“Sinh mạng của cậu rẻ vậy sao?”
“Chúng mình đã 18 tuổi. Sự sống của cậu bắt đầu được 18 năm. Đánh đổi cho sự sống này là công mẹ cậu mang nặng trong những ngày khốn khó. Nhớ lại đi Nam…”.
Bài làm
Ngày ....,
Nam!
Cậu đã từng nghe câu chuyện về một chú chim? Bị một vết thương rất nặng, chú chim ấy phải nằm giữa đống lá rừng. Từng ngày, từng ngày trôi qua, con chim bé nhỏ vừa đau đớn, vừa đói khát, cái chết đối với nó chỉ còn là tương lai gần mà thôi. Một ngày nọ, nó cố nhìn lên cao, nhìn màu xanh mỡ màng của lá rừng tiếp nối với màu xanh da trời bất tận. Đột ngột, nó đập cánh vụt bay. Đôi cánh loạng choạng…
Không ai biết con chim ấy ra sao sau đó. Cậu có biết vì sao có cái vụt bay đột ngột ấy không? Vì con vật nhỏ chưa muốn phó mặc sinh mạng mình cho thời gian. Nó vút bay lên vì niềm hi vọng sự sống vẫn còn như cái màu xanh trước mắt nó vậy. Con chim ấy tiếc sống, sinh linh nhỏ bé ấy vẫn muốn sống tiếp cuộc đời bay liệng. Con người là “sinh linh bậc cao” của tạo hóa, có lẽ nào không hiểu nổi cái đập cánh của một chú chim?
Cậu từng nói với tôi cậu rất thích thơ Hàn Mặc Tử. Vậy, chắc là cậu hiểu được niềm khát khao cháy bỏng, niềm hi vọng vô biên về sự sống dẫn đến tuyệt vọng của con người bị cuộc sống từ chối?
Người ta bị cái chết dồn đuổi, bị đặt tới cái ranh giới mong manh sinh - tử, vẫn khôn nguôi một niềm mong mỏi được sống. Cả tôi, cả cậu nữa, Nam ạ, chưa hề bị rơi vào tình thế ấy…
Nếu như cậu quyết định tìm đến cái chết, hãy trao gửi sinh mạng mình cho con chim kia, cho nhà thơ mà cậu yêu quý, cho đứa bé hàng xóm của cậu mới mất vì bệnh tim, Nam nhé! Nhưng cậu có nghĩ rằng điều đó là không thể. Vì thế mà, cái chết của cậu sẽ chỉ là sự lãng phí, lãng phí sự sống. Cậu có nghĩ rằng nếu như cậu hủy hoại sinh mạng của mình, thì chính cậu, Nam ạ, sẽ càng làm cho cuộc sống này đầy mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa những người muốn sống mà không được sống và những người được sống mà không muốn sống. Đừng để cuộc đời nhìn vào cậu trong tư thế của một nguyên nhân làm cho nó bất công và bất hạnh.
Tôi đã có lần kể lại cho cậu câu chuyện về những con ong: để bảo vệ mình, bảo vệ tổ, nó phải đốt kẻ thù và chấp nhận đánh đổi cả mạng sống. Đâu phải mạng sống không quan trọng với nó phải không? Còn với cậu, sinh mạng của chính cậu rẻ mạt đến thế thôi sao?
Chúng mình đã 18 tuổi. Sự sống của cậu bắt đầu được 18 năm. Đánh đổi cho sự sống này là công mẹ cậu mang nặng trong những ngày khốn khó. Nhớ lại đi Nam, câu chuyện mẹ cậu đã kể: Một nồi cơm chỉ thấy sắn, một nồi ngô, trưa hè nắng chang chang, và “cái thằng ấy cứ đạp mãi không thôi”… Nhớ lại đi Nam những ngày mưa gió, lầy lội, bố đã vất vả thế nào để đưa cậu đi học. Ai đó nói “Con là tinh cha huyết mẹ”. Nếu cậu quyết định từ bỏ cuộc sống này thì hãy trả lại xương cốt cho cha và máu thịt cho mẹ.
