Sinh viên chật vật mỗi dịp về quê ăn Tết

Đinh Phương Nhung

(Dân trí) - Đóng gói đồ đạc trong một vali, một balo, 2 túi đeo chéo mỗi lần về nhà ăn Tết, sinh viên hình thành tâm lý "ngại" về quê.

Tết được xem là thời điểm quan trọng trong năm, đặc biệt là với sinh viên, những người con xa quê lên thành phố để học tập, bươn chải.

Tuy cả năm luôn mong ngóng đến ngày Tết để về với gia đình nhưng chặng đường về nhà của những sinh viên dừng chân nơi thành phố chưa bao giờ là dễ dàng.

Đóng gói một vali, một túi to, một balo, 2 túi đeo chéo để về quê ăn Tết

Lò Quốc Toản (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quê ở bản Tứ Chiềng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, kể lại mỗi lần về quê bạn thường chuẩn bị nhiều vật dụng từ quần áo, bánh kẹo cho đến những đồ có giá trị như máy ảnh, đồ gia dụng cho gia đình. Tất cả chứa vào một vali, một túi to, một balo và 2 túi đeo chéo.

"Mỗi lần Tết đến, đồ đạc mình đem về quê vô cùng lỉnh kỉnh, chỉ mong thu nhỏ được tất cả đồ đạc lại", Toản chia sẻ.

Sinh viên chật vật mỗi dịp về quê ăn Tết - 1

Sinh viên tay xách nách mang mỗi lần về quê đón Tết (Ảnh: Hoàng Nam).

Nhiều đồ đạc là thế nhưng Tết nào Toản cũng đem về cho gia đình những món đồ lớn, chiếm nhiều diện tích như xoong nồi, nồi chiên không dầu, nồi lẩu…

Chia sẻ về lý do cho việc này, bạn cho biết, mua những món đồ trên ở Hà Nội rẻ hơn so với việc về quê rồi mua. Nơi Toản ở, siêu thị chỉ có trên thị trấn, những món đồ gia dụng gần như là không có hoặc nếu có thì giá thành và chất lượng cũng không bằng ở Hà Nội.

"Mình thường đặt đồ online nên chi phí vận chuyển khi mua ở Hà Nội sẽ rẻ hơn và thời gian giao hàng cũng nhanh hơn so với việc vận chuyển về quê", Toản giải thích.

Một năm về nhà một lần, mỗi lần trở về lại mang theo rất nhiều đồ đạc. Điều này khiến quá trình di chuyển của Toản gặp không ít khó khăn. Bạn phải tự mình vận chuyển đồ từ phòng ở ký túc xá ra đến đầu đường do xe không được đi qua cổng của ký túc xá.

Chặng đường đi là thế, đến khi về quê rồi Toản cũng gặp không ít gian nan trong quá trình di chuyển do xe khách không đưa Toản về đến tận nhà. Do đó, bạn phải nhờ người đi xe máy ra đón.

"May mắn là mình chưa bị ngã bao giờ vì mọi người cũng quen đường rồi. Mỗi tội nguy hiểm vì đồ đạc nhiều, đường thì dốc. Mình ngồi sau mà sợ đến nín cả thở", Toản tâm sự.

Mỗi dịp về quê, tổng chi phí cả đi lại và mua đồ đạc rơi vào khoảng 2,5 triệu. Đối với Toản, đây là số tiền không nhỏ do bản thân bạn cũng phải chi trả những khoản chi phí sinh hoạt khác.

Mỗi lần như vậy, Toản không tránh khỏi việc thấy "ngại" khi trở về quê nhưng năm nào bạn cũng đều đặn mua và chuẩn bị nhiều đồ đạc đem về nhà.

"Ở nhà mình chưa có món gì thì mình cũng mong muốn mua thêm cho gia đình", Toản nói.

Suýt ngã khi vận chuyển đồ trên xe buýt

Khuất Thị Thanh Hằng (sinh viên ĐHQG HN) quê ở thị xã Sơn Tây nên mỗi lần về quê ăn Tết, Hằng không phải mất nhiều tiền cho chi phí đi lại do di chuyển bằng xe buýt. Giảm được gánh nặng kinh tế nhưng khó khăn trong việc vận chuyển đồ đạc vẫn còn đó.

Hằng thường chuẩn bị quần áo, sách vở, đồ dưỡng da, balo đựng máy tính xách tay mỗi lần về nhà. Tất cả đều được đóng gói vào trong một chiếc vali to, một balo đựng máy tính.

Sinh viên chật vật mỗi dịp về quê ăn Tết - 2

Sinh viên mỗi lần về qua là một lần phải mang vác theo nhiều túi đồ (Ảnh: Hoàng Nam).

Hằng kể: "Nếu được người nhà đón thì không sao, nếu mình đi xe buýt thì đúng là gian nan vất vả vì từ nhà mình về quê phải mất đến 2 chặng xe buýt.

Đã xách đồ nặng, khi đi xe buýt, nhiều khi tài xế còn chưa chờ cho mình đứng vững đã cho xe di chuyển khiến nhiều lần mình loạng choạng suýt ngã hoặc đụng người vào mấy cái ghế".

Vất vả là thế nhưng kết luận lại, Hằng vẫn nói rằng: "Về quê tuy mệt nhưng mà vui".

Chịu cảnh "nhồi nhét" trên xe khách

Sào Truy Bớ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quê ở Lào Cai không phải chuẩn bị quá nhiều đồ đạc mỗi chuyến về quê như những người khác. Bạn chỉ cần một vali để đóng đồ và một chiếc balo để đựng máy tính. Tuy nhiên, Bớ lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi lại do quê bạn ở xa Hà Nội.

"Đến giờ mình cũng chưa biết có đặt được vé hay không nữa. Thông thường mọi người đặt vé xe vào ngày 20 âm lịch nhưng những lúc này thì sẽ rất đông người đặt, chỉ cần đặt chậm một tuần thôi là vé sẽ hết sạch.

Nếu như không thể đặt được vé thì mình buộc phải chấp nhận đi xe mà không có vé. Loại hình này thì giá thành sẽ cao hơn một chút nhưng ngồi cũng rất chật chội do nhà xe cố "nhồi" khách lên xe", Bớ chia sẻ.

Sinh viên chật vật mỗi dịp về quê ăn Tết - 3

Tình trạng các nhà xe "nhồi nhét" khách trong dịp Tết (Ảnh: Tiến Nguyễn).

Cũng giống Bớ, Nguyễn Song Nhi (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) quê ở Sơn La kể về trải nghiệm đi xe khách về quê mỗi dịp Tết đến. Nhi kể lại, bạn từng phải chịu cảnh 3 người ngồi chung 2 chiếc ghế trên xe khách dù giá vé là 200 nghìn đồng.

Sau trải nghiệm đó, Nhi quyết định chuyển sang đi xe ghép. Tuy giá thành cao hơn, dao động từ 350 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng nhưng tốn ít thời gian hơn so với đi xe khách và thoải mái về chỗ ngồi.

"Đi xe ghép thì không có chuyện nhét khách. Đủ chỗ là đủ người, xe 7 chỗ thì chỉ có 7 người được lên xe. Đi xe ghép thì về nhà nhanh mà đi êm ru, hơn nữa người ta còn đón mình từ tận cổng, không phải ra bến hay điểm tập kết", Nhi kể.