Sáu tháng làm cô giáo ở Sudan
Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1995, cựu sinh viên trường ĐH Hà Nội) nhận được lời mời trở thành giáo viên, dạy trẻ em mầm non tại ngôi trường quốc tế ở Sudan. Đến đất nước xa lạ, cô có những trải nghiệm công việc và cuộc sống vô cùng thú vị.
Những học trò yêu thương
Theo Ngọc, trước khi giảng dạy chính thức, cô được nhà trường hướng dẫn về giáo trình và phương pháp chuyên môn sư phạm trong vòng 6 tuần. Vượt “ải” kiểm tra chuyên môn, Ngọc chính thức trở thành giáo viên chủ nhiệm và đứng lớp giảng dạy.
Những ngày đầu, Ngọc gặp khá nhiều trở ngại, các bé còn nhỏ, lại không biết tiếng Anh nên cô trò rất khó khăn trong giao tiếp. Vì thế, Ngọc đã ứng biến bằng cách học cấp tốc tiếng Ả Rập, kết hợp ngôn ngữ cơ thể để trò chuyện và dạy các em.
Kết thúc buổi học tiếng Anh, vào giờ ra chơi, Ngọc sẽ hỏi lại các em những từ ấy bằng tiếng Ả Rập. Điều này giúp cô cải thiện ngôn ngữ mới và tương tác nhiều hơn với học sinh.
“Trải nghiệm công việc dạy học, mình cũng học được tinh thần tương trợ lẫn nhau. Khi một người cần giúp đỡ, các giáo viên khác sẵn sàng hỗ trợ mình bất cứ khi nào. Khi mình ốm, đồng nghiệp nhiệt tình sang hỗ trợ cho tới khi hết tiết.
Ở Sudan, mỗi lớp học do từng giáo viên phụ trách không gọi là: “Lớp của mình” mà tất cả học trò trong trường đều là học sinh của tất cả giáo viên. Do vậy, giáo viên nhớ hết tên của học sinh các lớp”, Ngọc kể.
Ngọc đã dành hàng giờ suy nghĩ những trò chơi, sáng tạo ra các bài vần… kết hợp nội dung bài học để các em dễ ghi nhớ từ mới.
Ngọc chia sẻ thêm, môi trường giáo dục trẻ mầm non ở Sudan rất khác biệt. Bậc học mầm non, trẻ em đã được học rất nhiều từ vựng Tiếng Anh, Toán, Âm nhạc… Nhưng thời gian học tập trong ngày chỉ từ 9h - 10h30 và 11h15 - 12h45.
Ngọc đảm nhận lớp học có 20 học sinh. Số lượng học sinh không quá đông nên cô dễ dàng quan sát, hiểu tính cách và dạy các em học hiệu quả. Điều ấn tượng là Ngọc rất cảm động trước tình cảm của các em học sinh.
“Một lần, hết tiết dạy, mình cảm thấy rất mệt và ngồi thừ ra, không trò chuyện, cười đùa với các bé như mọi khi. Đột nhiên, cậu bé nghịch nhất lớp vốn chẳng trò chuyện với mình bao giờ, tới gần và hỏi: “Cô mệt ạ?”.
Rồi cậu nhường ghế của cậu cho mình. Cậu bảo mình nằm nghỉ một lát và rồi cậu lấy tay xoa tóc cho mình ngủ. Các bé khác nhìn thấy cậu làm vậy, cũng tranh nhau giúp mình lau bảng, giúp giữ trật tự lớp để mình có thể ngủ ngon hơn.
Với mình, sự yêu mến từ các em học sinh là phần thưởng to lớn, giúp mình có thêm động lực tiếp tục công việc”, cô gái 9X tâm sự.
Sudan: Từ lạ thành quen
Sau khi tốt nghiệp đại học, thông qua lời giới thiệu của người bạn, Ngọc thử nộp đơn ứng tuyển vào trường liên cấp quốc tế Cambridge International (Sudan).
Cô đã trải qua nhiều vòng xét duyệt hồ sơ, thi năng lực tiếng Anh và tham dự phỏng vấn trực tiếp với người quản lý học vụ của trường. May mắn, Ngọc đã trúng tuyển. Sau đó, Ngọc được nhà trường gửi visa điện tử và vé máy bay để sang Sudan. Tại đây, cô được hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại, chi phí điện nước và nhận lương chính thức.
Ngọc luôn hòa đồng và nhận được tình cảm từ các em học sinh.
Lần đầu đặt chân đến đất nước Sudan, Ngọc thấy khí hậu ở đây rất nóng, để tránh cơ thể bị khô và mệt mỏi, cô phải mặc áo nhiều lớp, chất liệu quần áo dễ thoát mồ hôi, bôi kem chống nắng khi di chuyển ngoài trời…
Ngọc chia sẻ thêm, ở Sudan, điều kiêng kỵ là bạn không được tùy tiện chụp ảnh có người. Cô đã từng bị cảnh sát và người dân địa phương giữ lại vì chụp ảnh họ mà không xin phép. Ban đầu, cô còn tưởng họ định lại gần chụp “selfies” chung nhưng thực tế, họ bảo cô bạn phải xóa ảnh.
Điều đặc biệt, Ngọc có cơ hội được thưởng thức những món ăn truyền thống ở Sudan và cả những nước như: Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Ai Cập...
“Món ăn khiến Ngọc thích nhất là thịt cừu của người Yemen. Người đầu bếp sẽ tẩm ướp gia vị vào miếng cừu lớn, bọc giấy bạc, sau đó nướng lên cho tới khi thịt mềm. Món thịt cừu chín sẽ dùng tay xé khi ăn kèm với cơm hạt vàng hoặc với bánh mì.
Ngoài ra, mình rất thích sử dụng phương tiện công cộng ở Sudan. Hai loại phương tiện chính là Raksha (xe tuk tuk) và xe buýt. Điểm thú vị, xe buýt ở đây không có bến đỗ. Bạn muốn đi xe thì phải tự nhớ điểm dừng.
Đối với xe tuk tuk, bạn chỉ cần giơ tay gọi xe và tài xế sẽ đưa bạn đến địa điểm cần đến. Mỗi lần đi trên những chiếc xe tuk tuk là một trải nghiệm khác nhau. Có những chiếc xe trang trí toàn là thú nhồi bông hay những nhân vật hoạt hình... rất ấn tượng”, Ngọc nói.
Chuyến đi của Ngọc bắt đầu từ tháng 7/2018 và kết thúc vào tháng 1/2019. Sau chuyến đi, bài học lớn nhất mà Ngọc nhận được là “sự đón nhận”.
“Thời gian ở Sudan, mình có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa Hồi giáo. Mình cảm thấy, người Hồi giáo ở Sudan rất cởi mở và thân thiện. Từ những trải nghiệm, với mình, Sudan quá đỗi dịu dàng, xóa bỏ hoàn toàn những định kiến trong mình trước đây.
Tất cả tình cảm chân thành từ học sinh, những người bạn đồng nghiệp, người dân… tại Sudan thực sự khiến mình cảm thấy ấn tượng và có nhiều cảm xúc. Sau trải nghiệm Sudan, mình trở về Việt Nam. Và hiện tại, mình đang làm việc cho một công ty truyền thông tại Thái Lan.
Mình hy vọng sẽ có cơ hội trở lại Sudan để có thêm thời gian khám phá nhiều vùng đất, những nét văn hóa mới, đa sắc màu hơn”, Ngọc cho biết.
Theo Bình Nguyễn
Sinh viên Việt Nam