Sài Gòn “xế điếc”!
Không hầm hố như dân chơi mô tô, không sang trọng quý phái như các tay chơi xế hộp, thú chơi xe đạp của dân Sài Gòn bây giờ không chỉ là câu chuyện của hai chiếc bánh và những vòng chân sải dài trên pê-đan.
Hội “Xế điếc”
Ở TPHCM, chơi xe đạp chủ yếu là xe đua, phần lớn là thanh niên. Họ tụ tập qua “cơ quan ngôn luận” là web xedap.org. Nổi tiếng nhất là các nhóm: Phú Mỹ Hưng (Q.7), nhóm sân bay Tân Sơn Nhất và nhóm Xa lộ Hà Nội (Q.2).
Trước đây xe đạp khá phổ biến tại Sài Gòn vì đời sống khó khăn chưa có nhiều xe máy. Xe đạp lúc đó đơn thuần là một phương tiện, chỉ có một số ít chơi xe đạp như thú vui và thể thao. Nguyễn Nhật Minh, thành viên nhóm Xa lộ Hà Nội nói: “Đời sống khá lên xe đạp nhường cho xe máy, xe hơi nhưng kinh tế khá thì sức khỏe bị sao lãng nên một số người quay lại chơi xe đạp”.
Trước đây Minh không có ý tưởng gì về xe đạp. Sau vài lần thấy các cua-rơ tung nước rút trên truyền hình đẹp quá, thế là lân la và không bỏ được nữa”. Theo Minh, xe đạp khác với chơi mô-tô, ô-tô là đơn giản, không tốn nhiều tiền. Cái thú là cảm giác thoải mái khi chạy ngoài trời và sức khoẻ và được nâng niu theo xe”.
Vẻ đặc thù của món chơi xe đạp dễ tạo sự đồng cảm. Muốn chơi xe đạp, cứ đến đường Trường Sơn (khu sân bay). Đây là đại bản doanh của nhóm Sân bay, họ tụ tập ở quán cà phê góc đường. Sau khi tán dóc đủ chuyện, tất cả chỉnh tề lên yên xe đạp vòng quanh phố rồi đổ về các vùng ngoại ô Củ Chi, Hóc Môn...
Ở đại lộ Nguyễn Văn Linh, “chủ xị” là nhóm Phú Mỹ Hưng. Con đường này thoáng, rộng và ít xe cộ nên thu hút rất nhiều người chơi xe. Dũng Thanh, một thanh niên là thành viên nhóm Phú Mỹ Hưng cho biết: “Mọi người không phân biệt thành phần. Lúc đầu mới chơi thấy anh em bàn tán chuyện xe cộ thấy cũng lạ. Dần dần hiểu thêm về các loại xe nên anh em càng gắn bó”. Nhóm Xa lộ Hà Nội ở ngay cầu Sài Gòn, là địa chỉ cho các tay chơi thích thử sức đường dài Sài Gòn-Vũng Tàu.
Ngoài những hội trên, còn có nhiều người chơi tự do. Hầu hết là dân kinh doanh, không thoải mái về thời gian nên chỉ tụ tập khi rảnh hoặc đạp loanh quanh ở nội thành. Một cái tên khá nổi trong giới này là Lê Nguyễn Bảo Châu, chủ quán cà phê Châu trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1.
Quán của Châu còn được dân chơi mô tô thể thao Sài Gòn chọn làm nơi tụ tập mỗi sáng Chủ nhật. Không có nhiều thời gian đạp cùng hội, những lúc rảnh, anh Châu nai nịt gọn gàng phóng một mạch xuống Long Thành, Vũng Tàu rồi quay về để thỏa đam mê.
“Xe đạp không phải là thứ bỏ đi”
Dân chơi mô-tô có niềm vui là dáng vẻ khệnh khạng của con xế. Dân mê ô-tô thích sự sang trọng và phong cách “có điều kiện”. Dân chơi xe đạp có thú vui giản đơn như phương tiện của mình.
Nguyễn Trung Sang, một tay chơi tại Phú Nhuận nói: “Đa phần dân chơi xe đạp xem việc đạp xe tập thể dục mỗi sáng là một phương pháp giữ gìn sức khỏe rất hữu hiệu. Thỉnh thoảng mọi người tổ chức đạp ra các tỉnh khác nghỉ ngơi rồi đạp về. Vừa khỏe vừa tiết kiệm mà vui”.
Bây giờ, giá một chiếc xe đạp có thể lên đến hàng ngàn USD nhưng giá trị nhất mà nó mang lại là niềm vui sải chân vun vút trên đường. Anh Châu nói: “Chúng tôi chơi xe trước hết là đam mê, sau đó là muốn thay đổi quan niệm về xe đạp của nhiều người. Xe đạp mang lại sức khoẻ và không... rẻ mạt như nhiều người nghĩ”.
Đam mê xe, anh Châu nổi tiếng khi bỏ ra 55 triệu đồng mua chiếc Blue RC7 từ Mỹ. Ngày mới chơi, Châu khiến cả nhà kinh ngạc khi dám bỏ 8,5 triệu đồng để rước về chiếc xe của Trung Quốc. Giới chơi xe Sài Gòn còn kháo nhau về chiếc xe của ông chủ Sinh’s Cafe có giá cả trăm triệu đồng.
Không chỉ sinh hoạt ở địa phương, các tay đua phong trào khắp thế giới còn kết nối với nhau qua diễn đàn www.xedap.org. Diễn đàn là nơi để dân mê xe đạp trao đổi, học hỏi, hướng dẫn cặn kẽ cho nhau về cách sử dụng xe, cách mua xe, cách sửa xe cho tới cách chạy và bảo dưỡng.
Vào đây, bạn không chỉ nắm bắt được tình hình sinh hoạt của các đội phong trào TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội..., mà còn tận các nước xa xôi như Mỹ, Úc, Canada. Thêm vào đó, trên web, lộ trình các chuyến đi từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An... đặc điểm các tuyến đường và giá cả nhà nghỉ dọc đường, những địa danh cần biết được các cua-rơ chuyển tải rất kỹ cho những ai cần tham khảo.
Theo Sinh Viên Việt Nam