Sinh viên bày “chiêu” để ăn no và rẻ

(Dân trí) - Giá cả mọi thứ đều tăng. Bữa ăn trở thành nỗi lo thường trực, sát sườn nhất với những sinh viên sống xa nhà. Và 1.001 chiêu “chống” giá để bụng khỏi “sôi sùng sục” được cánh sinh viên nhà ta “tung” ra.

Con trai cũng “lăn” vào bếp

Là con trai, sống cùng phòng trọ với anh bạn học khoá trên chẳng bao giờ nấu ăn, nên hơn hai năm nay, Kim Cương - cậu sinh viên khoa CNTT (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội), xem quán cơm bụi của “má” Hai “mập” ở đầu ngõ như là... cơm nhà. Vậy mà mấy hôm trước, má thông báo suất cơm sinh viên rẻ nhất là 8.000 đồng đã tăng lên 10.000.

Giá tiền tăng, khẩu phần cơm không giữ nguyên mà còn bị “bớt”, làm buổi tối đi ngủ Cương cứ xốn cả ruột vì đói. Cương thắc mắc với với má Hai thì má tỉnh bơ: “Đắt đỏ thế này, bữa cơm ở nhà bố mẹ mày còn nghèo đi huống chi là cơm nhà má. Các con phải chịu thôi”.

Không thể tăng thêm tiền cơm, cũng không thể để bụng “réo”, Cương rủ ông anh cùng phòng nấu ăn. Thế là bữa trưa, bữa tối hai anh em thay nhau vào bếp. Cầm chưa đến hai chục bạc đi chợ mỗi bữa, Cương chỉ mua được tý thức ăn mặn với mớ rau lèo tèo vì trong đó còn cả tiền đổ ga, tiền dầu ăn, gia vị, gạo...

“Chẳng rẻ hơn cơm bụi bao nhiêu đâu nhưng nấu ăn, lúc đói còn có chỗ mà... lục nồi. Hơn nữa, có hôm hai anh em chỉ mất mỗi tiền gạo, ăn ở nhà nhiều lúc chỉ cần cơm chan ít nước mắm cũng xong” - Cương thật thà.

Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ vào bếp, còn chưa biết cắm cả nồi cơm nhưng từ khi cơm bụi tăng giá Lê Khánh Duy, khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH KTQD) cũng xắn tay vào việc “nội trợ”.

Mấy hôm đầu, Duy không những phải “sống chung” với cơm sống, có lúc lại tưởng là cháo, thức ăn lại chẳng ra vị gì mà còn bị mấy vết bỏng ở tay, ở mặt vì tội ném bìa đậu vào chảo mỡ đang sôi. Nhưng làm quen mấy hôm, Duy đã đảm đang lên trông thấy, cậu tự hào: “Mình nấu ăn vừa rẻ vừa đảm bảo vệ sinh. Cứ thế này, Tết về mình lại vào bếp phụ mẹ chứ chẳng chơi”.

Đi chợ sáng “lùng” thực phẩm rẻ

Nhiều sinh viên sống trọ khác lại chịu khó đi chợ sáng “lùng” thực phẩm rẻ. Từ hôm giá cả tăng, các chợ sáng ở Mai Dịch, Cầu Mới, Đường Láng, Hoàng Mai... đều nườm nượp các cô cậu sinh viên túi xách nách mang nào rau nào củ.

Thúy Hằng, sinh viên khoa Maketting (ĐH Thương mại) cho biết: “Trước đây, đi học về em mới qua chợ mua đồ ăn. Bây giờ cái gì cũng đắt nên mọi người trong xóm rủ nhau dậy từ 5 giờ sáng để đi chợ Mai Dịch. Thậm chí, nhiều bạn học chiều còn chờ đến cuối buổi chợ để mua đồ ế cho rẻ. Nhờ có hàng chợ sáng này mà bọn em mới trụ nổi”.

