Sản phẩm “prồ” của gã kỹ sư từng thất nghiệp

Tốt nghiệp ĐH nhưng không xin được việc làm, đành phải đi sửa chữa điện thoại cho những “tay cò”, đó là tình cảnh của Trần Văn Tín ngày xưa. Còn bây giờ, Tín đã là một giám đốc năng động với nhiều ý tưởng, sáng kiến tạo ra những sản phẩm thiết thực cho đời sống.

Màng bảo vệ tai, thiết bị tiết kiệm điện, bộ tiết kiệm xăng, bộ sạc pin điện thoại di động trên xe gắn máy... là những “đứa con” được Tín tạo ra giữa thời điểm thiếu điện, xăng tăng giá nên đã làm nhiều người “khoái”.

 

Sạc điện thoại di động trên xe gắn máy

 

Nói chuyện với anh cả một buổi chiều, điều mà tôi khám phá ở con người Trần Văn Tín là niềm đam mê nghiên cứu. Câu chuyện cứ luôn bị ngắt quãng bởi điện thoại của anh cứ liên tục reng. Khi thì khách hàng thắc mắc về kỹ thuật của bộ thiết bị tiết kiệm điện, tiết kiệm xăng, khi thì nhân viên hỏi ý kiến xử lý tình huống kỹ thuật... Tất bật là thế nhưng khi anh đã "lạc vào" phòng thí nghiệm rồi thì tắt máy điện thoại, quyết không tiếp một ai "để công việc nghiên cứu không bị gián đoạn".

 

Trong số các sản phẩm anh trình làng thì bộ sạc pin điện thoại di động trên xe gắn máy làm nhiều người "khoái". Xuất phát từ suy nghĩ thật đơn giản của anh: "Dân đi xe hơi thì đã có bộ sạc pin điện thoại gắn trên xe, còn dân đi xe máy thì sao?". Thế là sau nhiều ngày nghiên cứu, anh "đẻ" ra bộ sạc pin điện thoại di động trên xe gắn máy. Sản phẩm thật nhỏ gọn chỉ gồm một mạch ổn áp, một dây cáp... gắn chỗ E của xe, thật tiện ích cho những ai hay di chuyển.

 

Đưa tay gãi đầu, Tín kể: "Khi tôi đưa các ý tưởng này ra nói với bạn bè, nhiều người cho rằng tôi bị "rồ", không lo kiếm sống mà cứ nghĩ đâu đâu". Không dừng lại ở đó, anh đã nghiền ngẫm để rồi chế ra sản phẩm màng bảo vệ tai. Sản phẩm có giá thành rất thấp so với của nước ngoài sản xuất (chỉ bằng 1/7 giá tiền) và được anh gửi đăng ký bản quyền ở Cộng hòa Liên bang Nga.

 

Không có tiền để sản xuất, lại được một công ty của Malaysia đã đồng ý mua lại với số tiền là 24 ngàn USD, thế là anh đồng ý bán. Việc bán lại sản phẩm này đã khiến anh day dứt mãi. "Đem con đi bán làm sao không "đau" cho được", anh Tín tâm sự.

 

Thiết bị điện hạn chế... túi tiền

 

Cũng nhờ sản phẩm màng bảo vệ tai mà anh có kinh phí lập Công ty TNHH tư vấn điện tử I.C.E và bắt đầu nghiên cứu những ý tưởng mà anh hun đúc từ thời còn bé: thiết bị tiết kiệm điện và xăng. Thông thường, những đồ dùng trong nhà như tủ lạnh, máy giặt thường làm thất thoát một lượng điện khá lớn. Làm thế nào để khắc phục được nhược điểm đó? Phải mất 5 năm mày mò, anh mới trả lời được câu hỏi đó bằng một sản phẩm thực tế là thiết bị tiết kiệm điện.

 

Sản phẩm thiết bị tiết kiệm điện của anh được Phân viện khoa học hình sự (Bộ Công an) kết luận giám định: "Thiết bị điện này khi lắp vào mạng điện dân dụng sẽ đóng vai trò một tụ bù, có tác dụng bù công suất phản kháng nâng cao hệ số cos j làm giảm tổn hao điện áp trong mạng điện và tăng khả năng chuyển tải cho đường dây, do đó sẽ tiết kiệm được điện năng. Nó không có tác dụng làm sai lệch chỉ số của đồng hồ điện kế".

 

Năm 2005, trước tình hình xăng dầu tăng giá liên tục, Trần Văn Tín còn chế ra một thiết bị hỗ trợ đánh lửa bugi có chức năng thêm điện thế để đốt hết nhiên liệu góp phần tiết kiệm xăng.

 

Cho đến thời điểm này, dù đã có nhiều thành công trong cuộc sống, nhưng Tín vẫn không quên cái ngày mới ra trường không tìm được việc làm. Lúc đó, mẹ của Tín bị bệnh nhũn não, em gái bị nhiễm chất độc da cam khiến Tín phải làm bất cứ việc gì miễn có tiền mua thuốc cho mẹ. Thông điệp mà Tín gửi các bạn trẻ là: "Dù khó khăn nhưng có cái đầu sáng và chịu khó thì việc gì cũng có thể làm được”.

 

Theo Thiên Long
Thanh Niên