Rơm vàng tuổi thơ
(Dân trí) - Những năm tháng về trước, hình ảnh quen thuộc ở mỗi làng quê là những gian bếp khói rơm bay ra mùi khói nồng nồng, góc vườn nhà nào cũng có một đống rơm to tích trữ để dùng vào nhiều việc, chủ yếu nhất là dùng để đốt lấy lửa đun nấu.
“Một sợi rơm vàng
Hai sợi vàng rơm
Bà bện chổi to,bà đan chổi nhỏ...”
Ngồi học chợt thấy nồng nồng mùi khói do những nhà gặt xong không lấy rơm mà đốt ngay ngoài ruộng đưa vào làng làm tôi chợt nhớ đến những câu hát trên. Sinh ra và lớn lên tại một miền quê thuần nông nên những hình ảnh chiếc chổi rơm, đống rơm vàng, gian bếp tro, chiếc nồi gang và kiềng 3 chân và những chiều hè trên hiên nhà bà nội tôi ngồi truốt những bó rơm nếp vàng óng rồi bện thành những chiếc chổi quét nhà đã là những hình ảnh in đậm tuổi thơ tôi.
Mùi khói làm tôi nhớ những năm tháng trước da diết,chẳng phải tự nhiên tôi nhớ những hình ảnh tuổi thơ nhiều đến vậy,tôi nhớ vì giờ tôi không tìm thấy những hình ảnh ngày xưa nữa. Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống đi lên, đời sống trong mỗi gia đình đều đã cải thiện rõ rệt, không phân biệt thành thị nông thôn, giờ hầu như những thứ như bếp gas, đồ điện tử điện lạnh đã trở thành những vật dụng thiết yếu.
(ảnh minh họa. Nguồn internet)
Những năm tháng về trước, hình ảnh quen thuộc ở mỗi làng quê Việt là những gian bếp khói rơm bay ra mùi khói nồng nồng ấm nóng mà cũng thân thuộc đến lạ, góc vườn nhà nào cũng có một đống rơm to tích trữ để dùng vào nhiều việc, chủ yếu nhất là dùng để đốt lấy lửa đun nấu.
Mỗi độ thu hoạch lúa, nhà nào cũng giữ lại rơm, rơm phơi đầy đường làng ngõ xóm để lấy rơm khô dùng làm chất đốt, để lót chuồng trại chăn nuôi, rồi ủ giống cây trồng nông nghiệp...riêng rơm nếp thì được phơi riêng một cách kĩ lưỡng để giữ lấy những cọng rơm vàng óng, dai chắc để dùng vào các việc như bện chổi, buộc bánh...
Đọng mãi trong tôi là hình ảnh những ngày mùa phơi rơm, ngày mấy lượt mẹ tôi và các bà, các cô bác trong làng cầm theo một chiếc gậy dài ra gẩy rơm cho khô, khi rơm đã khô mang về được bố mẹ tôi dùng hai chiếc gậy dài làm đế rồi chất rơm thành một lùm to lên trên gậy khiêng về chất thành đống trong góc vườn.
Nhớ những hôm đến giờ cơm chiều mẹ sai hai chị em cầm thúng ra rút rơm cho vào góc bếp để mẹ nấu cơm, lúc đống rơm còn to rút khó hai chị em cứ đùn đẩy nhau, giờ thì những đứa trẻ sinh ra ở nông thôn và chính bản thân tôi muốn tìm lại hình ảnh đó mà cũng không còn mấy.
Giờ nhà nào làm ruộng, thu hoạch lúa xong là có máy phụt thóc ngay ngoài bờ chỉ việc đóng thóc vào những chiếc bao tải chở về,không còn gánh với thồ lúa về sân nhà rồi dùng máy tuốt như trước, rơm cũng không còn được tận dụng, thu hoạch lúa xong người nông dân đốt hết rơm, không còn thấy đâu những cọng rơm vàng tuổi thơ giờ chỉ thấy những ngày mùa thu hoạch là xóm làng ngập trong mùi khói đốt rơm, khói dày đặc, xóm làng ngột ngạt vì nhà nào cũng đốt, đốt nhiều...
Nhìn lại thấy việc làm nông nghiệp ứng dụng máy móc kĩ thuật tiên tiến hiện đại như giờ hẳn đã giúp người nông dân đỡ vất vả, đỡ cực nhọc hơn,thu hoạch nhanh gọn hơn nhưng vẫn không thể nào quên và không khỏi bồi hồi mỗi khi nhớ về những hình ảnh của trước đây đã làm nên cả một kí ức thân quen.
Giờ nhớ đến rơm vàng là nhớ tuổi thơ, nhớ những năm tháng miền quê còn nghèo, người nông dân cực nhọc, cuộc sống dung dị đơn sơ, nhưng đó là miền quê rất đỗi bình yên, tình cảm làng xóm nồng ấm và nhớ những hình ảnh bếp tro với kiềng ba chân đỏ lửa, nấu cơm bếp rơm bằng nồi gang và cơm ngon đến lạ, bà bện chổi rơm không khi nào quên bện cho cháu gái những chiếc chổi nhỏ xinh để cháu lấy chơi đồ hàng cùng chúng bạn và để cháu giúp bà quét nhà.
Ngày đông mẹ tôi nấu cơm mấy chị em tôi hay vào ngồi xung quanh mẹ gần bếp lửa cho ấm, mẹ không quên cho vào mấy củ khoai củ sắn vào nướng cùng khi nấu cơm để khi mẹ nấu xong cơm khều từ những tàn tro hồng ra là những củ khoai củ sắn nướng bằng rơm đã chín thơm mấy chị em bóc ăn với đầy thích thú.
Giờ tôi thấy thoải mái với cuộc sống tiện lợi hiện tại nhưng những kí ức tuổi thơ về những năm tháng bình yên với khói bếp ban chiều, những cọng rơm vàng sẽ không bao giờ nhạt đi. Tôi gọi đó là : Rơm vàng tuổi thơ!
Trang Cao