Sĩ tử “sa chân” vào quán net
(Dân trí) - Lên Hà Nội thăm con trai ôn thi đang ở nhà người quen thì cô Dung mới biết con đã chuyển ra ngoài ở. Tìm đến chỗ trọ của con, cô sốc khi bác chủ nhà cho hay con trai mình "đóng quân" ở ngoài quán game trước ngõ liền tù tì hai hôm nay.
Sĩ tử luyện… game
Chưa hết, đã có mấy người quen sẵn của các cậu này ở đây, khi một trong những cậu mới vào, hỏi: “Chiều nay bọn mày nghỉ học à? Lập được mấy ván rồi”. Cậu bạn đang cặm cụi vào “món” đế chế, không hề nhìn lên mà trả lời: “Học gì, bọn tao ngồi từ sáng. Mấy đứa mày dở hơi, buổi học buổi nghỉ phiền phức, nghỉ hẳn như tao còn hơn”. Đến đó, cả tập đoàn, gồm nhóm mới và nhóm cũ chúi đầu vào chiếc máy tính, người thì bắn Half life, người chơi Đế chế.
Hùng, một sĩ tử trong nhóm, đến từ Thanh Hoá nói rất vô tư: “Mấy đứa em đến từ Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Tây… lên Hà Nội ôn thi. Gặp nhau từ hôm mới lên, cùng thuê phòng trọ gần nhau. Mới đầu còn chăm đến lớp, rồi đứa này kéo đứa kia chơi game, giờ ngồi hàng game nhiều hơn ở lớp học”.
Anh Trung, một nhân viên trông cửa hàng nét nằm ngay cạnh con phố luyện thi ở 336 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), gần trường ĐH KHXH & NV, Hà Nội cho biết: “Từ dịp ra Tết, khi học sinh các tỉnh về luyện thi cũng là lúc quán đông khách hơn. Có em bây giờ mới lập nickname, học đánh điện tử nên cứ là mê mệt, mua thẻ ôn thi dài hạn rồi cũng không thèm đến lớp”.
Công sức cha mẹ: công cốc?
Chát chít và các trò chơi điện tử quá quen thuộc với học sinh thành phố nhưng với nhiều học sinh từ các vùng nông thôn lên thành phố luyện thi họ mới có điều kiện tiếp xúc dễ dàng hơn, thậm chí có bạn đây mới là lần được được nhìn thấy chiếc máy tính. Mới mẻ, nên khi đã “sa” vào họ không dễ “dứt” ra, dù biết nhiệm vụ của mình đang là ôn thi.
Để con cái lên thành phố ôn thi, với nhiều gia đình là cả một vấn đề về tài chính. Có nhà phải bán lợn, bán trâu góp tiền “đầu tư” cho con với mong muốn con đỗ đạt nhưng đổi lại có những bạn đang tranh thủ dịp này để “chơi xả phanh”.
Hồng Thơm, tỉnh Hoà Bình, đang ôn thi khối C ở trung tâm gần trường ĐH Sư phạm I cho biết: “Còn có bạn T, cùng xóm với em cũng xuống ôn. Nhà bạn ấy hoàn cảnh, bố mẹ phải bán cả đôi trâu để cậu xuống Hà Nội ôn cho đến ngày thi. Thế mà xuống đây, T chỉ đi học mấy hôm còn nữa là ngồi ngoài hàng điện tử suốt ngày. Em nhắc thì T nói: “Tao có ôn cũng không đỗ, cả đời mới có dịp để chơi”. T còn nhắc em đừng nói gì với bố mẹ cậu ấy”.
Hay như Hùng, bố mẹ đều là nông dân, mỗi tháng cậu ở Hà Nội “ôn”, bố mẹ phải tích cóp tiền triệu để cậu đóng tiền nhà, tiền học, tiền ăn. Vậy nhưng, thay vì học tập, Hùng lại lao vào “kết thân” với game. “Em học yếu, ôn cũng khó đỗ nhưng do bố mẹ ép em phải đỗ bằng được đại học nên em phải đi ôn. Giờ em chỉ mong qua ngày thi, em sẽ vào miền Nam xin việc làm”.
Bác Quyết, chủ nhà chỗ Hùng thuê, kể: “Có cô tên Dung, từ tận Nghệ An ra thăm con, tôi chỉ cho cô ra tìm con ở quán điện tử, nó ngồi đó hai ngày chưa về phòng. Thằng bé này, đầu tiên ở nhà người quen nhưng để tự do chơi điện tử, bạn nó kéo về đây ở cùng. Tôi khuyên cô nên đưa con về quê. Thế mà thằng này không chịu về, thề sống thề chết là sẽ không chơi nữa. Thế mà, mẹ nó vừa ra xe, nó chạy ngay ra ngoài hàng”.
Con lên thành phố luyện thi, bố mẹ dù không có cũng không tiếc gì với con, cố gắng “đầu tư” để con đỗ đạt. Vậy nhưng họ đâu biết rằng, nói là đi ôn thi nhưng có những cô cậu đang “ném” hết tiền vào hàng điện tử. Đam mê với các trò chơi điện tử, các sĩ tử đang đổ hết công sức cùng với kỳ vọng của cha mẹ xuống sống, xuống biển.
Hoài Nam