Rủ nhau ra riêng

Gia đình có hai chị em, cô chị đã lấy chồng được chia một căn nhỏ kế bên, còn lại cô em vừa mới ra trường chưa đầy một năm đã đòi ra riêng. Lý do “không thích chung đụng với anh rể”, mặc dù hai nhà cách nhau một cái vách ngăn.

Thoát ly bằng mọi cách

 

Nói là làm, Kim Hạnh dọn hết tài sản cá nhân bao gồm một chiếc xe máy, điện thoại, máy tính và thu nhập hàng tháng bốn triệu đồng. Hạnh phân tích, nếu một tháng trích ra tám trăm trả tiền nhà, còn lại xài tiết kiệm tí xíu cũng không vấn đề, chỉ cần mình có được không gian riêng, muốn làm gì theo ý mình đều được.

 

Hỏi Hạnh tại sao không cố gắng sống chung với bố mẹ đến khi có gia đình, Hạnh phản đối quyết liệt: “Vấn đề là được tự do hoàn toàn theo ý mình, chứ nếu lấy chồng mới ra riêng thì đâu còn tự do nữa”.

 

Chạy vạy hết một tuần mới tìm ra căn phòng trong dãy nhà trọ dành cho sinh viên “cao cấp”, sau đó mất thêm hai ngày chuẩn bị hành trang, cuối cùng Quốc Huy (nhân viên kinh doanh, 25 tuổi) cũng tạm bằng lòng với chốn riêng của mình.

 

Căn phòng vỏn vẹn 20m2 nhưng với Huy như vậy là quá đủ để làm nên kỳ tích. Kỳ tích đó phải được kể đến yêu sách mà Huy áp dụng để được ra riêng: không ngày nào trở về trước ba giờ sáng, không thèm đi làm suốt hai tuần, tất cả chi tiêu trong gia đình đều ngửa tay chờ ba mẹ.

 

Thấy con tự dưng dở chứng, không quan tâm đến bất cứ gì nên hai ông bà hoảng, hỏi nó muốn gì, Huy trả lời gọn lỏn: “Con muốn ra riêng!”. Thuyết phục mãi không xong, cuối cùng ba mẹ đành bấm bụng cho cậu con út ra riêng mà hồi hộp: “Đang yên lành lại đòi ở riêng, người ngoài nhìn vào không biết lại nói chắc ba mẹ với con cái có gì nên nó mới phải bỏ nhà đi”.

 

Lý do của Ngọc Quỳnh - 24 tuổi, kế toán một công ty quảng cáo là luôn cảm thấy không thoải mái trong chính gia đình mình. Theo Quỳnh, gia đình không ai hiểu cô muốn gì, cần gì, chỉ cần thấy cô chưa về nhà sau mười giờ tối đã bắt đầu gọi điện la mắng.

 

Đằng sau sự tự do

 

Hình dung về cuộc sống một mình một phòng tươi đẹp như thảm hoa hồng, Khánh chưa bao giờ nghĩ đến việc một ngày nào đó mình phải quay trở về nhà và âm thầm, lặng lẽ không dám nhắc gì đến chuyến phiêu lưu nữa.

 

Đang giữ chức trưởng phòng tổ chức sự kiện một công ty quảng cáo khá uy tín, đùng một cái Khánh gây gổ với sếp và nghỉ việc ngang hông. Không được trợ cấp bất cứ khoản nào và hai tuần vẫn chưa tìm ra việc mới, Khánh đành phải cuốn gói về nhà chờ thời cơ.

 

Cô Hồng Thuý - mẹ Khánh tâm sự: “Nếu con cái tự tìm thấy con đường của mình, biết mình cần gì, làm thế nào đã là quá tốt. Việc cha mẹ và con cái không thể hiểu nhau luôn là vấn đề khó nói của từng gia đình. Dù ở bất kể cương vị nào, làm cha mẹ hay làm con cái, tôi đều thấy cần phải quyết định dựa trên sự lắng nghe lẫn nhau”.

 

Với ba mẹ của Kim Ngân - một giám đốc tiếp thị - sự lựa chọn sống riêng của cô hoàn toàn được tôn trọng. Thậm chí họ còn tin rằng nó còn giúp cô chóng trưởng thành và biết tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, nói như Ngân, cái gì cũng có cái giá của nó.

 

Ngân kể lại một “sự cố” nhớ đời đó là lần Ngân bị sốt vào nửa đêm nhưng nhà bố mẹ xa quá, khi mọi người chạy đến Ngân đã mê man. Sau đó, không ai cho Ngân ở riêng nữa nhưng cô nàng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Bây giờ, Ngân tin là mình có thể sống tự lập một cách đàng hoàng.

 

Cũng thoát ly khỏi gia đình với lý do cần được tự do để tập trung làm việc, Tấn Dũng chọn cho mình cuộc sống khá thú vị với những người bạn cùng chung chí hướng. Ban đầu mấy thằng bạn sáng làm, chiều nhậu, cuộc sống vui vẻ ngày này qua tháng nọ rất trơn tru nhưng chừng vài tháng, đứa này có bạn gái, đứa kia chuẩn bị cưới vợ... không chính thức. Nội bộ lộn xộn, dẫn đến cuộc phân chia phòng ốc cũng không kém phần nhiêu khê. Căn nhà trọ trở thành hai gia đình bé với hai cặp cũng bé như phòng. Sự tự do trở thành câu hỏi lớn không lời đáp!

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị