Rẽ trái và chứng minh mình đúng

“Rẽ trái” là một hướng đi bên cạnh việc “rẽ phải” hay “đi thẳng”. Việc chọn hướng đi khác thói quen hay khác số đông thường dễ tìm ra cái độc đáo hơn, nhưng cũng chứa đựng rủi ro nhiều hơn. Và khi đã có những người dám “rẽ trái” thành công, thì tại sao chúng ta không thử... thay đổi tư duy của mình?

Cú “rẽ trái” táo bạo của chị Nguyễn Thị Thu

 

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 1980, chị Thu về làm ở phòng kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam Seaprodex. Cuối những năm 80, công ty tổ chức tinh giản nhân lực, phòng kinh doanh của chị từ vài chục người chỉ còn được giữ lại vài người, và chị Thu là một trong số những “người ở lại may mắn” đó. Thế mà ai cũng bất ngờ khi chị quyết định “rẽ trái”: Xin nghỉ việc!

 

Chị tâm sự: “Lúc đó mình quyết định nghỉ việc, một phần vì muốn thử sức, muốn tự kinh doanh, một phần vì thấy những anh em trong phòng khi bị tinh giản gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc. Mình nghỉ việc thì thêm một người được giữ lại”.

 

Khi còn ở Seaprodex, chị làm kinh doanh rất nhiều sản phẩm như xăng, dầu, nhựa... Nhưng vào năm 1994, chị lại chọn giấy - một mặt hàng ít người nghĩ đến - trong cú “rẽ trái” này số vốn phải bỏ ra khá lớn, vì vậy rủi ro đối với doanh nghiệp mới khá cao. Chị chỉ tin ở dự đoán của mình là nhu cầu về giấy không chỉ ổn định mà ngày càng tăng cao trong tương lai gần.

 

12 năm qua, đã có những lúc thị trường giấy biến động, giá giấy rớt khiến nhiều công ty kinh doanh mặt hàng này lao đao và Công ty Toàn Lực do chị làm giám đốc cũng không nằm ngoài tác động ấy. Thế nhưng, người phụ nữ dịu dàng này vẫn vững vàng, kiên trì tìm trong khó khăn những cơ may phát triển, chỗ dựa của chị là ở chữ tín

 

Bước ngoặt của “Chinh đường phố”

 

“Nhờ cú rẽ trái khá đột ngột cách đây 15 năm, tôi mới có biệt danh “Chinh đường phố”. Đâu phải ai cũng có được cái tên... ấn tượng này, phải không?!” - anh Nguyễn Văn Chinh, người quản lý các dự án chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trường vừa học vừa làm 15/5 (gọi tắt là Trường 15/5) đã bắt đầu câu chuyện về bước ngoặt trong cuộc đời anh như thế.

 

Tháng 8/1991, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao (TDTT) TPHCM, Chinh trở thành huấn luyện viên lớp bóng chuyền và tham gia tổ chức các giải phong trào tại Q.1. Đang “đi thẳng” như vậy, đùng một cái, vào tháng 11/1991, anh rẽ sang “đầu quân” về Trường 15/5.

 

Khi đó, các lớp học Trường 15/5 rất tuềnh toàng, chỉ toàn nền đất vách ván và diện tích chật hẹp. Mặt khác, lương bổng giáo viên chẳng là bao nên hầu như ít ai muốn công tác lâu dài tại đây. Thầy Tần - Hiệu trưởng lúc đó đã “cảnh báo” Nguyễn Văn Chinh bằng những câu chân tình, thẳng thắn: “Đây là mảnh đất trắng. Em cày xới như thế nào, trồng cây gì trên đất này là tùy vào khả năng của em. Nhưng tui cũng phải nói trước, đó là những việc không hề dễ dàng!”

 

15 năm đã trôi qua, Nguyễn Văn Chinh nhớ lại quãng đời đáng nhớ ấy: “Đôi lúc tôi cũng thấy chông chênh, “tay lái” muốn loạng choạng và mấy lần định “cài số lui” bởi những bức bách cơm áo trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi cảm thấy ngày càng gắn bó hơn với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở đây”.