Chợ đắt đỏ, sinh viên ra chợ cũng chi ly hơn, kỳ kèo từng đồng một để có thể mua được rẻ nhất. “Ngẹt thở” với các cô cậu sinh viên vì chỉ mua mớ rau mấy nghìn nhưng không bao giờ quên ngửa tay xin thêm cọng hành, quả ớt. Chị Nguyễn Thị Hoa bán rau ở chợ Mỹ Đình cho biết: “Nhưng dù sao mình cũng thông cảm, chúng là sinh viên lấy đâu ra tiền, có nhiều hôm hàng rẻ mình lại cho thêm chúng ấy chứ”.

Khánh Duy nói: Mấy hôm đầu đi chợ, đứng mặc cả với mấy cô hàng rau mà mình cứ lo ai đó “bắt quả tang”. Giờ thì quen rồi, mua cái gì cũng phải xin thêm “đồ phụ”.

“Chiêu” của cô sinh viên Lê Kiều Oanh, khoa Luật Dân sự - ĐH Luật lại khá quen thuộc với những cô cậu nào quen “hướng về thầy u”. Cứ mỗi tháng một lần, Oanh lại kêu gọi bố mẹ gửi cho cô bịch đồ khô nào là gạo, muối, lạc, cá khô... nên tiền ăn hàng tháng của Oanh vì thế mà không bị thâm hụt.

Oanh nói: “Bố mẹ không có tiền cho em thêm nhưng mấy thứ linh tinh thì thì luôn sẵn sàng, vì bà chị họ em bán đồ khô nên mẹ em có thể ra đó ký sổ. Phải thế thôi chứ với 400.000 đồng tiền ăn hàng tháng bố mẹ cho trong thời giá cả leo thang thế này em sống sao nổi”.

Sinh viên KTX chờ căng-tin… đóng cửa

Nếu sinh viên sống trọ ngoài có thể nấu ăn để tiết kiệm thì nhiều sinh viên trong ký túc lại có những “độc chiêu” ít ai ngờ tới. Không chen chân đến sớm để ăn “cơm nóng canh ngon” như trước đây nhiều sinh viên ký túc âm thầm chờ đến cuối buổi, khi nhiều căng-tin dư đồ ăn, bán rẻ để đóng cửa.

Cứ sau 7 giờ tối, khi mà căng tin ở ký túc xá Mễ Trì đã lác đác người thì nhiều cô cậu sinh viên lại chọn giờ này đi ăn cơm. Trần Hiệu, phòng 114 C2 thổ lộ: “Cách này trong phòng em “rỉ” tai nhau. Bữa trưa, sau 12 giờ, bữa tối sau 7 giờ là ăn được ăn cơm rẻ. Suất 6.000 đồng vào cuối buổi còn nhiều hơn cả suất 10.000 bình thường ấy chứ, chịu khó ăn nguội một tý”. 

Tuy nhiên, Hiệu cũng cho biết cách này chỉ những người nào “tốt bụng” mới nên áp dụng vì ăn đồ nguội đau bụng như chơi, phòng cậu có bạn bị “Tào Tháo đuổi” đến xanh cả mặt.

Văn Tuấn (ĐH Giao thông) sống trong ký túc xá lại có cách không giống ai. Nhà Tuấn ở Đình Bảng (Bắc Ninh), cách trường chỉ 30 cây số nên cứ sáng thứ 6 học xong là Tuấn nhảy lên xe buýt về nhà cho đến đầu tuần sau mới lên. Mấy tuần đầu, mẹ Tuấn cứ thắc mắc dạo này con trai chăm về, sau này biết lý do càng thương con, cố gắng bồi bổ cho con trai.

“Lúc nào về nhà là mình gắng ăn no để bù... cho những ngày ở lên trường sẽ thắt lưng buộc bụng. Mỗi tuần hơn hai ngày ở nhà, tính ra mình đã tiết kiệm được gần 1/3 tiền ăn trong trợ cấp của bố mẹ”, Tuấn cười hỉ hả.

Thế mới biết trước cảnh khó khăn sinh viên “sáng tạo” nhiều chiêu để vẫn có thể đảm bảo sinh hoạt hàng ngày trong điều kiện giá cả tăng chóng mặt như hiện nay.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm