Say văn nghệ được… vợ

Tôi về công tác tại Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324) một ngày đầu đông, mưa lây phây rét ngọt, may mắn được nghe một chuyện tình đẹp.

Chuyến xe cuối ngày người chật ních, lao vun vút, mọi người lắc lư khi xe qua ổ gà, ổ trâu.

 

Tôi nhường chỗ cho một chị bế đứa con nhỏ vừa lên xe. Tôi hỏi: “Hai mẹ con về đâu mà mang nhiều đồ thế?”. Chị cười nhìn tôi, nói: “Hai mẹ con lên thăm bố. Từ ngày anh chuyển công tác về đơn vị mới chưa có điều kiện về thăm nhà, hôm nay cuối tuần hai mẹ con lên thăm bố cháu mà chưa biết đơn vị nằm ở đâu”.

 

Tôi nói với chị: “Hai mẹ con yên tâm, tôi cũng đang về Trung đoàn 335 công tác, sẽ đưa chị và cháu vào tận nơi”.

 

Vào đến cổng Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 335), Thượng úy Phùng Văn Hùng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn ra đón hai mẹ con trong niềm vui, hạnh phúc và bất ngờ. Bên chén nước chè Gay của miền tây xứ Nghệ, tôi và anh Hùng hàn huyên nhiều câu chuyện về người lính.

 
Tổ ấm của anh Hùng và chị Hằng hiện nay.
Tổ ấm của anh Hùng và chị Hằng hiện nay.
 

Anh giới thiệu: “Vợ tên là Lê Thị Thu Hằng, đang công tác tại Trung tâm văn hóa huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Cháu gái gần 2 tuổi, Phùng Thị Ngọc Hân”. Chị Hằng ngồi bên chồng, hai mẹ con nhìn nhau âu yếm, rồi liếc sang chồng nói với tôi: “Chúng em nhờ tập văn nghệ mà nên duyên vợ chồng”.

 

Năm 2010, Trung úy Phùng Văn Hùng, dân tộc Dao, quê ở Ngọc Khê, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, tốt nghiệp trường Học viện Chính trị Quân sự về nhận công tác tại Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 1, Sư đoàn 324).

 

Là đơn vị đủ quân, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nên hoạt động văn hóa văn nghệ rất sôi nổi, điều này làm cho sỹ quan trẻ Phùng Văn Hùng vốn có “máu” văn nghệ được phát huy sở trường.

 

Ban ngày đơn vị huấn luyện, học tập trên thao trường, tối đến lời ca, tiếng hát của cán bộ, chiến sỹ lại rộn ràng, động viên tinh thần bộ đội gắn bó với đơn vị. Anh Hùng tham mưu cho lãnh đạo chỉ huy Tiểu đoàn và đoàn cơ sở Trung đoàn xây dựng kế hoạch để học hát, hoặc múa và nhảy khiêu vũ do anh làm giáo viên.

 

Năm đó Tiểu đoàn tham gia liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Quân đội yêu cầu phải có đơn vị kết nghĩa. Từ đó chị Hằng và một số cán bộ của Trung tâm văn hóa huyện có cơ hội trổ tài cùng với cán bộ, chiến sỹ.

 

Mỗi lần có chị em vào tập, tinh thần đội văn nghệ phấn khởi hẳn lên. Khi chị Hằng múa, nhìn đôi tay nõn nà, uốn dẻo, đôi mắt đen láy đưa theo từng điệu nhạc làm “cây văn nghệ” Phùng Văn Hùng ngẩn ngơ, say đắm.

 

Ban đầu anh Hùng say điệu múa, lời ca tiếng hát ngọt ngào của chị Hằng, dần dần say “cả người” cô ấy từ khi nào không hay. Tối hôm diễn ra liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày thành lập Quân đội, anh hát song ca với chị Hằng bài hát “Giận mà thương”. Anh ngượng nghịu, mặt đỏ và đôi chỗ quên lời!

 

Sau dịp tập văn nghệ, hai người chủ yếu liên lạc với nhau qua điện thoại và thư. Mỗi dịp nghỉ tranh thủ cuối tuần anh lại bắt xe ngược miền tây xứ Nghệ lên thăm chị Hằng. Thời gian trôi đi, trái tim chị Hằng mách bảo anh sỹ quan trẻ người dân tộc Dao này, không chỉ đẹp trai, yêu văn nghệ mà còn rất chân thành, thật thà, biết quan tâm người khác chính là một nửa của mình.

 

Chị Hằng nhận lời yêu anh Hùng trong một đêm trăng sáng bên trận địa canh trời của đơn vị. Năm 2012, cặp đôi văn nghệ đã nên duyên vợ chồng. Hôm đám cưới diễn ra, chị Hằng đi giữa hàng ngàn màu xanh áo lính, không giấu được niềm hạnh phúc.

 

Từ mâm cỗ, trang trí, đến MC… đều do cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị thực hiện. Dù không lộng lẫy, hào nhoáng song đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Một năm sau, đứa con gái chào đời càng làm cho tổ ấm gia đình anh thêm trọn vẹn!

 

Trời mưa thêm nặng hạt, gió đông ùa về thêm rét. Căn phòng nhỏ của anh tối nay ấm áp lạ thường. Mong gia đình của anh luôn tràn đầy hạnh phúc!

 

Theo Lê Tường Hiếu

Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm