Sinh viên Bách khoa Hà Nội sáng chế "áo làm mát" hỗ trợ bác sĩ ở tâm dịch
(Dân trí) - Nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội đã tìm ra giải pháp chống nóng cho các y bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng bức trong thời tiết khắc nghiệt chống chọi với Covid - 19.
Trời vào hè, nhiệt độ không ngừng tăng mạnh, tỉ lệ thuận với độ nóng của tình hình dịch bệnh Covid19. Những ngày gần đây, tin tức và hình ảnh về các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch với da tay và cơ thể bị phồng rộp, thậm chí bị ngất vì quá nóng do phải mặc bộ đồ bảo hộ quá lâu, thường xuyên xuất hiện.
Nhận thấy sự nghiêm trọng của sự việc và mong muốn góp phần giúp đỡ các y bác sĩ, nhóm sinh viên K62 của Viện Kỹ thuật Hóa học gồm: Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh, cùng với sự cố vấn của PGS. Vũ Đình Tiến đã nghiên cứu giải pháp chống nóng. Trên cơ sở kinh nghiệm về làm mũ bảo hiểm chống nóng, nhóm đã thiết kế áo chống nóng theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh.
Áo làm mát không phải một sản phẩm xa lạ đối với người dân trên thế giới. Tuy nhiên, chiếc áo này có giá thành khá cao và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, nhóm sinh viên Viện Kỹ thuật Hóa học đã sáng chế ra sản phẩm áo làm mát nguyên lý tuần hoàn nước lạnh với giá chỉ bằng 1/4 so với thị trường và trọng lượng chỉ khoảng 1kg.
Do đang trong thời điểm giãn cách xã hội, việc may áo gặp rất nhiều khó khăn. "Nhóm nghiên cứu đã liên hệ nhiều cơ sở may nhưng đều bị từ chối." - Hương Hảo, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của PGS.TS Lã Thị Ngọc Anh - Nguyên Trưởng Bộ môn May và Thời trang - Viện Dệt May Da giầy và Thời trang, nhóm sinh viên đã hoàn thiện mẫu áo đầu tiên trong chưa đầy một ngày.
Qua thử nghiệm, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh có thời gian làm mát nhanh, người dùng không bị tháo mồ hôi. Nhiệt độ làm mát có thể điều chỉnh thông qua lưu lượng bơm, không gây sốc nhiệt cho người sử dụng.
Chiếc áo sử dụng nguồn pin sạc dự phòng của điện thoại, nên có thể làm việc trên 8 tiếng. Ngoài ra, người dùng có thể bổ sung "chất làm mát" trong quá trình sử dụng bằng cách thêm đá hoặc nước đá vào chiếc bình đựng trong ba lô đi kèm mà không cần cởi áo.
Hiện tại, với mỗi lần thêm đá, áo có thể làm mát đến 2 giờ. Nhóm sinh viên Bách khoa Hà Nội vẫn đang cố gắng cải tiến sản phẩm, với mong muốn giảm thiểu tối đa số lần bổ sung nước đá của người sử dụng trong quá trình làm việc.
Không chỉ phục vụ cho trận chiến chống dịch, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh còn phù hợp với những người làm việc trong môi trường nóng bức hoặc những người thường xuyên di chuyển ngoài trời.