Minh