 

Hằng ngày, Chinh bận lu bù với nhiều loại dự án của Trường 15/5 dành cho những trẻ đường phố như: dự án dạy nghề, dự án dạy tiếng Anh, phổ cập vi tính, mời gọi tài trợ và cấp học bổng... Nghề huấn luyện viên trước đây cũng hỗ trợ Chinh phần nào trong công việc phụ trách mảng vui chơi giải trí cho trẻ đường phố.

 

Sau 15 năm, “Chinh đường phố” ngoảnh nhìn lại vạch xuất phát cho hành trình “rẽ trái” của mình với nụ cười bình thản và bản lĩnh: “Điều quan trọng để... rẽ phải hay rẽ trái là bạn muốn đạt được gì ở cuộc sống. Môi trường làm việc càng nhiều khó khăn thì càng thử thách khả năng chịu đựng của mình. Bản thân tôi không hề cảm thấy hối tiếc về lựa chọn trên. Nếu có tiếc nuối, thì đó chính là sự chưa thỏa mãn với những thành quả đem lại cho trẻ...”.

 

“Chàng khờ” Minh Triết: Không thích “đi thẳng”!

 

“Khờ” - chuyện thứ nhất: Từ chối suất học bổng du học ở Pháp dành cho sinh viên xuất sắc ngành Hóa dầu ĐH Bách khoa TPHCM và tất nhiên cũng bỏ luôn cơ hội trở về khoa làm giảng viên trẻ sau khi tốt nghiệp thạc sĩ.

 

“Khờ” - chuyện thứ hai: Khảng khái lắc đầu với lời mời về làm kỹ sư cho một tập đoàn dầu khí nước ngoài, thay vào đó, đầu quân vào một công ty máy tính tư nhân nhỏ của Việt Nam với chức danh “nhân viên bán hàng” và mức lương chỉ còn xấp xỉ 1/10 lương kỹ sư hóa dầu do bên nước ngoài đề nghị.

 

“Chàng khờ” ưa rẽ trái ấy là Nguyễn Minh Triết, giám đốc tập đoàn S.A.G (gồm 3 công ty con chuyên về tư vấn chiến lược, nghiên cứu thị trường và kinh doanh quà lưu niệm cao cấp). Tất nhiên, trước khi S.A.G ra đời, anh còn gây sốc cho bạn bè và người thân một lần nữa: từ bỏ vị trí giám đốc kinh doanh tại Việt Nam của tập đoàn dầu nhớt Shell nổi tiếng với mức lương 4 con số tính bằng đô la để bắt đầu xây dựng sự nghiệp của mình từ con số 0.

 

Đem một loạt nghi vấn đến tìm “thân chủ”, Minh Triết thản nhiên: “Mỗi người đều có một đam mê. Và hạnh phúc nhất là được sống với đam mê của mình. Đam mê của tôi là làm kinh doanh”.

 

Hỏi Triết có hối hận vì ngày xưa không theo đuổi con đường kỹ thuật đã dày công học ở đại học, anh cười lớn, giọng tự tin: “Nếu ngày ấy quyết định làm kỹ sư hóa dầu, có lẽ bây giờ tôi cũng đã thành công trong lĩnh vực kỹ thuật. Nhưng đam mê của tôi là kinh doanh, là đấu trí trên thương trường. Thế thì có gì đâu phải tiếc. Nói vậy thôi chứ tôi cũng không đoán trước điều gì cả. Vài ba năm nữa, biết đâu tôi lại bỏ mọi chuyện kinh doanh lại phía sau để thỏa sức du lịch bốn phương thì sao”.

 

Xem ra anh chàng chuyên gia tư vấn chiến lược này vẫn “ngấm ngầm” tìm những lối rẽ trái như vậy, đơn giản vì “mình thích làm gì hãy làm điều đó, đó cũng chính là một yếu tố để thành công”.

Theo Thanh Niên