Nhưng cậu có làm được như thế không, và bố mẹ cậu thực sự cần cậu trả cho họ những gì? Sinh mạng của cậu là sinh mạng của cả bố và mẹ . Cậu có nỡ lấy đi một phần sự sống của những người đã hi sinh cho cậu rất nhiều? Hãy vận dụng cái đầu thông minh nhanh nhạy của cậu vào việc tính xem bao nhiêu gạo tiền bố mẹ nâng niu, chăm sóc cậu? Cậu có tính được không, có khả năng đong đếm được không bao nhiêu giọt nước mắt, bao nhiêu giọt mồ hôi? Và có một thứ mà chắc chắn cậu không bao giờ tính được…
Nam này! Cuộc sống này buồn hay vui, đầy đau khổ hay nhiều hạnh phúc là do chính suy nghĩ và thái độ của mình thôi. Hãy nhìn lại những chuyện buồn của cậu. Hãy chia nhỏ những chuyện ấy ra để giải quyết nó. Chỉ khi cậu cộng gộp tất cả những chuyện buồn ấy lại, nó mới trở nên to lớn, mới đủ sức trở thành chướng ngại vật, che chắn hết con đường sống của cậu mà thôi.
Chuyện về học hành: hãy nghĩ là mình có thể cố được nữa, mọi người học được thì sao mình lại khó khăn với nó; những môn mà cậu yêu thích như môn Toán, môn Anh không đủ để làm cậu vui thú hơn sao? Chuyện gia đình, sao không nghĩ rằng mỗi nhà mỗi cảnh, rằng mình cùng huyết thống với mọi người, mọi người sẽ có nhiều điểm chung để hiểu mình hơn ai hết. Cậu hãy hình dung đi Nam, nếu như cậu mất đi mọi người thân thương ấy…
Còn chuyện bạn bè, hãy coi những chuyện đó là một đặc điểm của cuộc sống, mai này khi chúng ta lớn lên, đó sẽ là những kỉ niệm thật thú vị… Nam à, đừng mong có ai đó hiểu mình một cách tuyệt đối. Hãy coi những chuyện làm cậu buồn là một quy luật của cuộc sống. Hãy chấp nhận nó, bởi vì ai cũng phải gặp những chuyện như thế. Người ta càng lớn lên càng buồn nhiều hơn vui - nhớ cô giáo mình bảo như thế không? Cậu cũng đang lớn, và buồn nhiều hơn là một điều tất yếu. Nhớ câu nói của cái Thảo mà chúng mình vẫn cho là “triết lý rởm”: Hạnh phúc chỉ là sự im lặng của nỗi đau - câu nói ấy đâu phải vô lý hoàn toàn!
Nam ơi, “hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không chịu đựng nổi” (tôi học cách nói của Ôtrôpxki). Cuộc đời có trở nên “không chịu nổi” hay không là do chính mình thôi, hãy biết tìm lối thoát ngay cả khi cuộc đời dồn con người vào chỗ bế tắc, vào bước đường cùng. Cái chết chỉ là cách giải thoát tiêu cực nhất, một lối thoát lạnh lùng mà con người khi chọn nó, sẽ không bao giờ hối lại được. Nhớ nhé: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là con người phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Cậu vẫn thường khoe “Tôi khỏe thế này chứ” bây giờ là lúc chứng minh sức mạnh của mình đấy Nam ạ! Tất nhiên là sức mạnh cơ bắp của một đứa con trai 18 tuổi sẽ không giúp cậu được nhiều đâu. Quan trọng là…
Tôi đã nói nhiều quá rồi. Tôi nghĩ rằng mình không cần nói nhiều đến thế đâu. Nếu như cậu vẫn còn coi tôi là một “closed friend” (bạn thân) như cậu nói, thì cậu hãy để bức thư của tôi có một chút giá trị nào đó đối với cậu, được không? Ngày mai là một ngày mới. Gặp cậu ở lớp nhé, vào ngày mai!
Bạn của cậu!
Mạc Thị Phương
TheoVietnamnet